Người dân Mỹ trông đợi điều gì?

17/04/2015 07:15

(Baonghean) - Tuần qua, truyền thông dành nhiều sự quan tâm tới việc cựu đệ nhất phu nhân, cựu Ngoại trưởng Mỹ, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Hillary Clinton tham gia tranh cử tổng thống. Dù hơn 1 năm nữa mới đến ngày “đất nước cờ hoa” bầu tổng tống, nhưng ngay khi bà tuyên bố tranh cử, phần lớn người dân Mỹ đều ủng hộ bởi họ hy vọng rằng dưới sự lãnh đạo của bà, tương lai của họ, của nền kinh tế Mỹ sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn…

Bà Hillary Clinton và con gái Chelsea trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000. Ảnh AP
Bà Hillary Clinton và con gái Chelsea trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000. Ảnh AP

Hillary Clinton chào đời tại Bệnh viện Edgewater, Chicago, tiểu bang Illinois trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Cha bà - ônh Hugh Ellworth Rodham, hậu duệ của những người di dân đến từ Anh và từng là một cựu binh đã tham gia chiến tranh thế giới thứ hai, một tiểu thương ngành Dệt may. Mẹ của bà - Dorothy Emma Howell Rodham, cũng là hậu duệ của những di dân gốc Anh, từ khi lấy chồng bà ở nhà làm nội trợ và nuôi con. Thời nhỏ, Hillary theo học ở trường công và là một nữ hướng đạo sinh. Bà rất tích cực tham gia các môn thể thao cũng như các phong trào ở trường học. Năm 1962, Hillary được gặp lãnh tụ phong trào dân quyền, Mục sư Martin Luther King tại Chicago. Nhiều người cho rằng sự kiện này tác động lớn đến lý tưởng mà bà theo đuổi cả cuộc đời.

Sau khi tốt nghiệp Trường Wellesley College ở Tiểu bang Massachusetts, bà tiếp tục theo học cao học ngành Luật tại Trường Đại học Yale – một trường đại học nổi tiếng của nước Mỹ về ngành Luật. Cũng tại trường đại học này bà gặp Bill Clinton – người sau này là chồng bà. Trong thời gian học cao học, bà làm việc trong Ban Biên tập của Tạp chí Luật và Hành động xã hội của nhà trường; làm việc cho Quỹ Bảo vệ trẻ em ở Massachusetts với tư cách là người tư vấn luật; Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em Yale.

Cũng tại đây, bà thu thập những câu chuyện về tình trạng trẻ em khuyết tật không được nhận đầy đủ dịch vụ giáo dục. Năm 1973, Rodham nhận văn bằng Tiến sỹ Luật tại Yale với đề tài quyền trẻ em. Năm 1974, bà được mời vào làm việc trong ban thẩm tra luận tội cựu Tổng thống trong vụ tai tiếng Watergate. Sau đó bà chuyển tới Arkansas, giảng dạy môn Luật và điều hành một văn phòng luật cố vấn cho người nghèo. Tháng 10/1975, Hillary và Bill Clinton cưới nhau, hôn lễ được tổ chức ở Fayetteville, Arkansas. Sau này bà là đệ nhất phu nhân của bang Arkansas, là người có công rất lớn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận hệ thống y tế và giáo dục cho người dân. Bà sinh con gái Chelsea vào năm 1980.

Khi Bill Clinton đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 1992 và tái đắc cử 4 năm sau đó, giới quan sát cho rằng bà có công lao rất lớn trong quá trình vận động tranh cử và đó là lý do ông có chiến thắng vang dội tại 2 cuộc bầu cử này. Khi đã là đệ nhất phu nhân “đất nước cờ hoa”, bà không an phận thủ thường hay chỉ tham gia những sự kiện ngoại giao như những đệ nhất phu nhân trước đây. Với tấm lòng nhân hậu của mình, bà nỗ lực hướng đến mục tiêu cải cách hệ thống y tế sao cho mọi người đều có thể tiếp cận. Khi các công ty bảo hiểm và những nhóm lợi ích cản phá nỗ lực này, bà không hề nản chí. Ngược lại, Hillary đã thành công khi tạo nên chương trình bảo hiểm y tế dành cho hơn 8 triệu trẻ em và giúp giảm một nửa tỷ lệ trẻ em không được bảo hiểm. Năm 1995, sự nổi tiếng của bà vượt ra ngoài biên giới khi bà dẫn đầu đoàn đại biểu của Mỹ tới Bắc Kinh dự hội thảo về phụ nữ do Liên Hợp quốc tổ chức. Tại đây bà đã có bài phát biểu gây chấn động khi tuyên bố “Quyền phụ nữ cũng là nhân quyền”.

Năm 2000, sự nghiệp chính trị mở ra khi bà bước chân vào Thượng viện và trở thành nữ Thượng nghị sỹ đầu tiên của New York. Với sự nổi tiếng của mình và được sự ủng hộ của chồng – cựu Tổng thống Bill Clinton, năm 2008, Hillary chạy đua vào Nhà Trắng, dù chiếm được nhiều lòng tin cử tri Mỹ và những người trong đảng Dân chủ nhưng bà đã không thể vượt qua ông Obama để đại diện cho đảng này tham gia tranh cử tổng thống. Sau khi Tổng thống Barack Obama lên nhậm chức, vì muốn “hàn gắn” mối quan hệ không mấy tốt đẹp trước đó, ông đã mời bà làm Ngoại trưởng thứ 67 của Mỹ và bà nhận lời. Trong thời kỳ làm Bộ trưởng Ngoại giao, bà được cả thế giới đánh giá cao, đặc biệt là công lao giúp khôi phục lại vị thế của nước Mỹ trên thế giới. Bà đã từng đến 123 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam và mỗi nơi đến thăm bà đều để lại những ấn tượng tốt đẹp với các đối tác. Kể cả nhà ngoại giao kỳ cựu Henry Kissinger cũng nhận định bà Hillary đã “điều hành chính sách ngoại giao theo cách hiệu quả nhất mà tôi từng thấy”. Tháng 2/2013, bà quyết định từ chức Ngoại trưởng Mỹ.

Ngày 12/4, bà Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ, đã chính thức thông báo ra tranh cử tổng thống vào năm 2016.
Ngày 12/4, bà Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ, đã chính thức thông báo ra tranh cử tổng thống vào năm 2016.

Ngày 12/4 vừa qua, bà thông báo sẽ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng, đây là tin rất vui với đa số người dân Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu và người lao động nghèo. Theo một kết quả cho thấy, vị cựu Ngoại trưởng Mỹ nhận được sự ủng hộ của 44% cử tri, trong khi tỷ lệ phản đối là 36%. Theo một cuộc thăm dò mới nhất, không những nhận được sự ủng hộ của cử tri ở đảng Dân chủ mà cũng có không ít cử tri thuộc đảng Cộng hòa đối lập (khoảng 26%) cho biết sẽ ủng hộ bà trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ tiếp theo. Hơn nữa, thông điệp mà bà đưa ra là “Đã đến lúc nước Mỹ có một nữ tổng thống” được rất nhiều người ủng hộ, trong đó có cử tri nữ của Mỹ (chiếm 53%).

Đây là cơ sở để người ta tin vào một chiến thắng cho bà, nhưng trước tiên Hillary Clinton cần phải chiến thắng ngay trong nội bộ đảng để trở thành đại diện cuối cùng cho đảng Dân chủ tham gia tranh cử vào năm sau. Điều này rất cần phải tính tới, bởi bài học thất bại năm 2008 chắc chắn bà và êkip của mình chưa thể quên được. Dù rằng hiện tại bà đã được hầu hết các nghị sỹ của đảng Dân chủ ủng hộ, đặc biệt là đương kim Tổng thống Barack Obama hết sức ủng hộ, thậm chí dành cho bà những lời nói có cánh: “Bà ấy từng là ứng cử viên đáng gờm vào năm 2008, bà ấy là người ủng hộ tuyệt vời của tôi trong cuộc tổng tuyển cử, là một ngoại trưởng kiệt xuất, là bạn tôi. Và tôi cho rằng bà ấy sẽ là một vị tổng thống xuất sắc”.

Như vậy rõ ràng Hillary Clinton đã, đang và sẽ dành được sự ủng hộ lớn từ cử tri để trở thành người phụ nữ đầu tiên của “đất nước cờ hoa” trở thành tổng thống. Vậy điều gì để bà giành được cảm tình lớn như vậy? Trước hết có thể nói trong 2 nhiệm kỳ đã qua do đảng Dân chủ cầm quyền nền kinh tế Mỹ đã dần bước qua thời kỳ khủng hoảng để tăng trưởng trở lại. Bên cạnh đó, việc giải quyết những vấn đề quốc tế có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, hợp tác của Tổng thống đương nhiệm như bình thường hóa quan hệ với Cuba sau 53 năm đoạn tuyệt; xuống thang trong vấn đề hạt nhân Iran… đã giành được sự ủng hộ lớn của người dân. Bởi dù sao, việc triền miên gây căng thẳng hay lao vào cuộc chiến nào đó chỉ làm tổn hại nền kinh tế, thậm chí là tính mạng của người dân…

Điều này chắc chắn không có được ở một người thuộc đảng Cộng hòa vốn theo đường lối diều hâu cứng rắn và bảo thủ. Sau đó, có thể nhận định rằng, bà Hillary Clinton trong suốt quãng đời hoạt động chính trị của mình đã để lại hình ảnh rất tốt đẹp trong lòng người dân Mỹ, như chính sách bình đẳng cho phụ nữ; tăng lương cho người lao động; ủng hộ hôn nhân đồng tính và tạo ra một hành lang giúp người nhập cư trái phép có được tư cách công dân… Tất cả những điều đã đạt được làm cho cử tri Mỹ càng thêm kỳ vọng nếu trở thành tổng thống bà sẽ thực hiện những việc còn dang dở và đã cam kết để đưa cuộc sống của họ ngày càng tốt đẹp hơn.

Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Người dân Mỹ trông đợi điều gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO