Người lính trên trận tuyến mới
(Baonghean) - Trên quê hương Diễn Châu hôm nay không ít những doanh nhân hay chủ trang trại VAC là những cựu chiến binh. Cựu chiến binh Trần Ngọc Liễu ở xã Diễn Hồng là một trong số đó. Trong chiến đấu, ông quả cảm, anh dũng, không ngại hy sinh, về với đời thường, những phẩm chất tốt đẹp đó được phát huy trên mặt trận phát triển kinh tế…
(Baonghean) - Trên quê hương Diễn Châu hôm nay không ít những doanh nhân hay chủ trang trại VAC là những cựu chiến binh. Cựu chiến binh Trần Ngọc Liễu ở xã Diễn Hồng là một trong số đó. Trong chiến đấu, ông quả cảm, anh dũng, không ngại hy sinh, về với đời thường, những phẩm chất tốt đẹp đó được phát huy trên mặt trận phát triển kinh tế…
Nhập ngũ năm 1974 khi mới 18 tuổi, ông Liễu tham gia Binh chủng Hải quân làm nhiệm vụ thông tin liên lạc. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Liễu vinh dự tham gia trong cánh quân chủ lực từ phía Đông, tấn công vào Sài Gòn trong ngày giải phóng đất nước (30/4).
CCB Trần Ngọc Liễu |
Cảm xúc vui mừng không thể tả hết khi được đặt chân lên đất Sài Gòn giải phóng đất nước đã trở thành ký ức đẹp không bao giờ quên đối với ông. Niềm tự hào được tham gia trong đoàn quân giải phóng ngày 30/4 cứ tuôn trào qua những câu chuyện kể: Ngày giải phóng không thể tả hết được nỗi sung sướng của anh em đồng đội, của nhân dân Sài Gòn khi đó. Nhân dân Sài Gòn giương cao cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ, hô vang “Hoan hô quân giải phóng”, tiếp đón bộ đội như những người anh em ruột thịt và sẵn sàng giúp đỡ. Sau khi tham gia giải phóng miền Nam ông Liễu tiếp tục tham gia chiến đấu giải phóng nước bạn Cămpuchia. Năm 1984, ông xuất ngũ, là thương binh hạng 2/4. Mười năm tham gia quân ngũ ông đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Chiến công, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Dũng sỹ giữ nước…
CCB Trần Ngọc Liễu với cửa hàng mộc. |
Về quê ông tiếp tục làm công nhân Nhà máy xay Cầu Bùng và về hưu năm 1993. Sức khỏe yếu, 4 con đang tuổi ăn học mà chỉ dựa vào mấy sào ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần người lính, được tôi luyện trong môi trường quân ngũ khắc nghiệt đã cho ông thêm ý chí, nghị lực và niềm tin để chiến thắng đói nghèo. Những năm 1990, khi xã Diễn Hồng có chủ trương khuyến khích nhân dân phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương có tuyến Quốc lộ 1 đi qua địa bàn để phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ thương mại, ông Liễu đã bàn với vợ chuyển chỗ ở từ trong làng lên bám Quốc lộ làm ăn. Ban đầu, ông chỉ đủ vốn để mở một quán nhỏ bán nước, bánh kẹo cho người đi đường và khách.
Với bản tính chăm chỉ nên ông còn làm thêm nhiều việc khác để có thu nhập. Tiết kiệm được ít vốn, ông mua mảnh đất gần chân cầu. Có mặt bằng kinh doanh, nắm bắt được nhu cầu về giống, phân bón của nhân dân lớn, ông chuyển sang bán vật tư nông nghiệp. Sau đó, chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng, cơ khí, kinh doanh đồ mộc mỹ nghệ lớn tại xã Diễn Hồng với nguồn vốn lên đến hàng tỷ đồng. Với bản tính người lính ngay thẳng nên ông buôn bán rất có uy tín, song phẳng, hàng hóa luôn đảm bảo chất lượng nên thu hút nhiều khách trong huyện và các huyện lân cận. Theo chân ông, nhiều gia đình Diễn Hồng đã đầu tư mở kinh doanh gần Quốc lộ 1, từ đó tạo nên một khu buôn bán khá sầm uất gần chân cầu Lồi hiện nay.
Trở về với cuộc sống đời thường, miệt mài làm kinh tế nhưng chất “lính Cụ Hồ” trong CCB Trần Ngọc Liễu còn vẹn nguyên. Ông cùng các hội viên hội CCB Diễn Hồng tích cực tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự, công tác hòa giải tại khu dân cư. Cả 4 người con của ông đều đỗ đại học và trở thành những bác sỹ, kiến trúc sư, doanh nhân giỏi. Từ những cống hiến và nỗ lực ấy, gia đình ông được Hội Khuyến học xã tặng giấy khen Gia đình Hiếu học tiêu biểu, được Hội Cựu chiến binh xã bình chọn gia đình cựu chiến binh mẫu mực.
Bài, ảnh: Mai Giang