Người mẹ tảo tần

17/09/2014 14:43

(Baonghean) - Được tin cháu Hoàng Nghĩa Bính, con trai Trần Thị Thảo, em con dì tôi, ở xóm Phong Quang, xã Hưng Hòa, Thành phố Vinh đậu thủ khoa Trường sỹ quan lục quân I với tổng số điểm 26, lòng tôi dào dạt niềm vui xen lẫn xúc động.

Chị Thảo với công việc hàng ngày.
Chị Thảo với công việc hàng ngày.

Làm sao không vui, không xúc động khi mà trong anh em họ hàng mình, quê hương lam lũ của mình có “Trạng nguyên”. Mà cháu lại sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn: Bố bị bệnh hở van tim, úng thủy não; mẹ gầy yếu sớm hôm tảo tần làm ruộng, làm đủ thứ việc để có tiền lo cho con ăn học.

Tôi nhớ lại một chiều hè cách đây hơn 10 năm, tôi vừa ở Vinh về, chưa kịp dắt xe lên thềm, mẹ tôi từ trong nhà bước ra bảo: “Con Thảo nhủ đến lấy lúa. Hắn đã phơi khô, quạt sạch rồi”. Tôi hiểu là Thảo“ bán lúa non” cho mẹ . Mẹ tôi đã ngoài cái tuổi cổ lai hy nhưng còn khỏe, còn minh mẫn. Bố mất, bà không chịu đi theo con cái, sống một mình ở quê cặm cụi cuốc vườn, trồng rau, trồng đậu, tuy chẳng ăn uống bao nhiêu nhưng thấy cái sập lim, chum, vại ngày trước luôn đầy ứ thóc gạo, bây giờ rỗng không bà không chịu nổi, có bao nhiêu tiền con cháu biếu, bà cho chòm xóm vay đến mùa lấy thóc. Nhiều nhà đến hỏi vay, tiền chẳng có nhiều, bà “ưu tiên” cho Thảo. Hầu như mấy năm nay, Thảo đều nhận sự “ưu tiên” đó. Mẹ tôi bảo: “Bay ở xa, hắn thường xuyên qua lại giúp mẹ, thỉnh thoảng cho cân nếp, mớ lạc. Thật quý hóa!”.

Buổi chiều tôi phóng xe xuống nhà Thảo. Nhà ông cha để lại, mái rêu phong cũ kỹ, cột, cửa, ván thưng mối mọt nham nhở. Cái chuồng gà khá lớn cạnh nhà cũng xập xệ, trống hoang. Trong nhà, ngoài sân ngồn ngộn thóc. Thóc đã được phơi khô, quạt sạch, thứ vun thành đống, thứ phơi trên sân, thứ vây cót trong nhà. Thảo bảo năm nay được mùa, thu hoạch hơn 3 tấn nhưng trả nợ mất 2 tấn còn hơn 1 tấn để ăn và lo bao chuyện khác nữa. Riêng khoản nợ phân bón giống đã đi đứt 1 tấn, rồi tiền thuốc thang cho anh Nhâm, tiền lo giỗ chạp, tiền học cho các cháu. Nghề làm chiếu cũng không đáng là bao vì neo người, gon đay lại đắt. Gà, vịt nuôi cả đàn bị dịch H5N1, tiêu hủy hết. Tất tần tật trông vào hạt thóc. Tôi ái ngại bảo: Thảo tính theo giá hiện tại mà cân, nhưng chẳng những không giảm, Thảo còn bỏ thêm vào bì một mớ đầy, chuyến sau còn mang ra bao nếp nhỏ tự cột lên xe, tôi không làm sao từ chối…

Cuộc sống ở nông thôn vất vả vô cùng. Nhà có nhiều lao động còn đỡ, gia đình Thảo neo người, chồng luôn đau ốm, con còn nhỏ Thảo phải gồng mình gánh vác, lo liệu. Bính (con trai chị Thảo) còn bé đã phải đi chăn trâu, làm đồng giúp mẹ, được cái ham học, đi trâu cũng kèm theo cuốn sách.

Không chỉ lo cho gia đình mình, Thảo còn phải lo cho bố mẹ đẻ ở xóm trên. Gia đình 2 anh trai ở xa, đều đã cao tuổi, người bị bệnh xương khớp, người bị khiếm thị khi Thảo mới qua tuổi thiếu niên. Thảo phải thường xuyên qua lại chăm sóc, giúp đỡ ông bà. Lúc Bính lên lớp 5, Thảo cho lên ở với ông bà vừa gần trường tiện cho việc học tập, vừa để cho ông bà khuây khỏa. Vài năm sau bà qua đời, bệnh của ông ngày càng nặng, đi phải dìu, rồi phải ngồi xe lăn, Bính như tia nắng sưởi ấm lòng ông những ngày đông giá. Ông tươi cười khoe Bính học giỏi, được đi thi học sinh giỏi thành phố, học sinh giỏi tỉnh, tôi cũng như vui lây.

Dù thông minh, sáng dạ nhưng không được bồi bổ kiến thức, học thêm, luyện thêm thì không thể vươn xa. Điều này thật khó cho Bính. Bố mẹ em lấy đâu ra tiền để đáp ứng những yêu cầu đó? Bệnh của bố ngày càng nặng, Bính phải tranh thủ thời gian giúp mẹ, giúp ông ngoại. Thương con, thấy con ngoan, chăm chỉ , đầy quyết tâm vươn tới, Thảo quyết gồng mình lên kiếm tiền, không ngần ngại vay Ngân hàng Chính sách để Bính mua sách tham khảo, vi tính, đi học thêm. Thảo làm việc quần quật, nào mua chiếu mang lên Vinh bán, đi cấy thuê, làm cửu vạn, đi phụ hồ... miễn có tiền nuôi con ăn học.

Không phụ công mẹ, Bính học ngày càng giỏi, tiểu học đạt học sinh tiên tiến xuất sắc của trường, phổ thông cơ sở đạt học sinh giỏi thành phố, học sinh giỏi tỉnh, lên trung học phổ thông được đi thi học sinh giỏi Hóa, thi thử đại học đạt điểm cao nhất trường. Và kỳ thi đại học vừa qua Bính đậu thủ khoa Trường Sỹ quan lục quân I… Tôi điện thoại chia vui với Thảo, hẹn ngày xuống thăm.

Nhìn căn phòng dột, ván thưng mốc meo, cũ kỹ như sáng lên nhờ những bằng khen, giấy khen dán liền nhau; góc học tập của cháu Bính gọn gàng có giá sách, bàn vi tính mà lòng rưng rưng. Thảo kể lại chuyện đánh liều lên tận Sở Lao động - Thương binh & Xã hội xin chế độ trợ cấp cho chồng, đi ngân hàng vay tiền sắm sanh tạo điều kiện cho con học; chuyện Bính thương mẹ, giấu mẹ đi bốc lúa thuê; đi học thêm để thi học sinh giỏi tỉnh, xe đạp bị hỏng không có tiền sửa phải dắt bộ mấy cây số… Nghe kể mà thương, mà cảm phục sự chịu thương, chịu khó, hy sinh tất cả vì chồng con của Thảo; cảm phục Bính, học sinh nghèo vượt khó, có tâm, có chí xứng với truyền thống hiếu học, hiếu tài…

Bính thủ thỉ: “Em thương bố mẹ khổ, bố thì bệnh ngày càng nặng, mẹ gầy yếu nhưng cố làm nuôi cả gia đình, nuôi em ăn học. Em chọn thi vào trường quân sự đỡ cho bố mẹ vì em được biết vào trường này không phải lo chỗ ăn ở, không phải đóng học phí. Em cố gắng học giỏi, làm thêm để có điều kiện chữa bệnh cho bố, sửa sang lại nhà là điều em luôn nghĩ đến, luôn mong ước. Còn bây giờ em mong có chương trình nào đấy như là “Vượt lên chính mình”, “Lục lạc vàng” để gia đình đăng ký tham gia, may ra mẹ trả được nợ...”.

Tôi nghĩ, Thảo cùng cả gia đình bao nhiêu năm nay đã nỗ lực “Vượt lên chính mình” để có được kết quả như hôm nay bằng tình yêu thương, đức hy sinh và nghị lực...

Đinh Thanh Quang

Mới nhất

x
Người mẹ tảo tần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO