Người đi đầu trong bảo vệ môi trường ở Kỳ Sơn
(Baonghean) - Đó là anh Kha Văn Va, cán bộ địa chính môi trường và nông nghiệp xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Sinh ra và lớn lên từ bản làng nên trong lòng Va luôn băn khoăn, đau đáu khi hàng năm cứ vào mùa làm rẫy, người dân tùy tiện vào rừng đốt rẫy dẫn đến cháy rừng. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân còn chủ quan cho rằng ở vùng sâu vùng xa không ô nhiễm nên không có ý thức phòng ngừa bảo vệ môi trường, vứt rác thải tùy tiện…
Trước tình hình trên, được sự động viên của huyện và Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, Va mạnh dạn đứng ra đăng ký đề tài vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường. Anh tâm sự: Rất may là sau khi đăng ký, lãnh đạo địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện để mình triển khai, đưa các ý tưởng vào thực tiễn. Ban đầu, lấy tuyên truyền là chính, mỗi năm Va tổ chức từ 2 - 3 đợt kết hợp với các chuyến công tác cơ sở, cùng với cán bộ phòng ban huyện vào tuyên truyền Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ rừng cho bà con. Thông qua tuyên truyền, Va đưa đến cho bà con cách giảm thiểu và hạn chế các tác hại của ô nhiễm môi trường qua các ví dụ về vụ việc cụ thể về đánh bắt động vật hoang dã, khai thác lâm sản trái phép, đốt nương làm rẫy trên địa bàn. Nhiều đợt cao điểm vào đầu mùa rẫy, anh cùng với cán bộ Hạt Kiểm lâm lặn lội đi hàng tuần tới các bản, nhất là các bản xa trung tâm để tuyên truyền người dân không đốt rẫy trong khu vực cấm và chỉ làm rẫy ở nơi được quy hoạch.
Cùng với đó, vào dịp cuối tuần hoặc ngày lễ, tết, Va cùng với các đoàn viên thanh niên và ban cán sự bản vận động người dân tổ chức vệ sinh môi trường khu vực thôn bản, khơi thông mương rãnh thoát nước, giúp các hộ nghèo xóa nhà tranh tre dột nát, xây nhà thoáng mát, đưa gia súc ra khỏi gầm nhà để tránh muỗi bọ, phòng trừ dịch bệnh do bệnh ký sinh trùng gây ra; vận động bà con dân tộc bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa. Trong vòng 2 năm, Va đã tham mưu và tích cực đôn đốc được 2 bản Hòa Sơn và Xuân Hà xây được khu nhà vệ sinh công cộng tại nhà sinh hoạt cộng đồng; phối hợp và cùng với lãnh đạo nhà trường, các bản vùng ngoài hướng dẫn đào mỗi bản từ 2 - 3 hố tập trung xử lý rác thải không xử lý làm phân bón được; định kỳ vào dịp ngày lễ kỷ niệm phát động tổ chức trồng cây tại trường học, trạm xá, nhà văn hóa cộng đồng, trụ sở cơ quan. Bên cạnh hoạt động bề nổi trên, với tư cách là người tham mưu chính trong quản lý nhà nước về môi trường, Va chủ động tham mưu cho lãnh đạo UBND xã phối hợp với Ban Quản lý Thủy điện Nậm Mô kiểm tra lòng hồ, xử lý các tác động có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, nhắc nhở đơn vị khi xả nước phải thông báo cho dân để đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi; vận động nhân dân chăn nuôi gia súc nhưng không thả rông để phòng ngừa dịch bệnh và bảo vệ cây cối, mùa màng…
Nhờ các giải pháp tham mưu tích cực và chủ động trên nên công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn xã Tà Cạ đã đạt được những chuyển biến tích cực. Mặc dù là địa bàn vùng đặc biệt khó khăn nhưng ý thức của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường đã được nâng lên rõ rệt, một số bản không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, tùy tiện, việc đốt rẫy vẫn còn nhưng chỉ đốt theo vùng được quy hoạch; hiện tượng khai thác vàng và cát sỏi trên địa bàn giảm hẳn và được kiểm soát; mỗi khi xả đập, Ban quản lý thủy điện đều thông báo kịp thời cho địa phương và bà con để điều chỉnh, giảm thiểu các tác động xấu do bùn đất thủy điện xả gây ra đối với nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt.
Như một sự “tri ân”, đáp lễ đối với công sức chăm sóc, giữ gìn môi trường của người dân địa phương, vài ba năm lại đây trên địa bàn không hề xảy ra hiện tượng cháy rừng cũng như mưa lụt, lũ quét gây xói mòn và lở đất. Không những vậy, nhờ bảo vệ tốt môi trường nên chăn nuôi tập trung hơn, năng suất lúa cao hơn hẳn do chủ động được nước tưới, vụ đông xuân vừa qua 40 ha đất lúa của xã đạt năng suất 50 tạ/ha; đảm bảo sức khỏe và nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Với những chuyển biến trên, đời sống của người dân xã Tà Cạ ngày càng được cải thiện, bộ mặt bản làng sạch sẽ, phong quang hơn; xã được huyện công nhận là đơn vị tiên tiến và tiếp tục là điểm sáng của huyện Kỳ Sơn và vùng miền núi dân tộc Nghệ An về mô hình tự quản bảo vệ môi trường.
Chủ tịch UBND xã Tà Cạ, ông Vừ Vả Chá đánh giá: Không chỉ tâm huyết và trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ môi trường, Kha Văn Va còn là một cán bộ công chức có chuyên môn tốt, nhiệt tình, sáng tạo trong tham mưu. Mặc dù thời gian công tác chưa dài nhưng công tác quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn đã được cập nhật thường xuyên, đầy đủ. Cộng đồng có thể tiếp cận dễ dàng, thuận tiện để đầu tư khác thác cũng như kiểm kê, đánh giá về tiềm năng đất đai, tài nguyên khoáng sản để làm cơ sở cho xây dựng quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Trao đổi với chúng tôi, Kha Văn Va cho hay: Nhận được giải thưởng về môi trường của tỉnh là một bất ngờ lớn đối đối với tôi. Giải thưởng là sự ghi nhận và bản thân sẽ phải cố gắng để duy trì đóng góp nhiều hơn nữa cho phong trào bảo vệ môi trường của địa phương. Được biết hiện nay, sau khi được kết nạp Đảng, Va được lãnh đạo địa phương tạo điều kiện học nâng cao kiến thức về quản lý đất đai để làm tốt hơn nữa chuyên môn. Hy vọng chàng trai trẻ với nhiệt huyết của mình sẽ đóng góp ngày càng nhiều hơn cho quê hương và trở thành điển hình nổi bật trong bảo vệ môi trường vùng miền núi dân tộc.
Phương Hà