Người dân Nghệ An điều chỉnh thói quen sinh hoạt để tiết kiệm điện

Hoài Thu 28/05/2023 06:36

(Baonghean.vn) - Trải qua nhiều đợt nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, kèm với giá điện tiêu thụ vừa được điều chỉnh tăng, người dân Nghệ An điều chỉnh thói quen sinh hoạt nhằm tiết kiệm tiền điện, góp phần hạ “nhiệt” nguy cơ thiếu điện mùa cao điểm.

Giảm thiểu thời gian sử dụng thiết bị điện

Gia đình bà Nguyễn Thị Thuỷ ở khối Văn Tiến, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh có 5 người. Những ngày nắng nóng, nhất là thời điểm các cháu nhỏ bắt đầu nghỉ hè, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện như ti vi, tủ lạnh, quạt, điều hoà… tăng cao hơn nhiều.

“Nhà có 2 điều hoà không khí, 4 cái quạt điện, chưa kể ti vi, tủ lạnh cũng hoạt động liên tục nên tiền điện hai tháng nay tăng cao. Chính vì thế gia đình phải thực hiện điều chỉnh lại các thói quen của tất cả thành viên để tiết kiệm điện, hạn chế tối đa sử dụng các thiết bị chạy điện” - bà Thuỷ cho biết.

Cụ thể, bình thường mỗi ngày gia đình bà nấu 3 bữa cơm sáng, trưa và tối bằng nồi cơm điện và bếp điện, nay bà giảm số lần nấu cơm bằng nồi điện xuống 1 - 2 lần bằng cách nấu 1 bữa ăn 2 bữa hoặc 3 bữa. Sáng dậy sớm cắm nồi cơm đủ để ăn cả bữa trưa, thậm chí bữa tối. Ngoài ra, mỗi ngày bà Thuỷ thức dậy sớm khi trời còn mát, tranh thủ nhen bếp than tổ ong để đun nấu nước và thức ăn cho cả ngày, chỉ khi cần nấu nhanh mới sử dụng bếp điện.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ, phường Hưng Dũng, TP Vinh áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm điện vào giờ cao điểm. Ảnh: HT

“Những ngày nắng nóng, để làm mát nhà, giảm công suất của máy điều hoà nhiệt độ, bà lau nhà thường xuyên và đóng kín các cửa, hạn chế gió mang hơi nóng vào nhà và chỉ dùng máy điều hoà trên 28 độ C. Ban đêm khi dùng máy điều hoà cũng hẹn giờ tự động tắt, bật thêm quạt gió nhè nhẹ, không để máy chạy sáng đêm sẽ rất tốn điện” - bà Thuỷ chia sẻ.

Ở xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, chị Vi Thị Quyên ở xóm Trường Sơn chia sẻ, người dân xóm Trường Sơn sinh sống gần sông Lam nên lâu nay thường có thói quen sau bữa cơm tối, tầm sau 8h thường gọi nhau ra bờ đê ngồi hóng mát, vừa để trò chuyện, vừa hạn chế thời gian dùng các thiết bị điện trong gia đình.

“Người ra khỏi nhà nên bóng đèn điện hoặc quạt, ti vi, điều hoà được “nghỉ ngơi” trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ. Sau 10 tối mọi người về nhà ngủ, cũng có nghĩa là giảm được khoảng 2 tiếng đồng hồ dùng điện. Chưa kể việc chị em còn có phong trào chơi bóng chuyền hơi, cứ chiều chiều mọi người lại tập trung chơi bóng, cổ vũ đến tận 8, 9 giờ tối nên cũng tiết kiệm được khá nhiều thời gian sử dụng điện" - chị Vi Thị Quyên cho hay.

Nhiều hộ gia đình giảm số lượng máy điều hoà, để nhiệt độ trên 28 độ C để tiết kiệm điện. Ảnh: HT

Cũng bằng cách điều chỉnh “lịch” sinh hoạt gia đình, chị Lê Thị Na ở phường Hà Huy Tập (TP Vinh) cho biết, bình thường gia đình sử dụng thường xuyên 4 máy điều hoà nhiệt độ, trong đó 1 máy đặt ở phòng khách. Đã hơn 1 tháng nay chị “quán triệt” các thành viên hạn chế sinh hoạt chung tại phòng khách, không sử dụng máy điều hoà chung có công suất lớn ở phòng khách. Thêm vào đó, 2 đứa con của chị trước đây mỗi đứa có 1 phòng riêng, có máy điều hoà riêng, cùng với phòng ngủ của vợ chồng cũng dùng điều hoà nên 3 máy hoạt động liên tục.

“Nay chị khuyến khích cậu con út ngủ chung phòng cùng bố mẹ để giảm sử dụng 1 máy điều hoà. Phòng khác trước đây sau giờ ăn tối thường dùng để xem tin tức, xem phim ảnh, nay khi cần thì xem trên máy tính hoặc điện thoại ở phòng riêng, hạn chế bật tivi lớn và điều hoà ở phòng khách. Tôi cũng muốn thông qua cách điều chỉnh sinh hoạt gia đình để dạy cho con cái thói quen tiết kiệm điện. Các cháu cũng rất ủng hộ, bởi tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu cũng là một nội dung được nhà trường thường xuyên giảng dạy” - chị Na cho biết.

Sử dụng năng lượng thay thế, thiết bị điện thông minh

Ngoài hạn chế bật điều hoà nhiệt độ, các hệ thống bóng đèn điện thắp sáng của gia đình chị cũng sử dụng loại bóng thông minh tiết kiệm điện. Chị Lê Thị Na cho biết, tuy chi phí mua các bóng tiết kiệm điện có đắt hơn bóng sợi đốt, nhưng lại giảm được lượng điện tiêu thụ, giảm lượng nhiệt toả ra khi bật bóng đèn. Trong 5 phòng ở của gia đình chị lắp 10 bóng đèn neon loại bóng led vừa sáng, vừa tiết kiệm điện.

Sử dụng đèn năng lượng mặt trời là giải pháp hiệu quả giúp các gia đình tiết kiệm điện. Ảnh: HT

Ngoài ra, các bóng đèn ở sân vườn chị cũng đầu tư sử dụng đèn năng lượng mặt trời. “Đèn năng lượng mặt trời cũng không đắt, tầm vài chục ngàn đồng cho loại nhỏ, lại có cảm biến nhiệt tự động bật khi có người đi đến gần, tự xạc pin từ năng lượng mặt trời ban ngày và sáng vào ban đêm cũng khá tiện dụng. Gia đình tôi dùng 4 bóng đèn năng lượng mặt trời đã hơn 1 năm nay, đủ phục vụ sinh hoạt ở các khoảng sân và vườn mà không cần đến điện lưới” - chị Lê Thị Na cho biết.

Còn tại xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương, anh Lê Văn Dũng ở xóm Vạn Phúc lại có cách tiết kiệm điện khi sử dụng “năng lượng xanh” từ khí biogas để đun nấu hàng ngày thay vì dùng bếp từ.

Anh Lê Văn Dũng có đam mê với việc áp dụng các công nghệ xanh vào đời sống và sản xuất đã nhiều năm nay. Gia đình anh chăn nuôi gà và lợn với quy mô duy trì đàn gà khoảng 200-300 con, đàn lợn 10-15 con mỗi lứa. Nguồn phân thải ra từ đàn vật nuôi anh dùng để ủ khí biogas.

Anh Dũng cho biết, lượng phân thải ra của đàn lợn hầu như được tận dụng quay vòng trở lại để phục vụ chính đàn lợn, và biến thành khí đốt dùng phục vụ sinh hoạt cho gia đình, nấu thức ăn cho lợn.

"Nhờ có khí biogas mà quanh năm gia đình tôi không tốn một đồng tiền điện nào cho việc nấu nướng, trừ việc nấu cơm bằng nồi cơm điện. So với các gia đình khác sử dụng bếp từ trong nấu nướng, dùng biogas có thể tiết kiệm thêm được vài triệu đồng tiền mua khí gas, hoặc tiền điện mỗi năm” - anh Dũng chia sẻ.

Nhờ sử dụng khí biogas, mỗi năm gia đình anh Lê Văn Dũng không cần sử dụng điện để nấu nướng. Ảnh: HT

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Ngoài sự tự ý thức của các cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện tiết kiệm điện, cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng xã hội. Đây là việc làm cần thiết để vừa để giảm chi phí chi tiêu cho gia đình, vừa góp phần tiết giảm tình trạng thiếu hụt điện năng đang xảy ra trên phạm vi cả nước.

Ở thành phố Vinh, đã hơn 3 tuần nay hệ thống điện chiếu sáng công cộng được tắt sau 7h giờ để tiết giảm chi phí, chỉ bật ở các tuyến phố chính vào giờ cao điểm. Ở các địa phương khác như xã Tam Quang, huyện Tương Dương, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương… cũng đã thực hiện tắt các thiết bị điện công cộng ở các thôn, bản hơn 1 tuần nay để tiết kiệm điện.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện trên cả nước ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến ngày 11/5/2023 đã có 11/47 hồ thủy điện lớn đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết.

Công nhân Điện lực Nghệ An sửa chữa, bảo trì hệ thống truyền tải điện tại phường Hưng Dũng. Ảnh: HT

Riêng tháng 4 và đầu tháng 5, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các nhà máy thủy điện. Vì vậy, để đảm bảo nguồn năng lượng tiêu thụ, dự kiến toàn bộ hệ thống điện miền Bắc phải tiết giảm 1000 - 2400 MW. Đối với Nghệ An sẽ phải tiết giảm từ 53 - 124MW trên tổng công suất vào các khung giờ cao điểm trong những ngày nắng nóng.

Hiện nay, sản lượng điện tiêu thụ trong ngày nắng nóng dự kiến toàn tỉnh đạt xấp xỉ 17.500.000 kWh, trong khi đó sản lượng được phân bổ chỉ đáp ứng được khoảng 90%.

Mới nhất
x
Người dân Nghệ An điều chỉnh thói quen sinh hoạt để tiết kiệm điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO