Người làng nghề hết “duyên” với nghề

03/05/2013 20:26

(Baonghean) - Toàn tỉnh hiện có 111 làng nghề được UBND tỉnh ra quyết định công nhận và 285 làng có nghề do UBND các huyện công nhận. Trong những năm qua, các làng nghề phát triển khá nhanh về số lượng và đa dạng về loại hình, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Tuy nhiên, hiện nay việc thiếu lực lượng kế thừa đặt ra những thách thức trong việc bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống.

Làng mộc Phú Nghĩa (xã Quỳnh Nghĩa - Quỳnh Lưu) ra đời cách đây cả trăm năm, tập trung chủ yếu ở thôn 1, thôn 4 và phát triển theo hướng cha truyền con nối, có những gia đình ba, bốn đời nối nhau làm nghề mộc. Chuyên sản xuất hàng dân dụng và thủ công mỹ nghệ, Phú Nghĩa từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm gỗ tinh xảo như sập, tủ chè, các loại bàn ghế... Tay nghề của họ có thể sánh ngang với thợ Hà Tây, Nam Định. Người thợ Phú Nghĩa không chỉ làm được đình đền, nhà tứ trụ, nhà oai bẩy mà còn đóng được cả những con tàu có trọng tải lớn vượt biển khơi. Nhiều thế hệ nơi đây sinh ra, lớn lên và khởi nghiệp với chính nghề do cha ông để lại. Nhưng trong "cơn lốc xoáy" kinh tế thị trường, nghề mộc không còn thời hoàng kim và lớp lao động trẻ của làng cũng "mở" đường tìm đến những vùng đất mới để tìm kế sinh nhai.

Ông Hồ Văn Quyết, chủ một xưởng mộc ở Quỳnh Nghĩa cho biết: "Hiện làng Phú Nghĩa có có 10 tổ thợ chuyên làm nhà gỗ, phục chế xây dựng các công trình đình, đền; 3 xưởng chuyên đóng mới sửa chữa tàu thuyền và hơn 50 xưởng mộc dân dụng, mỹ nghệ. Khoảng dăm năm trở về trước, lao động trẻ vẫn còn hứng thú với nghề và xin làm việc tại xưởng rất đông, nhưng giờ rất khó để tìm được một thanh niên "sống chết" với nghề dù thu nhập không phải là thấp. Hiện tiền công cho một lao động nam từ 150.000-180.000 đồng và từ 100.000- 120.000 đồng/ngày dành cho lao động nữ đánh giấy ráp nhưng vẫn không đủ hấp dẫn thanh niên ở lại làng. Như xưởng của tôi trước năm 2010 luôn có từ 7- 8 công nhân, nay chỉ duy trì được 3 công nhân mỗi ngày.


Cùng với nhiều làng nghề thủ công truyền thống khác trên địa bàn tỉnh, làng rèn Ba Ba (xóm 5, xã Thanh Lương - Thanh Chương) từ xa xưa đã rất nổi tiếng với các sản phẩm dao, kéo, đục, chàng.... Thế nhưng cùng với thời gian, những thợ rèn tay nghề cao giờ còn lại rất ít, trong khi lớp trẻ lại không mấy người thiết tha với cái nghề này...

Một số cơ sở sản xuất nếu có bóng dáng thanh, thiếu niên làm nghề thì phần lớn là làm công ăn lương, và họ sẵn sàng bỏ việc nếu có việc làm khác được trả lương cao hơn. Hiện người thợ rèn ít tuổi nhất ở Thanh Lương cũng đã xấp xỉ 40, còn gọi là thợ có tay nghề bậc cao thì hầu như đều đã ngoài 50 tuổi... Anh Nguyễn Văn Trường (ở xóm 5) năm nay đã 40 tuổi nhưng vẫn được xem là một trong những thợ rèn trẻ tuổi ở xã cho biết: "Những người tuổi dưới 40 theo đuổi nghề rèn ở trong làng rất ít. Hiện không mấy thanh niên muốn theo nghề, bởi học được tinh thông nghề này người nhanh nhẹn cũng phải mất đến 3 năm chuyên cần, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, rồi cảm nhận bằng sự tinh tế của tai, mắt, của bàn tay chính mình vì không có tài liệu ghi chép công thức, chỉ có người đi trước truyền lại cho người đi sau".

Ông Nguyễn Văn Bình là một trong những chủ lò rèn lâu năm nhất ở làng Ba Ba. Đến ông Bình là đời thứ 4 nối nghiệp cha ông giữ lửa nghề rèn cũng cho biết: "Tôi cũng không biết nghề rèn có từ khi nào, nhưng giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước, nghề rèn rất phát triển, do các sản phẩm phục vụ sản xuất cũng như các sản phẩm kim khí làm từ máy móc không nhiều như bây giờ... Nay gia đình tôi có 2 người con trai, dù đã cố gắng thuyết phục và truyền dạy lại nghề cho chúng, nhưng không đứa nào chịu theo nghề, chỉ muốn vào Nam lập nghiệp. Có lẽ hết đời của tôi thì lò rèn gia đình cũng "tắt lửa". Tôi chỉ lo cái nghề truyền thống của cha ông để lại này bị mai một thì tiếc lắm!"...



Sản xuất chiếu cói ở làng nghề Hưng Hòa (TP Vinh).

Xã Hưng Hoà (TP Vinh) có nghề dệt chiếu cói truyền thống, hầu hết người dân trong xã đều biết dệt chiếu từ thuở lên chín, lên mười. Có nhiều gia đình đã ba, bốn đời gắn bó với nghề dệt chiếu. Khi chiếu cói "lên ngôi", người, xe tấp nập về đây "ăn hàng", tiêu thụ cả sang nước bạn Lào... Nhưng đó đã là chuyện của quá khứ, giờ những cánh đồng cói đang dần thu hẹp, cộng với sự "quay lưng" của lớp trẻ khiến nhiều nhà treo khung dệt. Lớp nghệ nhân tâm huyết đang ngày càng già đi và ít tham gia vào sản xuất nên nguy cơ mai một nghề thủ công truyền thống ngày càng cao.

Theo ông Nguyễn Tấn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Lộc - là doanh nghiệp chuyên cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề mây tre đan, những làng nghề truyền thống đang mất dần lao động, đặc biết là lao động trẻ, bởi hầu hết các sản phẩm từ nghề thủ công là khá tỉ mẩn, đòi hỏi người thợ phải kiên trì, nhẫn nại, thế nhưng thu nhập đem lại từ nghề không cao. Cộng với việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tâm lý độc quyền, ngại chia sẻ đã khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của làng nghề đơn độc trên con đường tìm kiếm thị trường, phát triển sản phẩm và cũng khiến cho sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, giá trị đạt được không xứng với tiềm năng, theo đó phần thu nhập của người dân làm nghề thấp. Để giữ chân được người lao động và đảm bảo sự phát triển bền vững cho các làng nghề thủ công truyền thống cần sự hỗ trợ hơn nữa của Nhà nước trong việc cải tiến mẫu mã, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ, hỗ trợ xây dựng nguồn nguyên liệu, nguồn vốn, mặt bằng sản xuất...

Theo khảo sát tại các làng nghề, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả lương, đào tạo nghề miễn phí, cấp nguyên liệu để thanh niên làng nghề mang về làm tại nhà và nhận bao tiêu sản phẩm hoặc làm tại doanh nghiệp với mức thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng lực lượng lao động trẻ tại các làng nghề vẫn không mặn mà. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng cơ bản vẫn là mức thu nhập chưa đáp ứng được yêu cầu; một bộ phận thanh niên có cách hiểu chưa đúng hoặc coi nhẹ việc phát triển ngành nghề truyền thống vì họ cho rằng làm nghề không "sang" và khó giàu. Chính vì thế, việc tôn vinh cũng như tạo điều kiện cho nhiều bạn trẻ có cơ hội biết đến những mô hình thành công hoặc gương thanh niên làm giàu với làng nghề là rất cần thiết.


Bài, ảnh: Ngọc Anh

Mới nhất
x
Người làng nghề hết “duyên” với nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO