Người Mông đổi mới – Kỳ 4: Những người tiên phong làm du lịch

Những ngày đầu năm mới, một nhóm thanh niên vượt gần 30 km từ thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), lên xã Huồi Tụ để du xuân. Họ chọn cánh rừng pơ mu của ông Vừ Vả Chống (55 tuổi), ở bản Huồi Đun để làm điểm dừng chân. Ngay khi dừng xe trước đầu tuyến đường dẫn lên cánh rừng, đã thấy ông Chống đứng đó với khuôn mặt niềm nở đón tiếp. Nhóm du khách này sau đó được dựng lều, trải bạt, ăn uống ngay dưới tán những cây pơ mu cao chót vót. Mặc dù mô hình du lịch sinh thái này chỉ mới được ông Chống đưa vào hoạt động ít ngày, nhưng đã đón tiếp không ít đoàn khách.

“Mình mới làm du lịch, còn nguyên sơ lắm. Vừa làm vừa học hỏi đã. Mùa này rét quá, nên chỉ mới làm thử thôi”, ông Chống cười nói, chỉ tay lên phía đỉnh núi, nơi ông chừa lại một khoảng đất trống với nhiều dự định cho giấc mơ của mình.  Ở trên đó, ông vừa thuê máy móc làm mặt bằng để xây một khu nghỉ dưỡng với hệ thống phòng nghỉ, bãi đậu xe, chòi nghỉ, sân bóng đá, bóng chuyền… Ông Chống muốn biến khu rừng của mình thành một điểm du lịch sinh thái.

Cánh rừng pơ mu của ông Chống nằm ngay cạnh tuyến đường từ Huồi Tụ đi xã Na Loi, Keng Đu. Cánh rừng trông khá nổi bật, là mảng xanh hiếm hoi lọt thỏm giữa những dãy núi trọc lóc. Để có được cánh rừng trị giá hàng chục tỷ đồng này, đối với ông Chống là một kỳ tích. Ông Chống kể, ngày xưa, vùng đất này bạt ngàn sa mu và pơ mu. Tuy nhiên, vào khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, những cánh rừng lần lượt bị đốn hạ. “Hồi nhỏ chứng kiến vậy tôi đau xót lắm, cứ ấp ủ giấc mơ phải trồng lại rừng”, ông Chống kể.

Năm 2000, sau khi xuất ngũ, Vừ Vả Chống làm đơn xin đấu thầu 10 ha để trồng rừng. Ông sau đó phải bán cả đàn bò để lấy tiền rong ruổi khắp nơi tìm mua giống cây pơ mu. Sau nhiều thất bại vì cây chết nhiều, cuối cùng 10 hecta cũng được ông Chống phủ kín bằng pơ mu. Tuy nhiên, ngày đó việc trồng rừng pơ mu của ông Chống chẳng được mấy ai hưởng ứng. Có người thậm chí còn nói ông Chống bị điên. Vì bỏ ra một khoản tiền lớn trồng cây pơ mu biết đến bao giờ mới thu lại được?

Để “lấy ngắn nuôi dài”, ông trồng chè Tuyết Shan, bo bo xen lẫn vào những dãy pơ mu. Ngoài ra, ông còn làm trang trại chăn nuôi với hàng chục con bò, lợn đen. Đến nay, thu nhập từ cây chè, bo bo mang lại cho ông Chống gần 100 triệu đồng mỗi năm. Còn cánh rừng pơ mu, sa mu có khoảng 7.000 cây, có những cây đường kính đã gần nửa mét. Ông Chống kể, giới buôn gỗ đã nhiều người đến hỏi mua và trả 3 triệu đồng/cây nhưng ông nhất quyết không bán. “Mình không bán đâu, chỉ muốn phát triển du lịch sinh thái từ cánh rừng này thôi. Làm du lịch ngoài kiếm tiền thì mục đích chính là muốn nhiều người biết vốn quý của rừng”, ông Chống nói. Từ một người bị xem là điên khùng, hiện nay toàn xã Huồi Tụ đã có hơn 30 hộ học tập mô hình của Vừ Vả Chống và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Ông Chống không thu phí người đến tham quan, vui chơi trên cánh rừng của mình. Thu nhập từ du lịch của ông ban đầu chỉ là những đồng lợi nhuận trong trường hợp du khách gọi đồ ăn, thức uống. “Thông thường trước khi đến họ điện thoại đặt trước đồ ăn. Những món ăn là đặc sản người Mông như gà đen, lợn đen…”, ông Chống nói và cho biết, không những nhất quyết không bán rừng, ông còn có dự định nhân rộng, để những dãy núi đã bị cạo trọc như hiện nay được phủ kín bởi sa mu, pơ mu như ngày xưa.

Tương tự ông Chống, những ngày gần đây, anh em ông Vừ Giống Phử, 50 tuổi, ở bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn), cũng đang rục rịch cho những dự định làm du lịch sinh thái dưới cánh rừng pơ mu, sa mu rộng hơn 30 hecta của gia đình mình. Hiện con đường dẫn lên cánh rừng đã được ông Phử cho máy xúc san mặt bằng, để các phương tiện dễ dàng lên tới đỉnh. Anh em ông còn đóng những dãy ghế dài, xích đu để người tham quan nghỉ ngơi. Thời gian gần đây, cánh rừng trở thành điểm check-in nổi tiếng, thu hút nhiều người đến tham quan dù vẫn chưa được đầu tư nhiều để phục vụ du lịch.

Anh em ông Phử dự định, sắp tới sẽ đầu tư thêm nhiều hạng mục như các bậc tam cấp, nhà vệ sinh, các chòi nghỉ dưỡng… để bắt đầu phục vụ du lịch một cách chuyên nghiệp dịp hè sắp tới. “Mùa hè dù ở bên ngoài nắng nóng đến mấy, thì đặt chân vào rừng khác hẳn. Trong đó mát rượi. Còn mùa này lạnh quá, du khách chỉ đến chụp ảnh rồi về chứ không ở lại nghỉ ngơi, vui chơi được”, ông Phử nói.

Cánh rừng này đã hơn 25 tuổi, có những cây pơ mu có đường kính gần nửa mét. Người tiên phong trong việc trồng rừng ở đấy chính là bố ông Phử, cụ Vừ Pà Rê. Sau khi cụ Rê qua đời, cánh rừng được giao cho 5 người con trai chăm sóc và tiếp tục thực hiện giấc mơ dang dở của bố là nhân giống, phủ kín những đồi núi trọc nơi đây bằng pơ mu, sa mu.

Tây Sơn là xã có 100% là đồng bào Mông. Ở đây trước kia bạt ngàn pơ mu, sa mu. Đây cũng là địa phương hiếm hoi ở Nghệ An còn có nhiều bản vẫn còn giữ được những mái nhà lợp bằng gỗ sa mu đặc trưng của người Mông. Tuy nhiên, 30 năm trước, những cánh rừng pơ mu hàng trăm tuổi nhanh chóng bị đốn hạ, vận chuyển về xuôi. Nhìn những cánh rừng gắn liền với ký ức bị đốn hạ, cụ Rê tiếc nuối. Năm 1996, cụ bắt đầu vào nơi cánh rừng pơ mu đã bị đốn hạ, tìm cây con về trồng trên những quả đồi ở gần bản. Rồi cụ rủ thêm các con cùng đi. Khi đã nhặt hết cây con, cụ Rê còn tìm tòi, học cách nhân giống bằng hạt. Cứ như vậy, trong khoảng 3 năm, bố con cụ Rê đã trồng được hơn 31 hecta.

Cánh rừng này khá dày đặc, tuy nhiên cũng nhờ như vậy mà tạo nên khung cảnh rất đẹp. Dưới tán rừng, không có một ánh nắng nào có thể chiếu xuống. Ông Phử kể rằng, do ngày xưa sợ cây trồng xong sẽ chết, nên bố ông yêu cầu phải trồng dày, lỡ cây này chết thì còn có cây kia. Tuy nhiên, sau khi trồng xong, do hợp với thổ nhưỡng, lại được chăm sóc tốt nên tỷ lệ sống sót rất cao. Cũng vì thế mà rừng cây khá dày, khiến một số phát triển chậm. Những năm gần đây, cánh rừng trở thành điểm dã ngoại lý tưởng của giới trẻ trong vùng. Thấy nơi này thu hút người đến chơi, anh em ông Phử bắt đầu có ý tưởng làm du lịch. “Người Mông mình lâu nay không quen làm cái này đâu. Không biết buôn bán, làm dịch vụ. Nhưng rồi cũng phải thay đổi, phải học thôi”, ông Phử nói và cho hay, ban đầu mục đích của bố con ông trồng rừng là muốn để giữ những cây pơ mu, sa mu chó các thế hệ đời sau. Vì thế, dù nhiều người đã đến hỏi mua, anh em ông nhất quyết không bán. Việc đầu tư làm du lịch mục đích chính cũng là để giáo dục con em thấy được giá trị của rừng để từ đó có được ý thức bảo vệ rừng.

Từ những người tiên phong là bố con cụ Rê, đến nay nhiều người Mông khác ở đây cũng học tập, mang những giống pơ mu, sa mu phủ kín đồi núi trọc. Đến nay, toàn xã đã có gần 70 hecta rừng pơ mu, sơ mu. Những cánh rừng này rất có giá trị phòng hộ đầu nguồn.

Không chỉ ở Tây Sơn, Huồi Tụ, dịp gần đây, nhiều hộ đồng bào Mông ở xã Mường Lống cũng đang dần đầu tư để làm du lịch sinh thái. Nhiều căn nhà gỗ khang trang đã được dựng lên để làm homestay phục vụ du khách. Nổi tiếng vì khí hậu mát mẻ, sở hữu nhiều cảnh quan đẹp, thậm chí còn được ví như “Đà Lạt giữa lòng xứ Nghệ”, người dân cũng như chính quyền địa phương đang hy vọng du lịch sẽ là sinh kế mới cho đồng bào nơi đây.

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Nguyễn Ngọc Lâm

    Rành tài viết đó nhà báo Kiên ạ.