Người Đan Lai giỏi ở Thạch Sơn
(Baonghean) - Qua "Đường dây nóng" Báo Nghệ An, thú thật ít khi chúng tôi nhận được những thông tin tích cực và đầy niềm vui như cuộc gọi từ người dân bản Thạch Sơn (Thạch Ngàn, Con Cuông) rằng: nhà báo hãy về nêu gương ông La Đình Thám - chủ gia đình thuộc tộc người Đan Lai di dời tái định cư tại bản Thạch Sơn, đã chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo...
Bản tái định cư Thạch Sơn cách Thị trấn Con Cuông chừng 20 km. Trong bản, ngôi nhà của gia đình ông Thám khá nổi bật, nhà đã được ốp ván gỗ, lại có cái sân rộng láng xi măng và lợp mái tôn. Ấn tượng ban đầu của tôi về ông La Đình Thám, ấy là người đàn ông Đan Lai có khuôn mặt đôn hậu, dễ gần. Hỏi chuyện thoát nghèo, ông cười hiền lành: Nhờ vợ ta đấy. Và cứ thế, chuyện thời trai trẻ, chuyện gặp người con gái xứ Thanh rồi gá nghĩa vợ chồng, chuyện bươn chải làm ăn để có chút của ăn của để rồi thực hiện lời kêu gọi viết đơn thoát nghèo cứ thế được kể ra hết với khách lạ.
Ngôi nhà của vợ chồng ông La Đình Thám ở bản Thạch Sơn. |
Ông La Đình Thám sinh năm 1962 tại tận cùng Khe Khặng, xã Môn Sơn, nơi tộc người Đan Lai huyện Con Cuông cư trú. Tuổi thanh niên, ông theo học hệ sư phạm 7+3. Ông nhớ lại, thời đó còn bao cấp nên sau khi tốt nghiệp thì được đi thực tập tại huyện Tân Kỳ. Nhưng ông đành phải bỏ giữa chừng vì "khổ quá", không chịu nổi cảnh ăn bo bo trừ bữa ngày này sang tháng khác. Trở về quê, nhìn cảnh nhà với nhiều hủ tục lạc hậu, sống biệt lập giữa núi rừng, kế sinh nhai là phát nương làm rẫy, xuống khe suối bắt con ốc con tôm nên ông tập tành đi buôn bán song, mây. Nghề buôn bán giúp ông có cơ hội mở rộng quan hệ, gặp gỡ giao du với nhiều người. Vào năm 1992, ông gặp Nguyễn Thị Hương, người con gái xứ Thanh thường ngược Con Cuông buôn men rượu. Thế rồi hai người nảy sinh tình cảm, nên nghĩa vợ chồng. Biết sẽ vất vả vô cùng, vậy nhưng "lỡ" mến người thanh niên Đan Lai nên bà Hương quyết chí cùng ông về Khe Khặng xây dựng cuộc sống mới. Ở đây, hai vợ chồng cùng nhau phát nương trỉa lúa, chăn nuôi gia súc gia cầm và có với nhau 4 người con.
"Năm 2006, là thời khắc cuộc sống gia đình tôi bắt đầu có sự thay đổi" - ông Thám nói. Đấy là năm huyện Con Cuông thực hiện xây dựng các khu tái định cư di dời tộc người Đan Lai khỏi nơi ở cũ nhằm thay đổi cuộc sống của họ theo chủ trương của nhà nước. Gia đình ông Thám, bà Hương và 50 hộ gia đình ở Khe Khặng được chuyển về bản mới Thạch Sơn. Tại nơi ở mới, ông bà được nhà nước giao cho "cái nhà sàn, đất ruộng" và được hướng dẫn "cái khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để làm ăn". Giai đoạn này, như các hộ gia đình khác, gia đình ông cũng được công nhận hộ nghèo, được hưởng các loại hỗ trợ khác như lương thực, muối, tiền điện, tiền lễ tết... Nhưng do vẫn mang nặng phong tục tập quán và phương thức canh tác lạc hậu từ nơi ở cũ nên cuộc sống vẫn chưa thay đổi được bao nhiêu.
Sau một năm về nơi ở mới, trong một lần về thăm quê vợ, ông nhận thấy ở đây trồng sắn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nghĩ rằng ở Thạch Sơn sẵn có nhiều vùng đất đồi, ông bàn với vợ gom nhặt, vay mượn tiền lấy vốn mua giống sắn, đồng thời huy động con cái, anh em tổ chức khai hoang đất đai để trồng. Thật may mắn vì "trời đã không nỡ phụ người có công", vụ sắn đó thành công ngoài mong đợi, gia đình ông thu hồi vốn, trả công lao động cho những người đã giúp mình còn thu lợi được hàng chục triệu đồng.
Từ thành quả của vụ đầu, những năm sau ông và những người dân Đan Lai bản Thạch Sơn tiếp tục mở rộng diện tích trồng sắn mang lại thu nhập khá. Lúc này, ông không chỉ khai hoang trồng trọt mà cùng vợ kiêm luôn việc thu mua sắn cho bà con rồi đem nhập cho thương lái. Nhờ cần cù, chất phác nên vợ chồng ông được các thương lái tin cậy, cấp vốn gom mua sắn, các loại lâm sản phụ như hạt chuối, hạt mây... rất sẵn có ở Thạch Ngàn. Ông nói: "Như cây lạc tiên này cũng là một loại lâm sản phụ mà các bạn hàng đặt chúng tôi thu mua. Chúng tôi có trách nhiệm hướng dẫn bà con trong bản vào rừng thu hái còn mình tổ chức thu mua lại với giá 1.500 đồng/kg cây tươi. Sau đó, bỏ công chặt nhỏ, phơi khô, đóng thành bao rồi nhập với giá 10.000 đồng/kg. Nhờ đó, bà con trong bản cũng có thêm thu nhập mà mình cũng kiếm được dăm triệu đồng mỗi tháng...".
Tài sản của vợ chồng ông bà Thám Hương giờ vào loại khá nhất bản Thạch Sơn, "có 2 con trâu, 3 con bò; một ít ruộng nước và 2 ha nương đồi trồng keo chưa kể gia súc gia cầm". Chính vì "có điều kiện hơn đồng bào trong bản" nên cuối năm 2013, bà Hương đã bàn với chồng làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Dù biết ra khỏi hộ nghèo sẽ thiệt thòi quyền lợi nhưng ông đồng tình với vợ. Và năm 2014, xã Thạch Ngàn đã có hộ gia đình người Đan Lai đầu tiên rút khỏi danh sách hộ nghèo.
Bà Hương tâm tư: Kinh nghiệm của vợ chồng tôi đơn giản là phải siêng năng, cần cù; khi được truyền đạt các tiến bộ khoa học thì phải biết lắng nghe để áp dụng. Phải lao động cật lực, từ đó rút ra được kinh nghiệm cho bản thân chứ nói về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đồng bào Đan Lai như thế là hết cỡ rồi. Nếu mong được quan tâm thêm thì chỉ mong làm sao thúc đẩy được việc học tập của con em trong bản lên cao hơn nữa. Trình độ nhận thức của dân bản còn rất thấp, gần chục năm rồi mà Thạch Sơn vẫn chưa có cháu nào qua nổi lớp 12...".
Theo anh Lương Văn Cảnh - cán bộ Văn phòng nông thôn mới huyện Con Cuông, ông La Đình Thám và bà Nguyễn Thị Hương là những người rất có tâm huyết với bà con. Ông bà không những biết ứng dụng những gì cán bộ kỹ thuật huyện chỉ bảo còn hướng dẫn được cho bà con trong bản làm theo và qua đó, dần thay đổi nếp nghĩ cũ. Hiện tại, ông Thám và bà Hương trồng cam đem lại thu nhập cao nên đã chủ động xin được trồng thử nghiệm trên 100 gốc cam. Sau một năm trồng, cây cam đã bén rễ trên đất Thạch Sơn. Trong một vài năm nữa, nếu cây cam cho ra kết quả tốt, các hộ gia đình ở Thạch Sơn cũng sẽ theo trồng.
Với ông Ngân Xuân Nhung, Chủ tịch UBND xã, điểm đáng quý lớn nhất của gia đình ông Thám, bà Hương là tính tự lập. Ông Nhung nói: "Điểm yếu của đồng bào là thường thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Với anh La Đình Thám và chị Nguyễn Thị Hương thì không như vậy. Tính tự lập của hai vợ chồng này rất cao. Bằng sự nỗ lực tự thân, anh chị đã chủ động vươn lên trong cuộc sống, không chỉ thoát nghèo mà còn tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân trong bản. Anh chị thực sự là tấm gương để đồng bào Đan Lai ở bản Thạch Sơn noi theo...".
Ở huyện Con Cuông, việc người dân tự chủ động xin ra khỏi hộ nghèo đã như một phong trào. Và xã Thạch Ngàn, là một trong những địa phương có nhiều hộ gia đình như vậy. Từ năm 2013 đến nay, Thạch Ngàn đã có hơn 30 hộ xin ra khỏi hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo nơi đây trong 5 năm 2013 là 38,2%, đến cuối năm 2014 rút xuống còn khoảng 30%. Việc những gia đình như hộ ông La Đình Thám đã làm, tự nguyện gác bỏ các lợi ích có được từ tiêu chuẩn hộ nghèo để nỗ lực vươn lên trong cuộc sống bằng chính khả năng của bản thân thật là đáng quý. Và việc làm đó, thực sự là tấm gương cho xã hội noi theo.
Nhật Lân