Người khởi xướng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở Nghệ An
(Baonghean) - Khát khao xây dựng một khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và biến vùng biển hoang vắng Nghi Yên, Nghi Tiến (Nghi Lộc) trở thành một điểm nhấn trong bản đồ du lịch Việt Nam là điều mà ông Nguyễn Trọng Đoàn, Việt kiều Mỹ và những người bạn của mình đã đặt ra khi tiến hành xây dựng Khu du lịch Bãi Lữ. Sau 6 năm, dự án đã cho thấy hiệu quả khi mỗi năm thu hút hàng ngàn khách du lịch và tạo việc làm cho gần 200 lao động địa phương...
Khu du lịch Bãi Lữ Resort (Nghi Lộc - Nghệ An). Ảnh: PV |
Cho đến bây giờ, ông Nguyễn Trọng Đoàn và ông Hoàng Quốc Truyền, những người khởi xướng xây dựng Khu du lịch Bãi Lữ vẫn nhắc nhiều về cái “duyên” gặp nhau. Bởi lẽ, nếu không tình cờ cùng tham dự một tour du lịch, nếu không vì nghe giọng Nghệ “nằng nặng” với những “chi mô răng rứa” rồi nhận ra nhau là cùng đồng hương Nghệ Tĩnh thì cả hai đã không bao giờ biết đến nhau. Thế rồi, ở nơi đất khách quê người, một người là Việt kiều Mỹ bày tỏ khát khao muốn được đóng góp một chút tình cảm của mình cho quê nhà, một người thì sẵn có nghề xây dựng đã bàn nhau về một dự án du lịch trong tương lai. Một tháng sau đó, không quản đường xa, đích thân ông Nguyễn Trọng Đoàn đã về Nghệ An và cả hai có hơn một tuần rong ruổi khắp các thắng cảnh của Nghệ An như suối nước nóng Giang Sơn, bãi biển Quỳnh Phương, Diễn Thành để tìm địa điểm đầu tư. Sau đó, được sự giới thiệu của Chủ tịch tỉnh lúc bấy giờ là ông Lê Doãn Hợp, cả hai tìm về vùng biển Bãi Lữ, thuộc địa phận 2 xã Nghi Yên, Nghi Tiến của huyện Nghi Lộc.
Say sưa với câu chuyện truyền thuyết của Bãi Lữ về một chàng lữ khách si tình thích ngao du thiên hạ, vì mê giọng hát của nàng tiên cá mà tìm đến đây rồi đứng chôn chân thẫn thờ ngoài biển, hóa thân thành núi Lữ và yêu cái hoang sơ, yêu phong cảnh của núi, cửa rừng, của biển..., cả hai ông chỉ mất chưa đến tiếng đồng hồ để quyết định chọn Bãi Lữ làm điểm dừng chân, xây dựng một khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp.
Năm 2005, khi dự án bắt đầu được triển khai cũng là lúc tỉnh nhà thực hiện chính sách kêu gọi thu hút đầu tư. Thời điểm đó dù phải “vừa hành quân, vừa xếp hàng” nhưng đơn vị luôn được tỉnh tạo điều kiện để giúp đỡ, đặc biệt, tỉnh đã mở một con đường từ Quốc lộ 1A vào nơi dự án triển khai để vừa thuận lợi cho đơn vị vận chuyển vật liệu trong quá trình thi công, vừa tạo tiền đề cho dự án đi vào hoạt động sau này. Qua gần 3 năm triển khai khẩn trương, đến tháng 5/2006, Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ Resort chính thức được khai trương và đi vào hoạt động trên tổng diện tích 15,7 ha với khu resort có 79 phòng nghỉ, 2 biệt thự sườn đồi có 63 phòng, nhà hàng 300 chỗ... đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Biệt thự ven đồi tại Khu du lịch Bãi Lữ. Ảnh: PV |
Đây là khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đầu tiên được xây dựng tại Nghệ An với quy mô và thiết kế theo mô hình du lịch của các nước phát triển trên thế giới cùng với các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp và khu du lịch tâm linh... Tuy nhiên, vì là một loại hình hoàn toàn mới, giá dịch vụ cao hơn nhiều so với các khách sạn bình thường, nên những ngày đầu đi vào hoạt động đơn vị gặp không ít khó khăn. Mặc dù vậy đã xác định là đi “tiên phong”, đồng thời tin tưởng vào những lợi thế chỉ riêng có ở Bãi Lữ, ban giám đốc công ty đã xây dựng nhiều chương trình du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, chăm sóc dịch vụ để giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế. Đơn vị cũng đầu tư vào việc cải tạo cảnh quan môi trường, gắn du lịch với các hoạt động văn hóa, tâm linh mang bản sắc vùng miền nên được khá nhiều khách du lịch đánh giá cao và luôn chọn làm điểm đến thú vị. Chỉ sang năm thứ 2 đi vào hoạt động, Bãi Lữ đã trở thành một điểm đến được nhiều người lựa chọn. Đây còn được ví là “thiên đường trên biển”, bởi khí hậu quanh năm rất dễ chịu, khung cảnh đẹp và còn giữ được nhiều nét hoang sơ tự nhiên quyến rũ.
Khu du lịch Bãi Lữ đi vào hoạt động trong giai đoạn 1 với nhiều thành công ngoài mong đợi, tạo thêm động lực để nhiều nhà đầu tư khác mong muốn tiếp tục để triển khai giai đoạn 2. Và như một sự tình cờ, những nhà đầu tư quan tâm đến Bãi Lữ, đa phần lại là Việt kiều. Bản thân bà Nguyễn Thị Phú - Tổng Giám đốc công ty cổ phần đầu tư kinh doanh Bãi Lữ, rất trân trọng tấm lòng và nhiệt huyết của những người con xa xứ. Bởi theo như bà chia sẻ: “Những Việt kiều về đầu tư ở quê hương họ không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, mà đa phần là muốn đóng góp một phần nhỏ bé sức lực cho nơi “chôn rau cắt rốn” của mình. Vì vậy, quyết tâm làm đến nơi, đến chốn. Đặc biệt, họ không ngại khó khăn và luôn tìm tòi cái mới, hướng đi mới”.
Như có “duyên tình” bởi sau khi doanh nhân Nguyễn Trọng Đoàn về quê và đầu tư thành công, ông và những người bạn Việt kiều khác lại cùng nhau hợp tác để xây dựng nhiều dự án mới. Đó là công trình Bệnh viện mắt Sài Gòn, Bệnh viện Phụ Sản (TP. Vinh) và Sân golf Cửa Lò. Kết quả này cũng cho thấy những nỗ lực của tỉnh nhà trong những năm qua về thu hút đầu tư, khẳng định được niềm tin với những Việt kiều xa xứ luôn trọn tâm, trọn nghĩa với quê nhà.
Mỹ Hà