Người mê cá xứ Chùa Sàng

24/05/2014 15:48

(Baonghean) - “mình phải tìm hiểu, áp dụng khoa học kỹ thuật từ sách báo, tài liệu, và điều cốt yếu hơn là phải đam mê mới thành công. Ngày nay, phương tiện thông tin truyền thông và in ấn có rất nhiều chương trình, tài liệu nói về kỹ thuật chăn nuôi, mình nuôi con gì thì chịu khó sưu tầm, đọc tài liệu về vật nuôi đó để nắm được đặc tính của nó. Khi nào nắm chắc kỹ thuật mới quyết định đầu tư, không nên vội vàng...”.

Trong cái nắng hè cuối chiều oi nồng, chúng tôi men theo con đường nội đồng vừa mới mở rộng theo tiêu chí NTM, đến khu trại nuôi cá của ông Tần Quý Cự trên xứ đồng Chùa Sàng của xóm Châu Lĩnh (xã Đức Thành, Yên Thành). Từ trong căn nhà 2 gian chật chội xây tạm cạnh bờ ao, một người đàn ông tầm thước bước ra, khuôn mặt đen sạm, hốc hác, hàng râu mép nhờ nhờ. Ông là Tần Quý Cự, chủ nhân của trại cá này. Khênh cái chõng tre ọp ẹp đặt dưới bóng mát phía trước mái nhà, ông Cự bắt đầu câu chuyện gắn bó với nghề nuôi cá của mình. Trong câu chuyện, ông cho biết về quá trình bươn chải, vấp ngã, rồi lại đứng lên để có được ngày hôm nay...

Ông Cự bên ao nuôi cá rô phi đơn tính.
Ông Cự bên ao nuôi cá rô phi đơn tính.

Vốn là công nhân Công ty Sông Hiếu có nhiệm vụ, bảo vệ, khai thác rừng, rồi về nhà đi làm thuê khắp nơi, kể cả chủ thầu công trình xây dựng nhà ở của dân… nhưng hoàn lại chỉ là hai bàn tay trắng. Một lần, ông bàn với vợ, hay là mình cùng nhau ra đồng tận dụng mấy sào ruộng khoán, kết hợp trồng lúa với nuôi cá. Được vợ đồng ý, năm 2004, ông quyết định chuyển 9 sào đất ruộng khoán ở cánh đồng Chùa Sàng sang chăn nuôi cá lúa. Cánh đồng Chùa Sàng có lợi thế sử dụng nguồn nước của kênh nông giang, nên chân ruộng lúc nào cũng điều tiết được mực nước hợp lý, rất thuận lợi cho việc nuôi cá lúa. Trong quá trình nuôi cá, ông chịu khó xem tivi, đọc sách báo, tài liệu, nên cá nuôi nhanh lớn, cây lúa cũng bội thu.

Thấy ông Cự nuôi cá giỏi, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho ông đào ao nuôi cá, mục đích là xây dựng thành mô hình điểm cho địa phương. 9 sào ruộng ấy, ông đào 2 cái ao, một ao rộng 7 sào dùng để nuôi cá thương phẩm, 1 ao rộng hơn 1 sào dùng để ươm cá giống, phần đất còn lại dựng cái lán tạm để ở và xây dựng hệ thống chăn nuôi lợn, gà vịt. Những năm đó, ông nuôi các loại cá truyền thống, tuy lãi không cao, nhưng đã có của ăn của để. Đến năm 2008, ông xem ti vi thấy nông dân các địa phương phía Bắc đầu tư nuôi cá rô phi đơn tính mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xem xong, ông mê lắm, nhưng để làm được như người ta là điều không dễ, bởi nuôi cá theo hướng thâm canh là phải áp dụng đúng kỹ thuật.

Đêm về, lúc nào ông cũng nghĩ đến con cá rô phi đơn tính, thấy ông trăn trở, bà Phạm Thị Nguyệt - vợ ông, đồng tình ủng hộ. “Trăm nghe không bằng một thấy”, ông cất công ra Bắc tìm đến những mô hình nuôi cá rô phi đơn tính nổi tiếng để học hỏi kinh nghiệm từ thực tế. Sau khi nắm chắc kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính, ông trở về xử lý toàn bộ hệ thống ao nuôi cá cho phù hợp. Riêng con cá giống đối với ông quả là một sự vất vả, biết bao lần thất bại. Lúc đầu ông sang tận Thái Lan, Lào để mua cá giống rô phi đơn tính, nhưng không hiệu quả, bởi đường xa, cá vận chuyển về không đảm bảo. Sau đó, ông ra các tỉnh phía Bắc, tìm đến các trại cá giống đặt mua, nhưng chỉ có Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (Bắc Ninh) là đảm bảo chất lượng, đó là giống cá rô phi đơn tính Đường Nghiệp - Philippines.

Cá rô phi.
Cá rô phi.

Với diện tích mặt nước trong ao của ông 3.500 m2, mỗi lứa nuôi 1,5 vạn con là đảm bảo đúng kỹ thuật, từ năm 2009 đến nay, mỗi năm ông Cự trực tiếp ra Bắc Ninh 2 chuyến để mua cá giống về nuôi. Ông Cự cho biết: Cá giống mua về ươm độ 1 tháng trong hệ thống ao ươm, khi cá đạt trọng lượng khoảng 250 - 300 con/kg là chuyển sang ao nuôi. Hệ thống ao nuôi cá cũng phải xử lý rất cẩn thận, nếu không cá không thể sống được. Bằng cách, sau khi thu hoạch xong một lứa cá, tháo khô nước, rắc vôi bột xuống đáy ao (1 sào rắc 25 kg vôi bột), hoặc hóa chất diệt tạp. Sau ít ngày, bón phân chuồng, đạm URE và phân lân xuống đáy ao. Để im phơi đáy 2 ngày, rồi tháo nước vào chừng 20 - 30 cm, sau đó dùng hóa chất gây màu, hoặc chế phẩm sinh thái Trung Việt rắc xuống, ngâm 2 ngày, tiếp tục tháo nước vào chừng 2/3 ao, sau 2 - 3 ngày là tháo cấp đủ mực nước cho ao. Đợi đến khi nào nước trong ao chuyển sang màu xanh đọt chuối thì thả cá. Trong quá trình nuôi, phải theo dõi hàng ngày về màu nước và biểu hiện của cá để xử lý cho phù hợp. Nếu thấy nước có màu đục, kết hợp với có mùi tanh, miệng cá nổi lên mặt nước, là coi như nước trong ao không đảm bảo yêu cầu về ô xy. Những lúc như thế, cần phải xử lý ngay, bằng cách bón phân đạm Ure, nếu không cá sẽ chết. Công việc hàng ngày đối với ông, sáng dậy và chiều lại phải dạo quanh bờ ao để quan sát màu nước của ao và diễn biến của cá mới yên tâm.

Ông Cự khoe, một lứa cá ươm 2 vạn con giống, chi phí khoảng 3,5 triệu đồng, trong quá trình ươm, nuôi tỷ lệ hao hụt khoảng 30%. Sau khi nuôi từ 4 - 5 tháng, cá đạt trọng lượng 4 - 5 lạng/con, sản lượng đạt từ 3 - 4 tấn cá thương phẩm, giá bán tại chỗ 25.000 - 30.000 đồng/kg, thu về khoảng 120 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, giống, thức ăn khoảng 60%, còn lãi 40%. Như vậy sau một lứa cá, vợ chồng ông Cự thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Một năm, trừ thời gian xử lý ao, ông nuôi 2 lứa cá ăn chắc. Cá đến ngày thu hoạch, thương lái từ Nghĩa Đàn, Diễn Châu, Thái Hòa đánh xe ô tô đến tận nơi, tháo khô nước ao bắt bằng hết, vận chuyển đi tiêu thụ. Số tiền lãi đó coi như ông giữ trọn, bởi ngoài nuôi cá, vợ chồng ông còn chăn nuôi vịt đẻ và chim bồ câu. Bà Phạm Thị Nguyệt, bộc bạch: Hàng ngày 300 con vịt đẻ cho hơn 200 quả trứng, bán nhập đã có lãi hàng chục nghìn đồng, cộng với gần 50 đôi chim bồ câu, mỗi ngày bán 1 đôi chim giống đã có 80.000 đồng, vị chi số tiền thu được từ vịt và chim bồ câu, đủ chi tiêu hàng ngày cho ông bà, bởi các con đã có gia đình riêng.

Ông Cự thổ lộ: “Để có trại cá như thế này, tôi đã chấp nhận bán đi nhiều tài sản của gia đình. Trước khi quyết định ra đây làm ăn, tui đánh liều bán đi 1 con trâu cày, 1 con bò, 1 lô đất ở để đầu tư vào đây. Hồi đó, con trâu, con bò, đối với nhà nông là tài sản lớn. Chưa đủ, tôi phải vay tiếp 80 triệu đồng từ ngân hàng, anh em, bạn bè. Tui biết vợ không đồng tình lắm, nhưng bà vẫn động viên, khiến tui có thêm động lực. Đến nay, sự đầu tư của tôi đã không uổng...”. Cái được của vợ chồng ông Cự không chỉ cho riêng mình, mà lớn hơn là định hướng cho những người con cách làm ăn mới, với cái riêng của mình.

Có tiền tích lũy qua hàng năm, vợ chồng ông Cự có điều kiện giúp đỡ các con trong đầu tư làm ăn. Cuối năm 2013, xã thực hiện chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn, 2 người con của ông bà, Tần Quý Bang và con gái Tần Thị Năm xin nhận đấu thầu, mỗi đứa 3 mẫu đất xa xấu của địa phương tại cánh đồng Chùa Sàng, cách trại cá của ông khoảng 200 m để đầu tư đào ao nuôi cá, làm theo mô hình của ông. Từ vùng đất cây lúa không chen nổi cỏ lác, mỗi người con của ông Cự đầu tư không dưới 300 triệu đồng, thuê máy múc ao, đắp bờ… nay đã hình thành hệ thống ao hồ, đảm bảo yêu cầu để nuôi cá rô phi đơn tính. Như vậy, cha con ông Cự đã đánh thức xứ đồng Chùa Sàng bằng sự đam mê và nghị lực của mình. Không lâu nữa, tại xứ đồng Chùa Sàng này, mấy cha con ông Cự hàng năm sẽ cung cấp cho thị trường một lượng thực phẩm từ cá rô phi đơn tính khá lớn.

Hỏi về kinh nghiệm nuôi cá, ông Cự bộc bạch: “Nuôi con gì cũng vậy, mình phải tìm hiểu, áp dụng khoa học kỹ thuật từ sách báo, tài liệu, và điều cốt yếu hơn là phải đam mê mới thành công. Ngày nay, phương tiện thông tin truyền thông và in ấn có rất nhiều chương trình, tài liệu nói về kỹ thuật chăn nuôi, mình nuôi con gì thì chịu khó sưu tầm, đọc tài liệu về vật nuôi đó để nắm được đặc tính của nó. Khi nào nắm chắc kỹ thuật mới quyết định đầu tư, không nên vội vàng... Do vậy, trong cái tủ của tôi bây giờ có rất nhiều tài liệu liên quan đến chăn nuôi cá, vịt, chim bồ câu. Đặc điểm của cá rô phi đơn tính, dễ nuôi, mình lớn, đầu nhỏ, tỷ lệ thịt nhiều, thịt thơm ngon, chất dinh dưỡng cao, nên dễ tiêu thụ trên thị trường”.

Chia tay vợ chồng ông Cự trời cũng đã tối. Trong tôi còn in đậm hình ảnh về một lão nông mang trong mình niềm đam mê nuôi cá, dám nghĩ, dám làm, trở thành điển hình trong mô hình phát triển kinh tế của xã Đức Thành!

Bài, ảnh: Xuân Hoàng

Người mê cá xứ Chùa Sàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO