Người Mông "cõng" chữ về bản

19/01/2012 16:28

Người Mông cõng con chữ về bản/Con chữ cõng người Mông thoát nghèo 

(Baonghean.vn) - Người Mông cõng con chữ về bản/Con chữ cõng người Mông thoát nghèo (Điệu Lù tổ)

Từ câu chuyện khổ học thành tài của bác sĩ Và Bá Tủa...

Một ngày đầu Đông năm 2010, trời chớ́m lạnh, theo sự dẫn dắt của bác sĩ Và Bá Tủa, một người Mông tiêu biểu về khổ học và thành đạt ở bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai (Tương Dương - Nghệ An), tôi vượt hơn 50 km đường dốc từ trung tâm xã Nhôn Mai đi qua bản Có Hả, Na Lợt, Xói Voi... để trở lại thăm bà con dân tộc Mông nơi đây sau bao năm xa cách. Chỉ có trái tim và lòng nhiệt huyết mới có thể giúp ai đó lần đầu đến Huồi Cọ̉ vượt qua những cái dốc dựng đứng đến tức thở. Vậy mà ngày ngày người Mông ở Huồi Cọ̉ vẫn miệt mài lên xuống trên con đường này để tìm đến cái chữ, để mua muối và hàng hóa phục vụ cuộc sống của họ. Bản Hồi Cọ hiện ra trước mặt tôi như tổ chim nằm cheo leo dựa vào vách núi của ngọn núi Phá Đánh cao vời vợi.

Xa xưa, bản Huồi Cọ nghèo lắm. người bản Mông nơi đây quanh năm “đầu tắt mặt tối” nhọc nhằn chuyện mưu sinh, lo cho được no cái bụng, cái áo lành mặc ấm. Những ngày giáp hạt, thiếu lúa ăn, đồng bào phải ăn ngô, mèn nén cho qua bữa. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương cùng sự đổi mới trong tư duy và cách nghĩ của người dân nên cuộc sống có khấm khá hơn, thóc và ngô đầy bồ, trâu, bò, lợn, gà nhiều lên, diện mạo mới của cuộc sống nơi đây đang chuyển biến dần.


Cách đây hơn hai mươi năm, khi còn đói kém, người dân Huồi Cọ chỉ nghĩ đến việc làm sao cho no cái bụng, áo được lành, chứ chưa ai dám nghĩ đến chuyện học hành và cho con cái đến trường học. Chính vì vậy, trẻ em khi đã cầm chắc con dao quăng, cầm chắc cái cuốc là phải lên nương lên rẫy làm việc cốt là để làm ra nhiều hạt lúa, bắp ngô cho ấm bụng những tháng năm đói mòn đói mỏi. Chính vì vậy, con em nơi đây chỉ biết lên nương, lên rẫy, lội suối tốt, sắn bắn giỏi chứ đọc chữ, viết chữ thì chịu. Trong nhiều năm dài, tỷ lệ trẻ em không biết đọc, biết viết chiếm đa số. Không biết chữ tất việc tiếp thu những cái mới và đặc biệt là những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước khó lòng đến được với người dân của bản Mông.

Tôi còn nhớ trong chuyến đi công tác với anh Lô Văn Tắn- nguyên Hiệu trưởng Trường THPTDTNT Tương Dương năm 1986, chúng tôi cùng với bộ đội biên Đồn biên phòng 523 và một số thầy cô dạy học ở Trường PTCS Nhôn Mai đến bản Huồi Cọ tuyên truyền, vận động con em đồng bào Mông xuống núi để học tập. Thấy người lạ, đồng bào không muốn tiếp xúc, không nói chuyện, nhưng sau mấy ngày bám bản, bám dân, chúng tôi đã có kết quả. Người dân đã chịu nghe chúng tôi nói... Những ngày sau đó, trong những buổi họp bản, chủ đề đưa con em đến trường luôn là chủ đề “nóng” và được dân bản thảo luận sôi nổi nhiều hơn hết. Có những gia đình băn khoăn về việc chưa đủ cơm ăn thì làm sao học được chữ, nhà xa trường thì đi học làm sao được hay học xong thì đi làm gì, ở đâu… Nhưng rồi, dần dần những khó khăn ấy đều được đẩy lùi bằng một ý chí quyết tâm đưa con em mình xuống núi học chữ để sau này trở thành người tốt của dân bản.

Và Bá Tủa- khi đó đang học dở lớp 7 phải bỏ học vì theo cha, mẹ trồng cây thuốc phiện mãi tận Piềng Lọng Quàng. Nghe thầy Lô Văn Tắn khuyên bảo, Và Bá Tủa đã đồng ý xuống thị trấn Hòa Bình để học tiếp cái chữ. Thầy Lô Văn Tắn đưa Và Bá Tủa về nhà mình ở và nuôi em ăn học. Tôi được thầy Tắn giao nhiệm vụ kèm em Tủa học- một việc hết sức khó khăn đối với tôi, vì hồi đó tôi đâu biết tiếng Mông. Nhưng rồi mọi khó khăn cũng được khắc phục khi hai thầy trò cùng hợp sức, hợp lòng. Tôi học tiếng Mông với Và Bá Tủa, còn em thì học toán, học văn với tôi. Hàng ngày tiếp xúc với Và Bá Tủa tôi nhận ra Tủa thông minh và có trí nhớ rất tốt. Sau khi học hết lớp 7, Và Bá Tủa và các bạn trong trường được nghỉ hè, chúng tôi đưa Tủa về tận nhà.

Ngày chúng tôi từ Huồi Cọ trở về Hòa Bình cũng là ngày chúng tôi nhận được tin gia đình ông Và Tổng Chư đã cưới vợ cho Tủa. Sợ Tủa không đi học nữa, thầy Lô Văn Tắn lại phải leo núi đưa Tủa về thị trấn Hòa Bình. Xa nhà, nhớ vợ, tháng nào Tủa cũng xin về nhà. Anh Lô Văn Tắn trao đổi cùng mấy anh em trong trường “Nếu để tình trạng này kéo dài thì không ổn và Tủa sẽ bỏ học”. Chúng tôi đành tìm cách chuyển Tủa về học Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An. Tại đây Tủa được gặp nhiều bạn Mông từ Quế Phong, Kỳ Sơn, được tham gia nhiều hoạt động của nhà trường và được thầy cô chăm sóc chu đáo, trong lòng Và Bá Tủa đã có nhiều niềm vui. Niềm vui ngày càng lớn dần và làm Tủa vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ vợ. Sau 5 năm miệt mài học tập, Và Bá Tủa tốt nghiệp lớp 12, rồi được xét đi học Trường Trung cấp Y tế Nghệ An theo chính sách cử tuyển dành cho học sinh các dân tộc thiểu số.

Ra trường không xin được việc làm, Và Bá Tủa xách túi thuốc đi khắp nơi để khám và chữa bệnh cho nhân dân. Dẫu cuộc sống gia đình còn rất nhiều khó khăn nhưng đối với người bệnh nghèo, Tủa không lấy tiền. Có một câu chuyện “thật như bịa” và đó sẽ là câu chuyện mà Và Bá Tủa không bao giờ quên trong cuộc đời của mình. Ấy là chuyện anh Lỳ Chia Dở ở bản Phá Mựt, bị một khối u ở ngay trong họng, hết bệnh viện huyện, lên tỉnh, rồi ra viện trung ương, người ta trả về kèm theo lời dặn “gia đình lo chuyện hậu sự là vừa”.

Đường cùng, gia đình mới tìm đến Và Bá Tủa nhờ anh cứu chữa. Sau khi khám cho bệnh nhân, Và Bá Tủa quyết định cắt vứt khối u trong họng bệnh nhân “Em cũng hơi do dự, nhưng em tin khối u đó không khải là u ác, khoa học vẫn có lúc nhầm lẫn mà”- Và Bá Tủa tâm sự. Quyết định táo bạo đó của Và Bá Tủa đã cứu được mạng sống của một con người. Sau ba tháng lành bệnh, gia đình anh Chia Dở đưa 2 bạc nén và một con lợn 7 yến đển tạ ơn. Và Bá Tủa không những không nhận bạc nén và lợn của anh Lỳ Chia Dở mà còn tổ chức một bữa cơm mừng cho bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Sau sự kiện ấy và nhờ chị Kha Thị Hoan- Phó Chủ tịch UBND huyện (vợ của anh Lô Văn Tắn) giúp đỡ, Và Bá Tủa đã được tuyển dụng vào ngành y tế. Mấy năm sau Và Bá Tủa thi đậu vào Trường Đại học Y Thái Bình hệ chuyên tu. Bây giờ Bác sĩ Và Bá Tủa đã là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nhôn Mai và là một bác sĩ giỏi, hết lòng vì người bệnh- một điển hình tiên tiến trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở huyện Tương Dương.



Tác giả (áo trắng hàng sau) chụp ảnh lưu niệm với dòng họ Và- Dòng họ Khuyến học ở Huồi Cọ.



Tranh thủ ngày nghỉ, các em học sinh Mông đi lấy củi về nấu ăn



Tan học rồi, đỏ lửa lên thôi



Trao học bổng cho các em học sinh tiểu học ở bản Huồi Cọ

...Đến phong trào khuyến học khuyến tài ở bản Huồi Cọ

Nghe tin Và Bá Tủa được cử đi học ở bản Vinh, cả bản Huồi Cọ và dòng họ Và mừng lắm, họ rất tự hào vì bản trên, bản dưới có ai được như thế đâu. Lũ trẻ thì mơ ước bao giờ mình được như anh Tủa. Được thầy cô khuyên “phải đi học đều, học chuyên cần và học thật giỏi thì mới được như anh Và Bá Tủa”, thế là ai cũng nghe theo. Từ đó cả bản Huồi Cọ không còn người bỏ học. Người Huồi Cọ vào rừng lấy gỗ về dựng lớp, dựng trường đón thầy cô về bản dạy chữ. Ban ngày trẻ con học, đêm về người lớn thắp đèn lên lớp học xóa mù “quyết không để thua lũ trẻ, người lớn cũng phải học thôi”- anh Già Ga Súa – chi hội trưởng Chi hội khuyến học Huồi Cọ khoe với tôi.

Không chỉ dừng lại ở bậc tiểu học, các em học sinh nơi đây tiếp tục vượt khó để học lên cao hơn, hết bậc Tiểu học lại học tiếp bậc THCS rồi THPT và vào các trường chuyên nghiệp. Khi lên bậc THCS, hầu hết các em đều đến trường trọ học. Người Huồi Cọ xuống gặp lãnh đạo xã, Ban giám hiệu nhà trường xin đất, chặt gỗ, kéo tre về dựng nhà ký túc xá cho các em ăn ở để học hành.

Học THPT là để có cơ hội được học chuyên nghiệp và để trở thành cán bộ. Nhưng không phải gia đình nào ở bản Huồi Cọ cũng có điều kiện để cho con đi học. Trường cách xa nhà tới hàng trăm cây số, điều kiện ăn ở và đi lại còn rất nhiều khó khăn. Vả lại, đã đến độ tuổi này thì phải lên núi làm nương giúp gia đình. Vượt lên những khó khăn ấy, cha mẹ các em xuống tận thị trấn Hòa Bình để thuê nhà cho các em ở trọ và phong trào khuyến học, khuyến tài ở bản Huồi Cọ̉ cũng xuất hiện từ đây.

Đầu tiên là họ Và quyên góp gạo, tiền nuôi Và Bá Tủa học hết Đại học để trở thành bác sĩ, rồi phong trào lan rộng ra cả bản. Người ta góp trứng, góp gạo, góp muối.... “Ai có gì thì cho cái ấy miễn là chúng nó ăn được, sống được để học cho tốt”- Và Dzông Xênh - Chủ tịch MTTQ xã Nhôn Mai (cũng là người Huồi Cọ̉) nói với tôi như thế. Các em học sinh học giỏi hoặc đi học THPT hay đang học ở các trường chuyên nghiệp đều được dòng họ và dân bản hỗ trợ, tùy theo khả năng từng nhà mà các hộ gia đình đóng góp vào Quỹ khuyến học của bản hay của dòng họ. Từ phong trào quyên góp hỗ trợ học sinh ăn học đã trở thành phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi để làm ra thật nhiều lúa, ngô, nhiều con trâu, con lợn, con gà... để nuôi con em mình ăn học, trở thành người tốt. Từ đó nhà nghèo đã hết nghèo, bây giờ ở bản Huồi Cọ̉ nhiều hộ gia đình đã có mức sống khá giả. Trưởng bản Và Khua Đớ cho biết: “Cả bản Huồi Cọ̉ có trên 40 cặp trâu, bò khuyến học, khuyến tài, trong đó chỉ tính riêng trâu bò của dòng họ Và đã có 15 cặp, ấy là chưa kể đến những con lợn, những con gà đen, gà thiến...đấy”.

Như thấu hiểu tấm lòng của người lớn, dù đường xa và khó nhọc, dù gia đình nghèo nhưng các em vẫn kiên trì đến trường. Những ngày cuối tuần, từng tốp học sinh PTCS trở về thăm bản rồi sáng thứ hai đầu tuần, người ta lại thấy các em xuôi xuống dốc núi, hăm hở mang theo bao gạo, bó rau cải nương và gánh củi. Tất cả những cái đó là sự gói ghém những ước mơ cho cuộc sống phía trước.

Những tấm gương hiếu học như Và Bá Tủa, Và Bá Tỉnh, Và Bá Xáo, Già Bá Già hay em Và Y Mải... luôn là tấm gương sáng để các thế hệ học sinh Huồi Cọ noi theo. Trong hành trình gian nan tìm đến cái chữ ở Huồi Cọ luôn có mặt của những tấm gương hiếu học ấy để rồi chính các em sẽ làm rạng danh cho bản của mình và là nòng cốt cho sự đổi thay cuộc sống nơi đây.

Nhiều em sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó, cha mẹ suốt ngày quần quật trên nương, nhưng các em Già Y Mỵ, Và Y Mải, Và Pa Chùa, Gia Y Chử, Và Bá Cau, Và Bá Thái, Và Bá Chủ hay Già Bá Già .... đã nhen nhóm ý chí học tập ngay từ khi cắp sách tới trường. Nhà nghèo, thiếu thốn nhưng không làm nao núng ý chí học tập của các em. Được tuyển vào học tại Trường THPTDTNT huyện, xa nhà, nhưng các em luôn bảo ban nhau để học hành chăm chỉ, quyết chí dùi mài đèn sách để đỗ vào các trường chuyên nghiệp. Không phụ công các em, sau khi tốt nghiệp THPT, có một số em được chọn cử đi học cao đẳng, đại học còn lại các em đều tự thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp, có em thì đi học nghề, sau đó đi làm việc ở nước ngoài.

Cả bản Huồi Cỏ bây giờ có 35 hộ, hơn 200 nhân khẩu thì đã có 17 em đã tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học hiện đang công tác ở các lĩnh vực khác nhau ở 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, có em là công an, có em là sĩ quan bộ đội biên phòng, có em công tác trong ngành giáo dục, y tế....như Và Bá Tủa, Và Bá Thái, Và Bá Cau, Và Bá Chủ, Già Bá Già hay Và Bá Xáo...


Người dân trong bản vẫn luôn nhắc đến những gương hiếu học vượt khó như Và Bá Tỉnh hiện đang học Đại học Vinh, Và Bá Cở - Đại học Nông nghiệp I, rồi bác sĩ Và Bá Tủa hay thầy giáo Và Bá Xáo, Già Bá Già... đã trở thành thầy giáo của bản. Các em đang vươn lên để học, để thực hiện ước mơ của mình. Rồi đây ước mơ ấy sẽ được hiện thực hóa ngay tại bản của mình, phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống nơi đây, làm cho bản Huồi Cọ̉ của các em thêm giàu đẹp.

Chia tay bản Huồi Cọ̉ khi mặt trời đang nhô lên khỏi dãy núi Phá Đánh cao vời vợi. Ngoảnh mặt lại, chúng tôi nhận thấy những triền núi hình trang sách mở đang tràn ngập ánh nắng ban mai. Nhịp sống và điệu khèn Mông phía xa xa như đang ca vang bài ca về sự học nơi đây: “Người Mông cõng con chữ về bản/Con chữ cõng người Mông thoát nghèo”.
Huồi Cọ, Tháng 11 năm 2011


Vi Hợi

Mới nhất
x
Người Mông "cõng" chữ về bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO