Người giữ lửa văn hóa Thái
(Baonghean) - Nói đến ông Lương Viết Thoại, bản Còn, xã Châu Quang (Quỳ Hợp) bà con dân tộc Thái trong bản, trong xã ai cũng biết đến, bởi những bài báo sâu sắc; những tiểu thuyết hay, phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống và văn hóa dân tộc Thái. Những tác phẩm của ông đã góp thêm tư liệu quý trong việc truyền dạy văn hóa truyền thống của dân tộc Thái cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Ông Lương Viết Thoại. |
Rót chén trà hoa hòe tỏa hương dịu ngọt, ông bảo: “Uống chén trà cho ấm bụng đã cháu”. Sự nhiệt tình, cách nói chuyện gần gũi của ông cũng đủ để lòng tôi ấm lại. Tôi nhấp chén trà, đưa mắt nhìn quanh, căn nhà 3 gian nhỏ nhắn, đồ đạc được kê đặt ngăn nắp, gọn gàng. Hai con trai đều đã lấy vợ, công tác xa, nhà chỉ còn 2 ông bà. Tròn 60 tuổi, về hưu đã lâu nhưng tác phong quân sự dường như đã ăn sâu vào huyết quản ông, thể hiện rõ trong giọng nói và sinh hoạt thường ngày.
16 tuổi, chàng trai dân tộc Thái Lương Viết Thoại rời núi rừng, làng bản đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Huấn luyện ở Đoàn 22 – Quân khu 4 một thời gian, Lương Viết Thoại được tăng cường vào Quân khu Trị Thiên hoạt động ở Tổ biệt động Thành Huế, đóng ở C2 – Hương Trà. Sau ngày giải phóng Thành phố Huế (26/3/1975), Lương Viết Thoại tham gia lớp văn hóa ngoại ngữ ở Lạng Sơn rồi học khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ra trường, đang trong thời gian làm cộng tác viên cho Báo Quân đội, Lương Viết Thoại được cử đi học lớp báo chí của Học viện Chính trị - Quân sự của Bộ Quốc phòng. Học xong, ông được phân công công tác tại Bộ Tư lệnh Hải quân ở Nha Trang, ngày đêm lênh đênh cùng sóng biển. Suốt thời gian trong quân ngũ, từ khi còn là chàng tân binh đến khi đã trở thành cán bộ chính trị, tham gia nhiều chiến dịch lớn, Lương Viết Thoại vẫn giữ thói quen viết mỗi lúc rảnh rỗi. Những cảm xúc buồn vui, thương nhớ, cả những trăn trở, suy tư của anh lính được gửi gắm qua từng bài viết. Các tác thẩm thơ ca, nhiều bài báo của ông góp mặt trên các trang báo Quân đội, Hải quân, Phụ nữ… ngày càng nhiều. Niềm đam mê ấy dường như đã trở thành một nhu cầu tự thân và trở thành duyên nghiệp như một lẽ đương nhiên vậy.
Ông vẫn thường lý giải một cách hóm hỉnh với bạn bè, đồng nghiệp về bút danh Thái Tâm, nói lái trở lại là “thấm tai”, mình viết ra phải mang tính xây dựng, góp ý, giáo dục… Nhưng cái lẽ sâu sắc hơn về bút danh này là một kỷ niệm ở chiến trường Trị Thiên đẫm máu của ông với một phóng viên Thừa Thiên Huế. Hơn 40 năm có lẻ, hình ảnh nhà báo – liệt sỹ ấy vẫn khiến ông khắc khoải khôn nguôi. Lúc đó, ông hoạt động ở Tổ biệt động Thành Huế, nhận nhiệm vụ dẫn đường cho một phóng viên có bút danh là Thái Tâm đi thực địa ở ngoại thành. Đường xa, gùi sắn trên lưng trễ xuống, ông Thoại dừng lại sửa và bảo nhà báo ấy cứ đi dần rồi ông sẽ đuổi theo. Chừng mươi phút thì một loạt súng nổ ầm ĩ, trời đất như tối sầm lại. Người bạn đường ấy đã vĩnh viễn ra đi, ông nén nỗi đau, tiếp tục nhiệm vụ. Mãi đến bây giờ ông vẫn tự trách mình: “Giá như đừng bảo anh ấy đi trước”, dẫu ông hiểu hơn ai hết ranh giới giữa sự sống và cái chết trong chiến tranh là rất mong manh. Cũng từ đó, những đứa con tinh thần của ông Thoại đều mang bút danh Thái Tâm như một sự tri ân sâu sắc. Đã nhiều lần ông Thoại trở lại chiến trường xưa, lần theo những thông tin ít ỏi gom nhặt được để tìm gặp gia đình nhà báo – liệt sỹ ấy, đến giờ vẫn chưa rõ. Ông đọc cho tôi nghe bài thơ “Khóc Thái Tâm” mà bỗng lạc giọng, đôi mắt chớp chớp như cố giấu niềm cảm xúc…
Lương Viết Thoại (thứ 2, phải sang) tại Lễ hội Mường Ham. |
Trở về địa phương, ông tích cực tham gia công tác ở cơ sở, là Trưởng bản Còn từ năm 1995 đến năm 2000. Đây cũng là thời điểm Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh về đứng chân, bắt đầu khai thác khoáng sản. Người ta đồn nhau đất Quỳ Hợp đào đâu cũng có thiếc. Thế là người địa phương và dân tứ xứ lũ lượt kéo nhau về chặt cây, đào bới đất rừng. Rừng bản Còn quê ông bị lâm tặc xới tung, nhiều cây cổ thụ bị đốn hạ. Ông Thoại như ngồi trên đống lửa mà lực bất tòng tâm. Ông chợt nghĩ đến cách viết báo để kêu gọi chính quyền địa phương vào cuộc. Bài báo “Nước mắt rừng bản Còn” của ông đã trở thành tiếng chuông báo động đến các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để cứu lấy rừng. Đó cũng là tác phẩm đầu tiên ông gửi đăng báo Nghệ An. Kể từ đó, bút danh Thái Tâm trở nên quen thuộc với độc giả bởi những vấn đề mang tính thời sự, được trình bày giản dị, lập luận chặt chẽ, sắc sảo. Cũng từ đó, ông tích cực viết bài và gửi đi nhiều nơi. Không chỉ là cộng tác viên báo chí, Thái Tâm còn là hội viên Hội VH – NT tỉnh Nghệ An, hội viên CLB Nhiếp ảnh – Báo chí Nghệ An, hội viên Hội VH- NT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Vừa làm thơ, viết truyện, viết báo, nghiên cứu văn hóa dân gian... lĩnh vực nào ông cũng để lại dấu ấn riêng.
Ông tự nhận mình là người may mắn, may mắn vì được sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa Thái đậm đà bản sắc, may mắn vì được đào tạo bài bản về văn hóa dân gian từ những người thầy giàu tâm huyết trong trường đại học. Bởi thế, trong quá trình nghiên cứu, ông vừa có cái nhìn vĩ mô về văn hóa dân gian, vừa nắm bắt được cái vi mô trong từng phong tục tập quán của địa phương. Ông say sưa nghiên cứu văn hóa dân gian của dân tộc Thái như đứa con miệt mài tìm về với tiên tổ, cội nguồn để trân trọng, nâng niu và gìn giữ. Những con suối, con khe khắp chín bản mười mường đều in dấu bước chân ông. Dân bản quý ông như người nhà. Sự độc đáo trong văn hóa truyền thống, vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, hay nét thanh bình của những bản làng thấp thoáng mái nhà sàn, tấm thịnh tình cởi mở của bà con dân bản... như mời gọi tâm hồn nghệ sỹ trong ông, khiến ông quên hết bao nỗi vất vả, nhọc nhằn bởi đường xa dốc thẳm.
Đi nhiều, gặp gỡ nhiều, nhưng hơn mười năm có lẻ, hình ảnh người phụ nữ Thái dạy học bên suối vẫn để lại trong ông nhiều cảm xúc. Lần ấy, trong một lần vào xã Châu Thái đưa tin về phong trào trồng cây, trên đường về, ông thấy một số em nhỏ hái hoa nhạc ngựa – một loài hoa đặc trưng của vùng rừng núi nơi đây, bông hoa nhỏ, màu vàng. Ông dừng xe lại hỏi thì được các cháu nhỏ cho biết hái hoa về tặng cô giáo. Ông ngạc nhiên, vì giữa chốn rừng núi điệp trùng này làm gì có trường lớp, sao lại có cô giáo? Dừng xe bên vệ đường, ông theo chân các em nhỏ tìm gặp cô giáo. Một lớp học đơn sơ nằm chênh vênh bên suối, chiếc bảng gỗ làm bằng thân cây khiến ông không khỏi chạnh lòng. Được biết, “cô giáo đặc biệt” ấy theo chồng lên nương rẫy, thấy cảnh các cháu nhỏ không được đến trường nên cô tự nguyện dựng lán dạy chữ. Những năm 90 của thế kỷ trước, phụ nữ Thái ít ai biết đến cái chữ, thế mà người phụ nữ này đã mạnh dạn mở lớp dạy học đã để lại trong ông nhiều suy nghĩ. Thương lũ trẻ bao nhiêu, ông cảm kích tấm lòng người phụ nữ ấy bấy nhiêu. Ông quyết định viết bài về chân dung “cô giáo đặc biệt” ấy với tiêu đề “Hoa nhạc ngựa”…
Quê hương đang từng ngày đổi mới, ông mừng lắm nhưng cũng lo lắng nhiều lắm. Nhìn lớp trẻ lớn lên không mấy ai mặn mà với văn hóa truyền thống, có người còn không biết nói tiếng Thái, những làn điệu dân ca dân vũ của người Thái mai một dần khiến ông buồn lòng. Ông lấy trong tủ sách cuốn tiểu thuyết lịch sử “Tiếng thét Tồng Lôi” ra ký tặng tôi và dặn: “Đừng dùng văn hóa của người Kinh để cắt nghĩa những phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số. Nếu cháu muốn viết nhiều về mảng văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền Tây xứ Nghệ, trong đó có dân tộc Thái thì tham khảo thêm cuốn tiểu thuyết này”. “Tiếng thét Tồng Lôi” của ông được Hội VH – NT tỉnh Nghệ An nghiệm thu và đạt loại A (tháng 10/2010). Những tư liệu lịch sử tưởng chừng như khô khan được ngòi bút của ông biến hóa một cách mềm mại, nhẹ nhàng. Các phong tục tập quán, những thói quen sinh hoạt... của đồng bào nơi đây được thể hiện rõ nét giúp người đọc hiểu hơn về văn hóa cổ truyền của người Thái. Cầm cuốn sách dày cộm trên tay, tôi hiểu biết bao công sức và tâm huyết của một người nghệ sỹ, một nhà nghiên cứu và hơn hết là của một người con của đồng bào dân tộc Thái trong ông đã dồn cả vào đây.
Ngoài trời, những hạt mưa vẫn tiếp tục rơi, lạnh buốt. Nhưng tấm chân tình của ông Lương Viết Thoại khiến tôi cảm thấy ấm áp. Chợt nghĩ, niềm đam mê, tâm huyết của ông Thoại chính là ngọn lửa thắp sáng những nét đẹp văn hóa truyền thống trước sự xô bồ của cuộc sống hiện đại.
Nguyễn Lê