Người đầu tiên chinh phục Everest

09/09/2015 22:15

Edmund Hillary và Sherpa Tenzing được công nhận là người đầu tiên chạm tay vào giấc mơ chinh phục nóc nhà thế giới dù xung quanh đó vẫn còn nhiều tranh cãi.

Edmund Hillary sinh ngày 19/7/1919 và lớn lên tại Tuakau, một thị trấn nhỏ cách thành phố Auckland của New Zealand chừng 50 km về phía nam. Ông chọn việc chinh phục các ngọn núi trong nước để khởi đầu sự nghiệp và trở thành nhà leo núi băng nổi tiếng.

edmund.jpg

Chân dung thời trẻ của Edmund Hillary. Trong thế chiến 2, nhà thám hiểm cũng từng làm phi công. Những năm 1980 ông còn hoạt động ngoại giao khi làm Đại sứ New Zealand tại Ấn Độ.

Ông là người New Zealand đầu tiên được in chân dung lên tiền giấy khi còn sống. Ngay sau kỳ tích chinh phục đỉnh Everest, ông được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước hầu và tên ông được gắn thêm chữ Sir. Ảnh: Mid Day

Hành trình chinh phục Everest của Edmund diễn ra vào năm 1953. Trước đó, những cung đường lên đỉnh bị người Tây Tạng chặn lại, còn Nepal chỉ cho phép một đoàn thám hiểm lên núi trong năm. Trong chuyến chinh phục dãy Alps, Edmund và người bạn George Lowe được mời tham gia leo Everest do Hiệp hội Joint Himalayan Committee tổ chức. Đoàn thám hiểm mang tên Hunt khởi hành vào tháng 3.

Edmund dù rất muốn George đồng hành cùng mình song ông được phân đi cùng Sherpa Tenzing. Hai người cùng hơn 400 thành viên thuộc đoàn thám hiểm Hunt tiến lên khu căn cứ của Everest. Trong đoàn có 362 người khuân vác, 20 Sherpa (người dân ở Himalaya chuyên hướng dẫn các đoàn chinh phục đỉnh Everest) và tất cả mang theo khoảng 4,5 tấn hành lý.

Đến ngày 26/5, hai thành viên là Bourdillon và Evans phải quay trở về do bình dưỡng khí bị hỏng, dù đã lên tới đỉnh South Summit cách đỉnh Everest khoảng 91 m. Edmund và Tenzing được lệnh leo tiếp. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, họ phải nghỉ chân tại đỉnh South Col trong 2 ngày rồi mới tiếp tục lên đường cùng 3 thành viên khác trong đoàn vào ngày 28. Tới cuối ngày, Edmund và Tenzing dựng lều tại độ cao 8.500 m trong khi 3 người còn lại tìm đường xuống núi. Sáng ngày hôm sau, Edmund và Tenzing tiếp tục hành trình.

Những bước tiến đáng nhớ nhất của cả hai bắt đầu từ một phiến đá cách đỉnh núi 12 m, Hillary nhìn thấy một vết nứt giữa bề mặt tảng đá. Từ đó, những bước tiến tiếp theo đơn giản hơn rất nhiều. Họ đặt chân tới điểm cao nhất của Everest vào lúc 11h30 phút ngày hôm đó. Trong câu chuyện "Giấc mơ thành sự thật" (The Dream Comes True) của mình, Tenzing kể lại rằng chính Edmund Hillary đã đặt bước chân đầu tiên lên đỉnh Everest, dù ông luôn khẳng định hai người chạm đích cùng lúc.

sir-edmund-hillary-tenzing-norgay-49965-

Edmund và Tenzing trở thành hai người đầu tiên chạm tay vào giấc mơ của bất cứ nhà leo núi cự phách nào trong lịch sử. Ảnh: National Geographic

Vào khoảnh khắc Edmund và Tenzing đứng trên nóc nhà thế giới, bao quanh họ là dải núi băng hùng vĩ của dãy Himalaya, phía dưới xa thăm thẳm là những dòng suối tựa như mạch máu đan xen trên mặt đất bị cắt ngang bởi sông băng. Hướng mắt đến chân trời phía đông là các đỉnh Lhotse, Makalu và Kangchenjunga oai hùng, phía tây là đỉnh Cho Oyu và trùng điệp núi chưa được khám phá.

Edmund lôi chiếc máy ảnh ra và nhanh chóng chụp hình Tenzing đang tạo dáng với chiếc rìu búa giản dị treo quốc kỳ của nước Anh, Ấn Độ, Nepal và Mỹ. Sau đó hai người đào hai chiếc hố xuống lớp băng để chôn vài chiếc kẹo, một thanh chocolate và ít bánh quy để dâng lên Đức Phật. Họ nhanh chóng tìm đường trở xuống sau khi lên tới đỉnh núi 15 phút vì lượng oxy trong bình không còn nhiều.

Đường xuống núi cũng khắc nghiệt như khi leo lên. Lối mòn họ tạo ra trên đường lên đỉnh đã bị gió tuyết xóa sạch, cả hai phải cẩn trọng dò dẫm từng bước. Cuối cùng sau hơn 4 giờ mệt mỏi, Edmund và Tenzing gặp được George đang trên đường leo lên tìm họ. Edmund từ tốn trả lời người bạn của mình rằng ông đã chạm tay tới đỉnh Everest.

Sau kỳ tích của mình, Edmund Hillary tiếp tục chinh phục 10 đỉnh núi khác của dãy Himalaya. Ông cũng chỉ huy một số cuộc thám hiểm tới Nam Cực và dành cả phần đời còn lại để giúp đỡ các Sherpa ở quận Solukhumbu, Nepal. Tổ chức mang tên Himalayan Trust do ông lập ra nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phúc lợi xã hội. Năm 2003, Edmund Hillary được công nhận là công dân danh dự của Nepal. Hiện phiến đá nơi ông mở đường lên đỉnh Everest được đặt tên mang dấu ấn của nhà leo núi này - “Hillary Step”.

Mặc dù câu chuyện chinh phục nóc nhà thế giới của Edmund Hillary cùng người đồng hành Tenzing Norgay nghe chừng đơn giản, ít ai biết rằng không phải mọi nhà leo núi đều có thể chạm tay vào giấc mơ của mình mà trở về toàn vẹn. Năm 1996 từng được nhận định là một trong những năm tang thương nhất trong lịch sử chinh phục Everest khi một trận bão tuyết cướp đi sinh mạng 12 người leo núi.

Câu chuyện về những nỗ lực sinh tồn trong suốt hành trình của hai đoàn leo núi dẫn đầu bởi Scott Fischer và Rob Hall đã được dựng lại trong bộ phim mang tên “Everest”, dự kiến khởi chiếu vào tháng 9 này./.

Theo VnExpress

Mới nhất

x
Người đầu tiên chinh phục Everest
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO