Người Nghệ mưu sinh trên đất Noọng Hét
(Baonghean.vn) - Cuộc sống mưu sinh đã đưa những người Nghệ đến với vùng đất Noọng Hét (tỉnh Xiêng Khoảng, Lào). Và mảnh đất bình yên nơi đây đã 'giữ chân' những người đến từ phía Đông dãy Trường Sơn, nhiều người xem Noọng Hét là quê hương thứ hai của họ.
Thị trấn Noọng Hét ngày nay mang dáng dấp của một đô thị hiện đại giữa vùng núi rừng biên giới |
Con đường ngắn nhất từ Nghệ An sang thị trấn Noọng Hét (Lào) là qua cửa khẩu quốc quốc tế Nậm Cắn. Những năm gần đây, cửa khẩu này trở thành nơi giao thương nhộn nhịp, kết nối tình đoàn kết thân hữu giữa người dân 2 bên biên giới.
Vượt qua dãy Trường Sơn hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh rồi những bản làng ẩn mình trong sương mờ, chúng tôi có mặt tại thị trấn Noọng Hét lúc trời đã đứng bóng. Không còn nhận ra một thị trấn lụp xụp, thấp bé ngày nào, giờ đây Noọng Hét hiển hiện với những ngôi nhà cao tầng, lối kiến trúc hiện đại mọc lên san sát. Tại đây, không khó để tìm thấy những nhà hàng, cửa hiệu, khách sạn do người Việt làm chủ. Đi trên đất nước Triệu Voi mà vẫn cảm nhận phảng phất hồn xứ Nghệ trong tiếng nói, nhịp sống nơi đây.
Tiệm sửa chữa xe máy của anh Nguyễn Chính Lợi, người huyện Nghĩa Đàn tại thị trấn Noọng Hét không lúc nào hết việc. |
Nằm ngay cạnh con đường lớn của thị trấn Noọng Hét, cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng của anh Nguyễn Văn Trung, 48 tuổi, người xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu. Cửa hàng khang trang với cơ man hàng hóa. Nào là thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, sinh hoạt đến giường tủ gỗ, thiết bị nội thất, rồi nhiều vật dụng gia đình...
Anh Trung chia sẻ: “Ở đây có nhiều người Nghệ sinh sống 20 – 30 năm rồi, họ nhập quốc tịch Lào luôn. Thời gian đầu bất đồng về ngôn ngữ mình cũng lúng túng, cũng may người Việt ở đây khá đông nên học dần dần. Và giờ thì khá thông thạo tiếng Lào”.
Những người Nghệ đang làm cho thị trấn vùng biên Noọng Hét trở nên sầm uất, nhộn nhịp |
Trong câu chuyện giữa những người xa quê, anh Trung chia sẻ rằng, chẳng ai muốn xa gia đình nhưng vì cuộc sống mưu sinh mà phải bôn ba xứ người. Để mở được một cửa hàng kinh doanh sát đường lớn ở quê mất từ 2 – 3 tỷ đồng, mình vốn ít làm sao mà đua với người ta được nên quyết định qua đây làm ăn. Của khó người khôn, việc làm ăn ở Lào bây giờ cũng khó khăn hơn trước nên để kiếm được tháng 10 triệu cũng không phải chuyện đơn giản.
Nằm bên cạnh cửa hàng của anh Trung là tiệm sửa chữa xe máy của anh Nguyễn Chính Lợi, người huyện Nghĩa Đàn. Anh Lợi qua Noọng Hét làm ăn đã 3 năm. Việc làm ăn thuận lợi nên anh kêu thêm người em sang cùng làm. Mỗi tháng một vài lần anh về quê lấy đồ phụ tùng đưa sang phục vụ nhu cầu khách hàng. Anh Lợi cho biết công việc làm ăn ở đây so với quê mình dễ dàng hơn. Tuy vậy anh Lợi cũng cho rằng cuộc sống bình yên của vùng đất này mới là nguyên do chính níu giữ anh và nhiều đồng hương khác gắn bó với Noọng Hét.
Cửa hàng tạp hóa của chị Vi Thị Hương tại thị trấn Noọng Hét. |
Tại thị trấn nhỏ Noọng Hét có khoảng 100 người Nghệ đang làm ăn sinh sống. |
Đến thời điểm này, thị trấn Noọng Hét có khoảng 100 người Nghệ An làm ăn, sinh sống. Có những người sang Lào vài ba chục năm cũng có người mới chân ướt, chân ráo tìm đến để mưu tính kế sinh nhai. Và phần lớn họ đều chọn việc kinh doanh, buôn bán để mưu sinh.
Chị Vi Thị Hương, người dân tộc Thái ở Kỳ Sơn sang Noọng Hét lấy chồng rồi nhập cư ở đây đã hơn 15 năm nay. Chị chia sẻ: “Chồng tôi người Lào, tôi quen rồi lấy anh, sau "xuất giá tòng phu" luôn. Ban đầu gặp nhiều khó khăn vì sự khác biệt về văn hóa và sự chênh lệch về mệnh giá tiền. Tuy nhiên, người Việt sinh sống ở đây nhiều, phần lớn là người Nghệ nên dần tôi cũng bắt đầu quen. Tôi quyết định mở một cửa hàng tạp hóa tại đây và giờ nó trở thành địa chỉ tin cậy mỗi khi người Việt sang đây cần sự tư vấn và giúp đỡ”.
Nữ sinh Noọng Hét trên đường đến trường |
Chị Hương cũng cho biết thêm, không phải ai khi sang đây cũng đều thuận lợi như chị, vì nhiều chị em người Nghệ khi sang đây lấy chồng Lào đều đa phần là người dân tộc thiểu số. Họ lấy chồng ở các bản xa trung tâm, không đủ điều kiện kinh tế để nhập quốc tịch (chi phí tầm 100 triệu) nên cuộc sống khá chật vật và khó khăn.
Người Nghệ làm việc thời vụ tại Noọng Hét cũng có, định cư hẳn cũng có, độ tuổi trung bình của họ từ 18 đến 50 tuổi. Đời sống của họ khá bấp bênh, lúc vui lúc buồn, lúc khó khăn, lúc thuận lợi. Mặc dù vậy, họ vẫn luôn giữ gìn được những truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, giữ mối quan hệ chặt chẽ với quê nhà Việt Nam. Có lẽ nhờ vậy, mà tình hữu nghị giữa Việt Nam và nước bạn Lào ngày càng thêm gắn chặt.
Lan Thái – Vương Vân
TIN LIÊN QUAN |
---|