Người lái đò thầm lặng

12/11/2013 21:03

(Baonghean) - Nghề giáo được ví như những người lái thuyền chở tri thức đến với học sinh. Nếu không có sự hy sinh thầm lặng của những người thầy, người cô, thì sẽ không có những kỹ sư, bác sỹ, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt… mỗi dịp đến tháng 11, chúng ta lại nhớ về những người đã chắp cánh ước mơ...

NGƯT Lê Thị Hà - Tấm gương sáng ngành Giáo dục

Gia đình cô Hà (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Sơn, Anh Sơn) đông anh em. Năm cô 15 tuổi, trong lúc 3 anh trai đang trong quân ngũ thì cha mất, em trai nhỏ nhất mới 4 tháng tuổi. Học xong lớp 7 cô phải nghỉ học để giúp mẹ gánh vác việc nhà, nuôi các em ăn học.

Cô Lê Thị Hà tại buổi lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Cô Lê Thị Hà tại buổi lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Dù phải nghỉ học để bươn chải nhưng cô Hà vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ trở thành giáo viên của mình. Ngoài giúp mẹ những công việc đồng áng, cô tìm mượn sách để tranh thủ tự học, tự ôn thi. Năm 1973, cô Hà quyết định nộp hồ sơ và trúng tuyển vào học Trường THSP miền núi Tân Kỳ. Năm 1975, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp, cô quyết định lên công tác ở huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn.

Lạ nước, lạ cái, ăn uống sinh hoạt kham khổ, cô chắt chiu dành dụm đồng lương ít ỏi gửi về giúp mẹ nuôi 2 em ăn học và cùng các đồng nghiệp kiên trì bám trường, bám lớp dạy chữ cho con em dân tộc thiểu số vùng rẻo cao. Những năm trèo đèo, lội suối “cắm bản”, với những cơn sốt rét rừng rụng tóc, thâm môi phai tàn nhan sắc tuổi thanh xuân đã tôi luyện cho cô trưởng thành. Thời gian 5 năm công tác tại Trường Thanh Thiếu niên rẻo cao Kỳ Sơn, cô liên tục đạt Giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năng nổ nhiệt tình, tâm huyết với nghề, ngày 2/9/1979, cô Lê Thị Hà vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau nhiều năm cống hiến cho vùng miền núi rẻo cao, năm 1980, cô được thuyên chuyển về Anh Sơn công tác. Cô tiếp tục đem nhiệt huyết của mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo quê hương. Luân chuyển qua nhiều trường, ở đâu cô cũng được tín nhiệm và tin tưởng. Khi còn công tác tại xã Thạch Sơn, cô được bầu vào Ban Chấp hành Đảng uỷ xã và là Đại biểu Hội đồng nhân dân xã Thạch Sơn. Năm 1999, cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Sơn. Chỉ trong 2 năm, dưới sự điều hành quản lý của cô, cơ sở vật chất, cảnh quan sư phạm và chất lượng giáo dục của nhà trường thay đổi vượt bậc.

Năm 2001, cô được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Sơn, từ một trường trung bình khá, dưới sự chỉ đạo của hiệu trưởng mới, trở thành trường dẫn đầu các phong trào và liên tục đạt Tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh; năm 2002, trường được công nhận là đơn vị văn hoá cấp tỉnh; 2 năm liền là đơn vị Lá cờ đầu của cấp học; xây dựng thành công trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen.

Chồng là bộ đội ở xa, nên mọi việc gia đình, nuôi dạy con cái, chăm lo mẹ già một mình cô quán xuyến. Với những cống hiến của mình, ngoài thành tích nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, được Tỉnh ủy tặng Bằng khen về điển hình xuất sắc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, “Vì sự nghiệp công đoàn”. Năm 2010, cô Lê Thị Hà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo Ưu tú.

34 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”

Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm (năm 1979), cô Trần Thị Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Diên 1 (Nam Đàn) có 16 năm đứng trên bục giảng, trực tiếp giảng dạy tại các trường Tiểu học Thị trấn Nam Đàn và Tiểu học Vân Diên 2. Cô chia sẻ: “Giáo dục học sinh bậc tiểu học giống như đang xây “móng cho một ngôi nhà”, móng có vững thì nhà mới chắc. Tôi luôn ý thức xây dựng nền tảng kiến thức cho các em, làm sao để các em tự tin khi lên những bậc học cao hơn”. Suy nghĩ đầy tâm huyết ấy luôn thôi thúc cô không ngừng sáng tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy. Với những nỗ lực không mệt mỏi của mình, nhiều năm liền cô được công nhận là Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và luôn đứng trong đội ngũ giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi của huyện. Năm 1993, lần đầu tiên huyện Nam Đàn có học sinh tiểu học đạt giải Ba cấp quốc gia là do công cô bồi dưỡng.

Cô Trần Thị Hoa trong một giờ lên lớp.
Cô Trần Thị Hoa trong một giờ lên lớp.

Đó là “quả ngọt” đầu tiên sau những năm tháng tận tụy với học trò, là món quà tinh thần đầy ý nghĩa thôi thúc cô nỗ lực nhiều hơn. Sau này khi chuyển về công tác ở phòng Giáo dục huyện Nam Đàn, cô vẫn say sưa với những lớp bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học của huyện. Nhiệt huyết truyền dạy cho học trò bằng chính kinh nghiệm dày dặn được đúc rút từ những năm tháng đứng lớp, cùng với vốn kiến thức phong phú tự tích lũy, cô đã bồi dưỡng được 4 học sinh tiểu học đạt học sinh giỏi quốc gia, 2 giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia (từ năm 1996 – 2006).

Nhắc lại những học trò đạt thành tích cao trong kỳ thi quốc gia, cô phấn khởi kể tỉ mỉ về từng em như đang nói về chính những người con của mình vậy. Những lần ôn thi, học trò thường về nhà cô học để được cô dạy kèm. Nhiều em ở xa nên ở lại luôn nhà cô để tiện ôn thi. Cô vừa lo giảng dạy vừa chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho các em. Gần gũi với các em nhiều nên các em xem cô như là người mẹ thứ hai, có buồn, vui, ước mơ gì… đều chia sẻ. “Nhiều học trò thành đạt, về thăm cô giáo cũ, tôi vẫn thường nhắc lại những kỷ niệm vui ấy. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong đời giáo viên”, cô tâm sự.

Trong 6 năm trở lại đây, trên cương vị Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Diên 1, cô đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. “Mặc dù làm công tác quản lý nhưng cô Hoa luôn gương mẫu trong các hoạt động chuyên môn. Cô thường xuyên trực tiếp dạy thể nghiệm các chuyên đề khó để giáo viên trong trường học tập. Đi đầu trong thay đổi phương pháp dạy và học, lấy học sinh làm trung tâm cũng như quán triệt trong cách thức coi thi và chấm thi, bởi vậy chất lượng dạy và học trong nhà trường đã chuyển biến rõ rệt” – cô Nguyễn Thị Thuận – Hiệu phó Trường Tiểu học Vân Diên 1 chia sẻ. Trăn trở về trường, lớp còn thiếu thốn, cô Hoa đã đi đầu vận động xã hội hóa, xây dựng cơ sở vật chất. Giờ đây nhà trường đã có dãy nhà 2 tầng khang trang, sân chơi rộng rãi phục vụ học tập. Nhờ những nỗ lực của cô Hoa trong quản lý, chỉ đạo, khuyến khích tập thể giáo viên cũng phấn đấu, 5 năm liền, nhà trường được công nhận Tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh.

Bên cạnh công tác quản lý, cô luôn miệt mài với công việc nghiên cứu, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cô đã được ứng dụng trong đổi mới dạy và học ở bậc tiểu học trong huyện, như: “Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên lớp 3”; “Nâng cao năng lực cảm thụ cho học sinh bậc tiểu học”; “Rèn luyện kỹ năng học tốt cho học sinh lớp 5”… Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, cô đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở trong nhiều năm liền và vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2013).

Dù tóc đã điểm hoa râm nhưng ngày ngày cô vẫn “bám trường, bám lớp” trăn trở với sự nghiệp “trồng người” và vẫn miệt mài thầm lặng đưa những chuyến đò chở những thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức…

Phạm Ngân - Minh Nguyệt

Mới nhất
x
Người lái đò thầm lặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO