Người nặng lòng với văn hoá Thổ...

15/05/2009 11:50

Trong căn nhà nhỏ của ông chứa đầy tre, nứa, mét, dây thép, cưa, đục... là những nguyên vật liệu chế tác nhạc cụ. Yêu tiếng đàn của dân tộc mình và nỗi lo vốn văn hoá dân gian của dân tộc ngày càng mai một đã thôi thúc ông tìm cách bảo tồn, gìn giữ...

Ông Trương Sông Hương biểu diễn đàn
tính tang tại Liên hoan văn hoá thể thao
các dân tộc huyện Quỳ Hợp.

Văn hoá dân tộc Thổ, trước những lý do khách quan khác nhau, đang dần bị mai một và hoà lẫn vào những nền văn hoá khác. Điều này luôn làm ông Trương Sông Hương (làng Dũa-Thọ Hợp-Quỳ Hợp) trăn trở, day dứt.


Ông quyết định cất công kiếm tìm, khôi phục nét văn hoá đã mất. Phải mất hàng năm trời trèo truông lội suối, đạp xe hết làng này sang bản nọ, hỏi hết các cụ cao niên trong xã, trong huyện ông mới tìm được cách chế tác đàn tính tang. Tìm được cách chế tác, ông lại lặn lội lên rừng chặt mét, cưa nứa về làm đàn, rồi cưa, rồi đục...

Cái khó của làm đàn tính tang là phải biết cách lựa chọn vật liệu theo độ dày mỏng khác nhau, công phu nhất là phải dùng dao nhọn để tách dây đàn, tỉ mỉ cân hai dây sao cho phù hợp...Mất cả tháng trời ông mới chế tác xong cây đàn tính tang.

Nhưng khác với đàn tính tang một chiếc theo nguyên bản, ông đã chế thành một bộ hoàn chỉnh thành 9 chiếc với nhiều âm thanh cung bậc khác nhau có thể dùng độc tấu các bài dân ca Thổ, có thể sử dụng trong dàn nhạc như một nhạc cụ chủ công. Niềm đam mê đã đưa đẩy ông đến những cuộc kiếm tìm gian khổ.

Ông còn nhớ, có lần nghe tin ở Thanh Hoá có bán bộ gõ chân. Đang phát nương làm rẫy, ông vội bỏ về,kêu người đến nhà, xúc lạc trong chum của vợ bán lấy tiền đi Thanh Hoá. Cũng có khi, chỉ vì muốn đi sưu tầm một câu dân ca Thổ mà ông bỏ việc đồng áng hàng tháng trời, trèo đèo, lội suối, rong ruổi khắp nơi...


"Lúc đầu tôi cũng bực mình vì ông ấy bỏ bê việc nhà, chỉ lo những chuyện xa xôi... Về sau, thấy ông ấy đam mê đành phải chiều lòng. Vả lại, việc làm của ông ấy là một việc làm có ý nghĩa cho cả một tộc người..." Bà Phượng, vợ ông thổ lộ.


Hiện ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hoá dân gian dân tộc Thổ xã Thọ Hợp. Với vai trò là một người đứng đầu, ông luôn tìm ra phương thức sinh hoạt phong phú, nội dung đa dạng, thu hút lớp trẻ tham gia. Nhà ông trở thành địa chỉ để các hội viên tìm đến. Câu lạc bộ không có kinh phí hoạt động, ông"vận động" vợ nấu nước, mua rượu, thuốc... phục vụ hội viên.


Đến nay ông đã sưu tầm, chế tác và biểu diễn điêu luyện các loại nhạc cụ như: đàn bầu, đàn tam, đàn tứ, đàn nhị, đàn măng-đô-lin, bộ gõ chân...Sưu tầm, sáng tác hàng chục tiết mục dân ca, dân vũ đặc sắc của dân tộc Thổ. Ngoài ra, ông còn sáng tác các vở kịch mang đậm tính thời sự, có tác dụng tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước...


Đến mùa lễ hội, dịp Tết, lễ mừng thọ, tiệc cưới... bất cứ cuộc vui nào ở huyện, ở xã ông cũng đều mang tiếng đàn, tiếng hát đến phục vụ bà con. Lặn lội kiếm tìm, mày mò nghiên cứu, bỏ không ít công sức, tiền của sưu tầm, chế tác "chẳng phải để mua danh tiếng, hay làm kinh tế" mà cũng không đơn giản là phục vụ niềm đam mê, thú vui cá nhân mà cao quý hơn là "lương tâm, trách nhiệm của một người con trước nét đẹp văn hoá dân tộc đang bị mai một, lãng quên".

Trước xô bồ cuộc sống, ông vẫn cần mẫn, lặng lẽ ngược mường trên, bản dưới, qua huỵên này, xã nọ để tìm lại vốn quý cha ông để bảo tồn, gìn giữ, lưu truyền...Bởi với ông: "Là dòng giống dân tộc Thổ mà không biết văn hoá Thổ thì như cây không gốc, chim không tổ, sông không nguồn."


Thanh Phúc

Mới nhất
x
Người nặng lòng với văn hoá Thổ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO