Người Đức biểu tình phản đối Thủ tướng Merkel
Ngày 19-7 vừa qua, hàng ngàn người tại 14 thành phố lớn ở Đức đã xuống đường phản đối Thủ tướng Angela Merkel đã quá mạnh tay với Hi Lạp.
Cuộc biểu tình được thực hiện với mục đích thể hiện tình đoàn kết trong châu Âu - Ảnh: Popular Resistance |
Bà Hannah Eberle, phát ngôn viên của phong trào biểu tình, đã trả lời phỏng vấn của Newsweek rằng hành động của chính phủ Merkel là phi dân chủ và rất hung hăng khi ép Hi Lạp thắt lưng buộc bụng cùng khổ để nhận gói cứu trợ.
Bà cho biết mục đích của các cuộc biểu tình này nhằm cho thấy rằng có nhiều người Đức có lòng cảm thông và muốn châu Âu thể hiện sự đoàn kết.
“Nhiều người Đức thấy xấu hổ vì những gì mà chính phủ đang làm. Chúng tôi muốn mọi người thấy được một bộ mặt khác của châu Âu - bộ mặt của tình đoàn kết", một người tham gia biểu tình cho biết.
Sinh viên một trường đại học ở Berlin, anh Simon Weppel cho biết: “Cách thức giải quyết của chính quyền bà Merkel đối với cuộc khủng hoảng Hi Lạp đã hé lộ tương lai nền chính trị châu Âu. Chính sách về chủ quyền quốc gia sẽ tiếp tục bị chi phối bởi một chính phủ Đức đậm tính kỷ cương và phát xít. Chúng tôi đã nhận thấy hệ quả của một nước Đức bá chủ không được kiềm chế”.
Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình tại 14 thành phố lớn của Đức để phản đối lập trường cứng rắn của bà Merkel đối với Hi Lạp - Ảnh: Popular Resistance |
Tuy nhiên, đây chỉ phần nổi của tảng băng. Trong một cuộc khảo sát mới đây của tạp chí Stern của Đức, có đến 55% dân Đức ủng hộ lập trường của bà Merkel trong cuộc đàm phán.
Những người này cho biết họ tin rằng thái độ cứng rắn của bà Merkel đối với Hi Lạp trong cuộc đàm phán là rất đúng đắn. 1/3 trong số đó thậm chí còn mong rằng bà thể hiện sự cương quyết hơn đối với Hi Lạp bằng việc buộc Hi Lạp rời khỏi khối đồng tiền chung châu Âu.
Tuy vậy, hầu hết những người tham gia khảo sát cho biết họ nghi ngờ về việc liệu Hi Lạp có thật sự thực hiện cải cách hay không.
Không chỉ xảy ra ở Đức, tại nhiều nơi khác ở châu Âu, nhiều người dân cũng tổ chức các cuộc biểu tình để phản đối biện pháp giải quyết của các lãnh đạo về khủng hoảng Hi Lạp.
(Theo TTO)
TIN LIÊN QUAN |
---|