Người lao động có nên nghỉ nhận 'một cục'?

02/10/2017 10:22

Tình trạng rất đông công nhân xin nghỉ việc để nhận BHXH một lần thay vì bảo lưu để hưởng lương hưu đang khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại.

Người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP.Hồ Chí Minh
Người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP.Hồ Chí Minh.

Không "thiết tha" lương hưu

Chị Nguyễn Thị Nga (39 tuổi) - công nhân may mặc tại tỉnh Bình Dương - đã tham gia BHXH được 17 năm và đang "lăn tăn" có nên nghỉ việc để nhận BHXH "một cục" về quê mở một cửa hàng nhỏ hoặc gửi tiết kiệm.

Chị nghe nhiều người đồn thổi rằng nếu bảo lưu để hưởng lương sau này sẽ rất thiệt thòi và lương hưu cũng không đủ sống.

700.000 - là dự kiến số người nhận BHXH một lần trong năm 2017. Con số này năm 2016 là 665.000

Chị Nguyễn Thị Cẩm Trang (35 tuổi) - công nhân giày da tại TP.HCM - cũng quyết định nghỉ việc để nhận "một cục" sau 15 năm đóng BHXH. Chị thấy nhiều doanh nghiệp giày da, may mặc... không "thiết tha" giữ những công nhân nữ trên 35 tuổi nên dù không bị đuổi việc, chị vẫn nhận "một cục" rồi tự nguyện ra đi tìm công việc mới hoặc về quê lập nghiệp.

Anh Nguyễn Xuân Kiên - công nhân Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) - cũng nghe đồn thổi là từ năm 2018 người lao động sẽ phải đóng BHXH căn cứ vào tổng thu nhập hàng tháng, bao gồm tất cả các khoản phụ cấp khác, tỉ lệ đóng sẽ cao hơn rất nhiều.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, giai đoạn 2013-2016 đã có 2,5 triệu người lao động nhận BHXH một lần. 9 tháng đầu năm 2017 có gần 537.000 người và dự báo đến hết năm 2017 sẽ có khoảng 700.000 người nhận BHXH một lần, chủ yếu ở các tỉnh thành phía Nam.

Về "một cục" rất thiệt thòi

Trước tình trạng này, BHXH Việt Nam đã có công văn khuyến cáo người lao động cân nhắc kỹ khi quyết định nhận BHXH một lần, vì việc này có thể tước đi cơ hội về sau của họ.

Ông Đỗ Ngọc Thọ - phó trưởng ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) - phân tích: Thời gian đóng BHXH càng lâu thì số tiền đó sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng. Đồng tiền sẽ không mất đi mà còn tăng trưởng.

Nếu trong quá trình bảo lưu người lao động chẳng may qua đời, thân nhân cũng được hưởng chế độ mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở và tùy theo điều kiện sẽ được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Đối với người lao động khi về hưu, ngoài lương còn được cấp thẻ BHYT.

Nhiều người lao động xin nghỉ và muốn nhận 'một cục'

Ông Thọ cũng chỉ ra sự thiệt thòi của việc hưởng BHXH một lần: Hiện mức đóng vào quỹ hưu trí tử tuất là 22% mức lương tháng, suy ra tổng mức đóng vào quỹ BHXH một năm khoảng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần thì chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương trong một năm.

Không phải khoản gì cũng tính đóng BHXH

Tuy nhiên, người lao động vẫn có xu hướng nhận BHXH một lần không phải không có lý do. Ông Phạm Minh Thành - phó giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai - nhận định: Hiện nay tỉ lệ đóng BHXH cao nhưng thực tế số tiền nộp về BHXH lại thấp, khiến mức lương khi về hưu không đủ sống, người lao động cũng dè chừng.

13 triệu - là số lao động đóng BHXH trên cả nước, chiếm 24% tổng số lao động. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là 50% tổng số lao động.

Họ còn lo lắng năm 2018 sẽ tính mức đóng BHXH theo tổng thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại. Một đại diện BHXH TP.HCM cho rằng đó là cách hiểu chưa đúng.

Theo vị đại diện này, không phải tất cả các khoản thu nhập đều được tính đóng BHXH kể từ ngày 1-1-2018: Các khoản như tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, xăng xe, điện thoại, tiền giữ trẻ, nhà ở... đều không cộng vào thu nhập để đóng BHXH.

Và nếu đóng BHXH trên thu nhập thực tế, người lao động chỉ phải đóng trên mức 1/3 phí BHXH. Ngược lại khi ốm đau, thai sản hay nghỉ hưu, lương từ quỹ BHXH của họ sẽ tăng cao hơn nhiều và được hưởng 100% từ mức đóng tăng.

Từ ngày 1/1/2018, theo lộ trình lao động nam làm đủ 35 năm, nữ 30 năm mới được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 30 năm và 25 năm như hiện nay.

Từ 1/1/2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay.

Hiện lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ 1/1/2018, để hưởng mức trên, lao động nam phải đóng đủ 16 năm. Muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm, thay vì 30 năm như hiện nay.

Trước việc tăng số năm để được hưởng lương hưu tối đa, một số người lao động ở độ tuổi 30 - 40 thay vì phải đóng thêm và chờ thêm vài năm nữa để hưởng lương hưu thì họ chọn nhận "một cục".

Theo Báo Tuổi trẻ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Người lao động có nên nghỉ nhận 'một cục'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO