"Người đưa đò" ở Môn Sơn
(Baonghean) - Ở Trường THCS Môn Sơn nói riêng và khắp vùng Khe Búng, Khe Khặng (Con Cuông) - nơi sinh sống chủ yếu của tộc người Đan Lai, cô giáo La Thị Mùi luôn được nhắc đến với vô vàn tình thương mến và kính trọng...
Các thầy giáo, cô giáo ở Trường THCS Môn Sơn tấm tắc kể nhiều về thành tích của cô La Thị Mùi: Người giáo viên có thâm niên đi vận động học sinh ở những vùng hẻo lánh nhất, cô Mùi “Vật lý” sáng tạo, thân thiện nhất, cô giáo gan dạ với bao lần đấu tranh với hủ tục lạc hậu để đưa cái chữ về với con em dân bản... Chẳng thể ngờ người phụ nữ mảnh mai, khuôn mặt nhỏ nhắn, đôi mắt sáng và nụ cười rất đỗi hiền lành đang trò chuyện cùng tôi chính là “người đưa đò” nhiệt huyết và tận tụy. Năm nay, cô Mùi vừa tròn 35 tuổi, bản thân cô cũng là người con của đồng bào Đan Lai vùng Môn Sơn, uống dòng nước Khe Khặng mà lớn lên, được hưởng sự học của Đảng và Nhà nước mà trở thành cô sinh viên của Trường CĐSP Nghệ An, rồi nuôi ước mơ gieo cái chữ trên rẻo cao gian khó quê nhà. Tốt nghiệp ra trường, cô tình nguyện xin về dạy ngay vùng đồng bào mình, bởi “đồng bào Đan Lai, đồng bào Thái... đời sống còn nghèo, một số người nhận thức về tầm quan trọng của sự học còn hạn chế, trẻ em sinh ra và lớn lên hồn nhiên như cây, cỏ trong rừng, thiệt thòi nhiều lắm!”- cô La Thị Mùi tâm sự.
Cô giáo La Thị Mùi và học sinh trong giờ học Vật lý. |
Thương con em đồng bào như thương chính tuổi thơ nhiều thiếu thốn của mình, cô Mùi nuôi quyết tâm cùng với các đồng nghiệp, các đoàn thể, chính quyền địa phương phối hợp để thực hiện công tác vận động học sinh thật tốt. Những ngày trời ròng rã đi xe máy, đi đò ngang sang sông, rồi lội bộ suốt mấy tiếng đồng hồ trong thăm thẳm rừng sâu để tìm đến nhà học sinh, thủ thỉ, vận động gia đình cho con em đến trường đã thành hành trình quen thuộc! Cứ vài tháng, hoặc vào thời điểm đầu năm học, tháng nào cũng có chuyến ngược ngàn như thế. Mà nào có phải dễ dàng, với đồng bào Đan Lai, hàng trăm năm gắn chặt sinh cơ với nguyên thủy rừng già, với săn bắt, hái lượm, đã sinh ra nhiều tập tục lạc hậu, nhiều định kiến ăn sâu, bám rễ vào tư tưởng.
Bao kỷ niệm cười ra nước mắt, bởi nhiều khi vừa nhác thấy bóng cô giáo từ xa, phụ huynh đã vội vàng... giấu con vào rừng để tránh đi học, hay có học sinh lại khóc giữa đường đòi trở về nhà... Cô Mùi chia sẻ: “Tình huống dở khóc, dở cười khi đi vận động học sinh kể cả ngày không hết. Nhưng mình cũng là người con Đan Lai, nên mình có thuận lợi ban đầu là mình hiểu về tập quán đồng bào mình như tục tảo hôn, ngại học khó, ngại suy nghĩ... Hiểu rồi, nhưng để nói cho đồng bào thông suốt thì phải có kinh nghiệm, lấy ví dụ thật thực tế, sinh động về lợi ích của việc học. Thậm chí, lần nào đi vận động, mình cũng mang theo quà tặng nho nhỏ đi như một cách tỏ lòng thiện chí”.
Quà tặng nho nhỏ của cô Mùi, có khi là cuốn sách tranh nhiều hình ngộ nghĩnh cho trẻ, có khi lại là chiếc cặp còn thơm vải mới, dăm gói kẹo, gói bánh ngon... Cô trò chuyện chân tình với người già, thủ thỉ với con trẻ bằng thứ thổ ngữ chất phác của đồng bào. “Mưa dầm, thấm lâu”, năm học 2014 - 2015, Trường THCS Môn Sơn có 425 học sinh, gần 1/3 trong tổng số đó là con em đồng bào Đan Lai đã đến trường đều đặn, một phần nhờ đóng góp không nhỏ của cô giáo La Thị Mùi. Những đóng góp ấy, chắc hẳn vẫn chưa dừng lại với “người đưa đò” tận tụy và tâm huyết ấy!
Bài, ảnh: Phương Chi