Người dân vùng biển Quỳnh Lưu: Khổ vì thiếu nước ngọt

03/04/2012 17:56

(Baonghean) - Lâu nay diêm dân các xã An Hoà, Quỳnh Thuận... huyện Quỳnh Lưu luôn phải sống trong cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Họ phải mua nước sinh hoạt bằng xe công nông với giá "đóng chai" để chắt chiu sử dụng.

Chúng tôi về xã An Hoà -"vựa" muối của huyện Quỳnh Lưu những ngày hửng nắng, trên các trục đường làng đã nhộn nhịp xe công nông vào ra bán nước ngọt. Ông Lê Văn Quyết- Phó Chủ tịch UBND xã An Hoà cho biết: An Hoà có trên 2.400 hộ dân (10.045 nhân khẩu) lâu nay thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng.



Tàu thuyền ở Sơn Hải mua nước ngọt ra khơi.


Trong năm 2005, được Dự án DaNiDa tài trợ trên 3 tỷ đồng đầu tư đường ống đấu nối từ Nhà máy nước Quỳnh Lưu về xã, nhưng do đường ống chính quá xa (dài trên 7 km), đường phụ chạy vào thôn xóm trên 34 km, cộng với công suất của Nhà máy nước hạn chế nên áp lực không đủ phục vụ, nước máy không đến nơi được, đặc biệt đối với các xóm làm muối như Tân An, Tân Thịnh ở xa trung tâm xã... Vì vậy, 100% diêm dân nơi đây phải mua nước sinh hoạt bằng xe công nông.


Một người dân than thở: "Gia đình tôi có đầu tư công trình nước nhưng bỏ không vì không có nước. Quanh năm tôi phải mua nước, họ chở xe công nông vào làng bán với giá 60.000 đ/m3, mỗi lần mua 3m3 nước, tiết kiệm lắm chỉ được 10 ngày. Dẫu biết là đắt hơn gấp 10 lần với giá của Nhà máy nước Quỳnh Lưu nhưng cũng phải chấp nhận mua, không mua thì lấy gì mà dùng. Nhiều gia đình tiết kiệm bằng cách trước khi tắm là phải dùng nước giếng nhiễm mặn, sau đó mới múc nước ngọt "tráng" qua sơ sài. Kể cả giặt giũ áo quần cũng thế, cứ phải giặt qua nước nhiễm mặn sau đó mới xả nước ngọt, chẳng thế mà áo quần của dân vùng muối dù mới mua về vài bữa giặt nước nhiễm mặn cũng bị bạc phếch, nói chung nước ngọt quý hiếm nên người dân An Hoà cứ phải tằn tiện như đong gạo để nấu cơm. Chúng tôi vòng xuống làng muối Nam Tiến, cháu Phan Văn Thịnh học lớp 9 đang đánh trần tắm trên sàn xi măng. Thịnh vô tư nói: "Bọn cháu tắm nước xách ở dưới ao lên, còn nước ngọt đứa em nhỏ mới được tắm."


Bà Hoàng Thị Thu- Trưởng xóm Bắc Lợi lo lắng: "Xóm có trên 100 hộ dân thì 100% làm nghề muối, hầu hết là thiếu nước sinh hoạt. Dân làm muối thiếu nước ngọt khốn khổ lắm, đi làm cảngày ngoài cánh đồng muối, áo quần, cơ thể đều mặn chát, về tắm rửa sơ sài ngứa ngáy hết chỗ nói. Lâu nay, xóm cũng có một giếng nước lớn nhưng chỉ chứa nước đọng không thể sử dụng được, nhiều hộ còn khó khăn chưa có điều kiện làm bể chứa nước mưa. Thu nhập của người dân làm muối bèo bọt, trong khi phải mua nước ngọt với giá đắt đỏ khiến diêm dân chúng tôi càng cơ cực hơn".

Về xã Sơn Hải- nơi có trên 200 tàu thuyền lớn nhỏ, trong đó có trên 180 tàu đánh bắt xa bờ, ngư dân lo lắng chuẩn bị nước ngọt cho mỗi chuyến ra khơi. Anh Hoàng Hưng ở Sơn Hải đang chuẩn bị vật tư cho chuyến đi biển nói thêm: "Mỗi chuyến cần có trên 30 thùng nước ngọt, để ngư dân nấu ăn, tắm rửa, chi phí mất trên 600.000 đồng. Ở đây các tàu thuyền trước khi ra khơi đều phải mua nước ngọt, chi phí không phải là ít". Sơn Hải còn có 3 cơ sở sản xuất đá lạnh công suất 60 tấn đá/ngày cũng rất "khát" nước ngọt, khi các cơ sở này phải hoạt động liên tục để phục vụ đá lạnh cho hoạt động khai thác chế biến thủy hải sản.


Ông Hoàng Văn Chương - Giám đốc Nhà máy nước Quỳnh Lưu cho biết: Nhà máy nước Quỳnh Lưu được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1999 với công suất 3000 m3/ngày/đêm. Qua thời gian sử dụng, nhà máy đã bị xuống cấp (chỉ đạt công suất 2.500 m3/ngày/đêm) phục vụ nước sinh hoạt cho khá nhiều xã như: Thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Hồng, Quỳnh Bá, Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, An Hoà, Quỳnh Hưng, Quỳnh Hậu, Quỳnh Thuận... Nhiều tuyến đường ống của các xã đã bị hư hỏng nặng, áp lực yếu, công suất thấp nên rất khó khăn trong việc vận hành nước.

Hiện nay, Nhà máy nước Quỳnh Lưu chủ yếu cung cấp nước cho các xã theo nhu cầu đề nghị cấp nước của các HTX dịch vụ. Từ đó lên lịch cấp nước theo kế hoạch, nhưng xem ra chỉ cấp đến được vùng các trung tâm xã, nhiều xóm mặc dù vẫn có đường ống nhưng do áp lực yếu, nước ngọt không thể đến nơi. Để đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước sinh hoạt cho các địa phương trên thì Nhà máy nước cần được đầu tư kinh phí để nâng cấp lên 10.000 m3/ngày /đêm thì mới đáp ứng nổi.


Văn Trường

Mới nhất

x
Người dân vùng biển Quỳnh Lưu: Khổ vì thiếu nước ngọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO