Người "đi đầu" ở bản Noòng

30/10/2014 15:15

(Baonghean) - Mỗi lần về bản Noòng, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương), chúng tôi thường được nghe bà con nơi đây nhắc đến ông Lương Văn Hùng (SN 1955) với sự kính trọng và quý mến. Bởi ông là người luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, hướng dẫn cách làm ăn, lại thường xuyên giúp đỡ bà con mỗi khi ốm đau, hoạn nạn...

(Baonghean) - Mỗi lần về bản Noòng, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương), chúng tôi thường được nghe bà con nơi đây nhắc đến ông Lương Văn Hùng (SN 1955) với sự kính trọng và quý mến. Bởi ông là người luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, hướng dẫn cách làm ăn, lại thường xuyên giúp đỡ bà con mỗi khi ốm đau, hoạn nạn...

Ông Lương Văn Hùng sinh ra và lớn lên ở bản Noòng, xã Kim Tiến (Tương Dương). Khi còn nhỏ, ông được cả bản biết đến là cậu bé thông minh, sáng dạ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, đường đến trường vất vả nhưng bố mẹ vẫn quyết tâm cho ông đến lớp để học cái chữ. Học hết cấp 2, không đủ điều kiện để học tiếp, Lương Văn Hùng tham gia công tác Đoàn và sớm trở thành “thủ lĩnh” của thanh niên bản Noòng. Do hoạt động tích cực, lại thông minh, nhanh nhẹn, ông được đưa lên làm cán bộ Đoàn xã Kim Tiến. Sau đó, được chuyển sang làm cán bộ tài chính đến hàng chục năm.

Ông Lương Văn Hùng bốc thuốc chữa bệnh.
Ông Lương Văn Hùng bốc thuốc chữa bệnh.

Khi công trình Thủy điện Bản Vẽ được quy hoạch, bản Noòng nói riêng, xã Kim Tiến nói chung nằm trong diện phải di dời về khu tái định cư ở Thanh Chương. Lúc đầu, bà con dân bản không mấy ai đồng ý. Ông Hùng là một trong những người được về tham quan khu tái định cư, sau đó trở về bản vận động bà con yên tâm chuyển về nơi ở mới. Bao nhiêu năm làm cán bộ, ông hiểu muốn bà con nghe theo thì mình phải làm trước. Cuối năm 2006, gia đình ông Hùng là một trong những hộ di dời sớm nhất, sau đó bà con dân bản lần lượt di dời theo. Bản Noòng thuộc diện di dời sớm nhất, nhanh nhất và đầy đủ nhất!

Về khu tái định cư, điều kiện canh tác và sinh sống có những điều khác biệt so với quê cũ, đất đai bạc màu, thiếu nguồn nước, nhà xây không hợp với phong tục người Thái nên nhiều hộ có ý định trở lại sinh sống ở vùng lòng hồ. Lúc này, với tư cách là trưởng bản, ông lại đứng ra vận động bà con ở lại làm ăn sản xuất, trước mắt gặp khó khăn nhưng nếu cần cù, siêng năng, biết học hỏi sẽ sớm thoát khỏi khó khăn, đói nghèo. Để bà con tin lời mình, ông đã cất công đến các vùng xung quanh để học hỏi kinh nghiệm làm ăn, canh tác, rồi tham gia các lớp tập huấn và học hỏi qua sách báo. Có đủ kiến thức, ông mua giống keo về trồng trên diện tích đất được chia, trồng xen cây sắn theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.

Bên cạnh đó, khai hoang và mở rộng diện tích ruộng nước, đảm bảo nguồn lương thực lâu dài; làm chuồng trại để phát triển đàn gà, đàn lợn và trâu bò. Thấy hướng đi ấy hợp lý, bà con bản Noòng đều học theo, đến nay không có ai trở về vùng lòng hồ để sinh sống. Gần đây, khi công việc có phần rảnh rang hơn, ông Lương Văn Hùng bắt đầu hành nghề bốc thuốc chữa bệnh. Nghề thuốc ông học được từ đời bố và ông nội. Ông có khả năng chữa các bệnh về xương khớp và bệnh gan bằng những thứ thuốc đơn giản, dễ tìm. Nhiều người đã được ông chữa khỏi, trong đó có những người đến từ những vùng khác. Điều đáng nói, là tiền thuốc ông lấy chẳng đáng là bao, nhất là với người có hoàn cảnh khó khăn và bà con dân bản...

Bài, ảnh: Tường Anh

Người "đi đầu" ở bản Noòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO