Người Mông đổi mới – Kỳ 2: Nỗ lực xóa bỏ hủ tục

Trong một chuyến công tác ở xã Mường Lống (Kỳ Sơn) gần đây, chúng tôi may mắn được tham dự đám cưới của một đôi trẻ người Mông. Chú rể Lỳ Bá Long (25 tuổi). Long từng vào miền Nam làm công nhân, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh trở về quê tránh dịch rồi nảy sinh tình cảm với một thiếu nữ gần nhà. Như những đôi trẻ khác ở vùng xuôi, cả hai thuận tình đi đến hôn nhân. Cũng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, đám cưới được tổ chức khá đơn sơ, với khách mời chủ yếu là họ hàng thân thiết.

“Nếu không có dịch thì cũng không tổ chức linh đình như ngày xưa nữa đâu. Tốn kém lắm”, Long cười nói. Đám cưới mà chúng tôi chứng kiến cũng như nghe chú rể kể khác xa với những tập tục cưới hỏi đã có từ lâu đời của người Mông. Trước đây, đám cưới của người Mông thường ăn uống, vui chơi suốt nhiều ngày liền. Thông thường, sau khi tổ chức ở nhà gái suốt 2  ngày, nhà trai tiếp tục phải tổ chức ăn uống thêm 2 đến 3 ngày nữa. Chưa kể, trong đám cưới còn phải tiến hành nhiều nghi lễ phức tạp, gây tốn kém.

Ngoài ra, trước đây người Mông còn có một tập tục khá nổi tiếng đó là tục “bắt vợ”. Tục lệ này kéo dài dai dẳng đã gây ra nhiều hệ lụy xấu. Còn bây giờ, phần lớn đôi trẻ đến với nhau bằng tình yêu, bằng sự thuận tình của cả 2 bên.  “Ngày xưa, nhiều trường hợp ăn lá ngón tự tử cũng vì cái tục lệ này. Một cô gái xinh đẹp đang yêu một chàng trai, bỗng một ngày bị người khác bắt về làm vợ. Không chấp nhận được cảnh đấy, liền quyết định tự tử. Bi kịch đó từng xảy ra nhiều trong quá khứ”, ông Lầu Bá Chày – Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, một xã có đông đảo đồng bào Mông sinh sống kể.

Tục “bắt vợ” vốn dĩ là một tập tục tốt, có ý nghĩa nhân văn. Theo đó, do đám cưới của người Mông thường có nhiều nghi lễ, rất tốn kém tiền của. Nhiều nhà trai vì thế không đáp ứng được do gia cảnh khó khăn. Từ đó, tục “bắt vợ” ra đời nhằm giảm bớt các nghi lễ. Ngoài ra, người Mông cho rằng, con gái cũng phải “làm giá”, phải để người con trai lôi kéo, mới được trân trọng khi về làm vợ. Và tất nhiên, trước khi “bắt vợ”, cả 2 đều đã có tình cảm với nhau và trao cho nhau kỷ vật. Họ sau đó cùng hẹn nhau ở một địa điểm, với sự chứng kiến của bạn bè, cô gái giả vờ chống lại, còn chàng trai nắm tay lôi kéo. Tuy nhiên, theo thời gian, tục lệ này đã bị biến tướng, bị những kẻ xấu lợi dụng nhằm chiếm đoạt những cô gái xinh đẹp về làm vợ.

“Những kẻ đó khi gặp một người con gái xinh đẹp, thấy ưng ý liền bí mật tìm đến nhà, rồi lẻn vào phòng ngủ cô gái trộm một vài vật dụng như kẹp tóc, khăn trùm đầu làm kỷ vật. Đồng thời, anh ta cũng bí mật để lại một vật dụng của anh ta ở đó. Chàng trai sau đó mai phục trước cửa, đến sáng sớm khi người con gái dậy sớm, vừa bước ra cửa sẽ bị bắt đem về”, ông Chày kể. Gia đình nhà trai sau đó nhanh chóng tổ chức cúng lễ nhập ma cho cô dâu về nhà chồng. Trong quá trình này, nếu phía nhà gái phản ứng thì chàng trai sẽ lấy lý do cả 2 đã yêu nhau, đồng thời đưa kỷ vật ra để làm chứng. Đến lúc đó, dù cô gái phản đối cũng vô ích.

Tuy nhiên, đến nay đối với đồng bào Mông ở Nghệ An, tục lệ “bắt vợ” đang dần được xóa bỏ. Với sự nỗ lực tuyên truyền của nhà trường, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, số vụ “bắt vợ” mỗi năm đã giảm đáng kể so với trước đây.

Cũng liên quan đến hôn nhân, trước đây người Mông cũng có một tập tục lạc hậu. Đó là khi người chồng chết, thì chị dâu phải lấy em chồng. Bởi người Mông quan niệm, con dâu trong nhà là do ma nhà chồng quản lý, không được đi lấy người khác, mà phải lấy những người trong gia đình chồng.

Chưa kể, tình trạng hôn nhân cận huyết trước đây cũng từng rất phổ biến ở đồng bào Mông. Người Mông có nguyên tắc, nếu cùng là một họ, sẽ không được lấy nhau, dù 2 người ở 2 đất nước khác nhau. Ngược lại, chỉ cần khác họ sẽ được phép lấy nhau. Vì thế, đã xảy ra nhiều trường hợp con o lấy con cậu, dù chỉ cách nhau một đời. Tuy nhiên, cũng như tục “bắt vợ”, hiện nay những tập tục này đang dần được xóa bỏ.

Đối với người Mông, tổ chức đám ma cho người chết rất quan trọng, với nhiều nghi lễ phức tạp và kéo dài nhiều ngày. Chính vì thế, tổ chức đám ma thậm chí còn tốn kém hơn cả đám cưới. Ông Lỳ Bá Thái – Phó Bí thư Thường trực huyện Kỳ Sơn, một người con của dân tộc Mông ở xã Mường Lống kể rằng, trước đây, người Mông thường để người chết trong nhà nhiều ngày, tổ chức nhiều nghi lễ rồi mới đưa đi chôn cất. “Trước đây, người chết không bỏ vào quan tài mà để trong cáng rồi treo trên tường nhà. Nhiều trường hợp, để thi thể người chết treo trong nhà như thế từ 7 đến 9 ngày, ít nhất thì cũng 3 ngày”, ông Thái kể. Vì không được khâm lượm, lại để nhiều ngày trong nhà nên không tránh khỏi việc thi thể bốc mùi hôi thối, gây mất vệ sinh và ảnh hưởng sức khỏe của người thân, họ hàng.

Đám ma kéo dài nhiều ngày, trong suốt thời gian đó, họ thường tổ chức ăn uống linh đình. Ông Và Chá Xà – Chủ tịch UBND xã Mường Lống kể, theo tập tục của người Mông, mỗi lần bố hoặc mẹ mất, mỗi người con trai sẽ phải mổ một con bò. “Người Mông trước đây đẻ nhiều. Có nhà 10 người con trai thì mổ 10 con bò. Sau khi mổ xong, một phần thì chia cho ban tổ chức lễ tang, đội thổi khèn rồi họ hàng mang về. Phần còn lại thì tổ chức ăn uống ngay tại đám”, ông Xà kể. Đó là chưa kể nhiều đồ ăn phụ khác như thịt lợn, gà… cùng với nhiều nghi lễ phức tạp gây tốn kém. Nhiều gia đình, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn phải vay mượn để tổ chức đám tang đúng với tập tục. Cũng chính vì thế, không ít nhà lâm vào cảnh khánh kiệt sau mỗi lần có người thân qua đời.

Sau khi ở trong nhà nhiều ngày liền để tổ chức xong các nghi lễ, thi thể sẽ được khiêng bằng cáng ra bãi tha ma. Đến lúc này, người chết mới được bỏ vào quan tài để tiến hành chôn cất. Ngoài ra, đám tang của người Mông trước đây thường không thể thiếu tiếng súng. Theo đó, ngay sau khi có người qua đời, người thân sẽ bắn 3 phát súng chỉ thiên, nhằm dẫn đường cho người chết sang thế giới bên kia. Sau đó, trước khi đến bữa ăn, họ tiếp tục bắn 3 phát để mời người chết ăn sáng, ăn trưa, ăn tối cho đến ngày chôn cất. Đối với những cụ cao tuổi, những người có uy tín qua đời, khi có khách quan trọng đến viếng, súng được bắn liên tục như để báo hiệu cho người mất.

Đến nay, sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động của cả hệ thống chính trị, những tập tục này đang dần được xóa bỏ. Chủ tịch UBND xã Mường Lống – một xã có 100% đồng bào Mông sinh sống cho biết, hiện nay đám tang của người Mông thường kéo dài không quá 2 ngày, chỉ những trường hợp người thân ở xa không về kịp thì mới chờ đến ngày thứ 3. Ngoài ra, sau khi mất, ngay trong ngày thi thể sẽ được bỏ vào quan tài, không còn bỏ trong cáng rồi treo tường nhà. Chỉ một số ít vẫn giữ cái tập tục đó.

Các đám tang cũng không còn tổ chức linh đình như xưa. Bây giờ, theo vận động của chính quyền, cùng với quy định cấm, nhiều hộ cũng đã tự nguyện giao nộp súng, kể từ đó, đám tang người Mông cũng đã không còn tiếng súng như tục lệ xưa. “Hiện nay, nếu nhà nào có điều kiện thì mới mổ một con bò, không còn có quy định mỗi con trai phải có một con như xưa. Còn nếu gia đình không có điều kiện thì chỉ mổ lợn thôi. Bây giờ văn minh rồi, đám tang đã không còn ăn uống tốn kém như xưa, các nghi lễ cũng đã được rút gọn nhiều”, ông Và Chá Xà nói.

(Còn nữa)