Người giáo dân gương mẫu ở Bùi Chu
(Baonghean) - Từ hai bàn tay trắng, năng động, dám nghĩ, dám làm, gia đình giáo dân Hoàng Nghĩa Long ở xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) đã biến vùng đất khó Bùi Chu thành gia trại trù phú, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng; mạnh dạn đầu tư nghề mộc dân dụng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động. Không chỉ làm giàu cho bản thân, nuôi con ngoan, học giỏi, gia đình anh còn là tấm gương cho người dân ở Bùi Chu noi theo. Anh xứng đáng là điển hình trong phong trào “Sống tốt đời, đẹp đạo”…
21 tuổi, anh Long đã lập gia đình với chị Nguyễn Thị Bích (20 tuổi). Khi đó, vợ chồng anh chỉ có hai bàn tay trắng. Sau khi cưới, cả hai đã xác định muốn thoát nghèo phải đẻ ít con và táo bạo trong làm ăn. Khi đó Bùi Chu, còn là vùng đất trũng, quanh năm úng ngập nên chẳng ai đoái hoài. Sau nhiều đêm trăn trở, vợ chồng anh “liều” viết đơn xin xã cấp đất và trở thành cư dân đầu tiên của vùng bãi ngập úng này. 20 năm đã trôi qua, vùng đất cũ nay đã phát triển thành một khu dân cư đông đúc. Nhưng với riêng vợ chồng anh thì không bao giờ quên được bởi mỗi tấc đất, mỗi khoảnh vườn đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của những tháng ngày cơ cực để có được cuộc sống như hôm nay.
Anh Hoàng Nghĩa Long (ngoài cùng bên phải) cùng những người thợ trong xưởng mộc của mình. |
Anh kể: Hồi đó, toàn bộ khu đất ngập sâu trong nước. Hai vợ chồng nai lưng cải tạo đất trồng lúa. Thất bại liên tiếp trong 3 vụ đầu do mưa lũ, biết rõ nguyên nhân nhưng làm thế nào để khắc phục thì anh chịu, không thể nghĩ ra. Một lần, tình cờ đọc được một bài báo nói về kinh nghiệm trồng lúa của người dân vùng đồng bằng Sông Cửu Long, anh bàn với vợ cải tạo bờ đập, làm mương thoát nước. Vụ lúa đầu tiên thắng lợi, tạo động lực để vợ chồng anh vươn lên, đầu tư phát triển chăn nuôi. Đầu tiên là nuôi vịt vì bờ đập nhiều, sau đó là chuyển sang nuôi gà, nuôi lợn. Có những thời điểm, trong chuồng lên tới hàng trăm con vịt; vài ba chục con lợn thịt. Táo bạo nhất là trồng chanh trên đất trũng. Khi nói ra ý tưởng này, ai cũng phản đối bởi chanh là một loại cây chỉ hợp với đất đồi, đất phù sa, đất vùng đồng bằng hoặc đất cát ven biển. Đây cũng không phải là loại cây ưa ẩm ướt, vùng đất trũng lại càng khó. Thế nhưng, nhờ tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật và học hỏi từ bạn bè, anh bỏ công đắp đập, trồng thêm cây dọc bờ để chắn nước nên cây chanh vẫn phát triển tốt.
Từ đó, anh Long phát triển thêm nghề mộc, một nghề truyền thống của gia đình. Anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách mua máy móc về xây dựng xưởng. Thời điểm anh mở xưởng, trong xã đã có 10 xưởng mộc, nên để thu hút khách hàng, anh nghĩ không có gì quan trọng hơn là chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Anh đã đầu tư máy móc, giảm thời gian lao động từ đó tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng. Sau 5 năm gây dựng, hiện xưởng mộc của anh đầu tư quy mô nhất xã với đủ máy móc hiện đại, tập trung nhiều thợ lành nghề. Từ đầu năm 2014 đến nay, xưởng của anh làm không hết việc, phải làm thêm cả ban đêm dù trong xưởng luôn có từ 7 – 10 thợ. Thời kỳ cao điểm phải thuê thêm từ 15 - 20 thợ. Anh em trong xưởng rất đoàn kết, vui vẻ và thực sự coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình.
Anh Hoàng Đức Thái, thợ chính của xưởng tâm sự: “Nghề mộc thời kỳ này rất phát triển nên thợ mộc rất khó thuê. Tuy vậy, xưởng mộc của anh Long bao giờ cũng đông thợ. Chúng tôi thích làm việc ở đây bởi “chủ mến thợ, thợ mến chủ”, vợ chồng anh Long rất quan tâm đến anh em. Công việc lại luôn đặt uy tín, chất lượng lên đầu nên chúng tôi cảm thấy tay nghề của mình được trân trọng”. Đặc biệt, khi nhận lao động vào làm việc, anh Long luôn ưu tiên những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Trong đó, có trường hợp của em Hoàng Nghĩa Luận, cả gia đình đều bị tàn tật vì tai nạn nổ bình ga. Lúc nhận Luận, biết Luận đi lại vất vả, anh sắp xếp cho Luận làm những công việc nhẹ nhàng. Một thời gian sau, quen việc anh trực tiếp truyền nghề cho Luận, giúp Luận có thu nhập cao, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, vợ chồng anh Long luôn tạo mọi điều kiện để con cái học hành. Nhờ vậy, các con anh chị đều chăm ngoan, học giỏi. Cháu Hoàng Thị Lan - con gái đầu anh chị năm nay là sinh viên năm thứ ba Đại học Vinh. Trong kỳ thi đại học năm 2014 vừa rồi, con trai thứ hai của anh chị thi đậu vào Trường Đại học Kiến trúc với số điểm khá cao. Gia đình anh chị nhiều lần được biểu dương là gia đình giáo dân tiêu biểu, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học tiêu biểu, có sức lan tỏa trong cộng đồng giáo dân cũng như dân cư trong vùng. Gần đây nhất, gia đình anh chị vinh dự được đi dự Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2014.
Bài, ảnh: Mỹ Hà