Người nhạc sỹ của "Vinh - Thành phố bình minh"
(Baonghean) - Ông ra tận cửa nhà đón chúng tôi với một nụ cười tươi rói. Nắng đã bừng lên trên những khóm cây ở ban công tầng 2 sau mấy ngày mưa lụt, nơi chúng tôi theo ông lên để được ngồi trong cái không gian tĩnh lặng giữa một thành phố ồn ào, nghe ông trải lòng mình về âm nhạc, về cuộc đời và về... Vinh. Và tiếng hát, tiếng hát ông bay thoát từ lồng ngực đã chớm già nua, vẫn tha thiết cất lên niềm yêu thương quá đỗi với cuộc sống này. Ông là nhạc sỹ lê hàm, tác giả bài hát “Vinh - Thành phố bình minh”.
(Baonghean) - Ông ra tận cửa nhà đón chúng tôi với một nụ cười tươi rói. Nắng đã bừng lên trên những khóm cây ở ban công tầng 2 sau mấy ngày mưa lụt, nơi chúng tôi theo ông lên để được ngồi trong cái không gian tĩnh lặng giữa một thành phố ồn ào, nghe ông trải lòng mình về âm nhạc, về cuộc đời và về... Vinh. Và tiếng hát, tiếng hát ông bay thoát từ lồng ngực đã chớm già nua, vẫn tha thiết cất lên niềm yêu thương quá đỗi với cuộc sống này. Ông là nhạc sỹ lê hàm, tác giả bài hát “Vinh - Thành phố bình minh”.
Đam mê những giai điệu
Tiếng hát của một ông lão đã chạm ngưỡng tuổi 80, đi qua bao nhiêu thăng trầm dâu bể, vậy mà sao vẫn còn nguyên vẹn nỗi đam mê. Có phải trong lồng ngực kia, vẫn là trái tim ngày nào của cậu bé mới 7 tuổi, nơi xóm nhỏ xã Diễn Hồng (Diễn Châu) đã biết thổn thức khi nghe mẹ lẩy Kiều, đã háo hức đứng lặng hàng giờ nghe những âm thanh, giai điệu cất lên trên sân khấu quây tạm của đội văn nghệ xóm, đã biết chế tạo cho mình một chiếc sáo nhỏ từ... cuống lá đu đủ và suốt ngày không chịu rời cây sáo của mình?
Cậu bé Lê Hàm ngày ấy, đã lớn cùng những đam mê về giai điệu như vậy, cho tới khi vào Trường Thiếu sinh quân những năm 1948-1951, thì ông được học về âm nhạc một cách bài bản hơn. Người thầy đầu tiên về âm nhạc của mình mà ông suốt đời biết ơn là nhạc sỹ Phạm Sửu. Với “năng khiếu thổi sáo là nổi trội” như ông nói, ông quyết tâm theo đuổi “con đường âm nhạc”, trở thành văn công của Sư đoàn 320. Những năm 1955-1961, ông theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Ông nhớ, bài tốt nghiệp của mình là một hợp xướng 6 chương, khi nghe nó vang lên ông đã thấy trái tim mình lỗi nhịp vì dường như ông “đã thấy mình chạm vào giấc mơ thơ bé”. Sau khi ra trường, ông được cử vào giới tuyến Vĩnh Linh, làm công tác văn hóa mà cụ thể là âm nhạc phục vụ cho chiến sỹ ta ở bờ Bắc sông Bến Hải. Những ngày tháng đó đã cho ông trải nghiệm thực tế của “một cuộc chiến khác”, và ông nhận thức sâu sắc sức mạnh diệu kỳ của âm nhạc. Giữa đôi bờ chiến tuyến, giữa súng đạn và sự tàn khốc, điều khiến cho con người ta bị lay động, có đôi khi đơn giản là một giai điệu. Sau quãng thời gian ở Vĩnh Linh, đến năm 1964, Lê Hàm được điều ra làm giáo viên giảng dạy Trường Nhạc họa Trung ương, nhưng với lời mời của Trưởng đoàn Văn công Hà Tĩnh, Lê Hàm đã quyết định “về Nghệ”. Ông nói, mình nhớ nhà, nhớ quê, Hà Tĩnh về nhà mình cũng gần...
Ông đã về Hà Tĩnh những năm ác liệt nhất của chiến tranh chống Mỹ, chỉ huy dàn nhạc của Đoàn Văn công nhân dân Hà Tĩnh. Thời gian ấy và cả sau này, khi Đoàn đã chia tách vào năm 1970, ông về làm Trưởng đoàn Ca múa Hà Tĩnh, là quãng thời gian đầy gian truân mà rất đỗi hào hùng. Ông cùng Đoàn đi biểu diễn tại các trận địa pháo, những chiến trường vừa ngưng tiếng súng. Có những bài hát ngân lên đã bị cắt bởi tiếng bom rơi. Chính trong những ngày tháng ấy, đã nuôi dậy trong ông rất nhiều cảm xúc, có thể nói đó là “những cảm xúc tận cùng”. Tận cùng yêu thương, tận cùng căm giận, tận cùng kiêu hãnh, tự hào... Nào là “Chiến công Hà Tĩnh vẻ vang”, rồi “Những người chiến sỹ bến phà”, “Gái sông La”... đã ra đời trong những cảm xúc như vậy.
Năm 1968, bài hát “Gái sông La” thấm đẫm chất dân ca ví dặm của Lê Hàm vang lên trên Đài Tiếng nói Việt Nam, không chỉ bao người rơi nước mắt mà chính tác giả cũng đã... khóc. Ông khóc, vì chính những lời gan ruột của mình đang cất lên kia lại thêm một lần nữa tái hiện trong ông những hình ảnh thân thuộc mà đầy xúc động: Cả một quê hương, cả một dân tộc hướng ra chiến trường, gửi trọn niềm tin vào ngày chiến thắng. Ai cũng muốn góp sức mình đánh Mỹ. Người ra đi không tiếc đời mình đã đành, người ở lại hậu phương cũng hy sinh đến cả mảnh ván hòm của chính mình để làm đường cho xe qua. Bài hát của ông nhắc về những cô gái “lén con” đi thông đường... Cái chữ “lén” của ông, mới thương, mới quý làm sao! Hình ảnh người phụ nữ quê Nghệ mới đẹp đẽ, can trường làm sao! Để cảm phục, tự hào: “Xô Viết quê mình gái nỏ kém chi trai”.
Ông nhớ lại một ký ức buồn thương về một lần Đoàn đi biểu diễn tại Hương Phúc, Hương Khê (Hà Tĩnh). Đoàn đến, khi trường học nơi đây vừa bị bom dội. Trước mắt ông, là cả sự tan hoang, cảnh sách vở, áo quần còn lẫn trong bùn đất, hay bị quăng lên không trung đã khiến trái tim nhạc sỹ quặn đau. Ông đã viết như không thể dừng bản nhạc “Hãy trả thù cho các em” với giai điệu trào sôi căm phẫn... “Ngày ấy, những bản nhạc không được trả nhuận bút như giờ, nhưng chúng tôi đã viết, đã hát bằng tất cả tấm lòng”- ông nói. Những năm tháng đó, ông cũng say mê trong những chuyến đi điền dã và sưu tầm được rất nhiều bài dân ca xứ Nghệ, để sau này ông đứng tên chủ biên cho cuốn “Âm nhạc dân gian xứ Nghệ” được giới âm nhạc đánh giá cao.
Duyên, nợ với Vinh
Không phải đợi đến năm 1976, sau hợp tỉnh, khi Lê Hàm về làm Trưởng Đoàn ca múa Nghệ Tĩnh, thì ông mới gắn bó và yêu thương thành phố đã làm nguồn cảm hứng để ông viết nên một ca khúc “để đời”. Mà Vinh, đã có trong ký ức của cậu bé quê, những năm xưa theo gánh vải bán buôn tảo tần của mẹ bên ngách Cửa Tả thành Vinh. Cậu bé ấy đã đứng trân nhìn lính khố xanh khố đỏ bước đều trong tiếng kèn thổi, đi ra. Cậu bé ấy cũng tò mò nhìn những đầu máy phì phò, những toa xe lửa nặng nề ngay ở Ga Vinh trên đường Quang Trung bây giờ, và cậu biết cách đó không xa, anh trai của cậu đang ngồi học tại Trường Quốc học Vinh nhưng đã dám đứng lên cùng nhiều thanh niên tiến bộ khác phản đối Toàn quyền. Vinh còn là chặng đường quen thân, ông đi qua để về quê mình những tháng năm công tác tại Hà Tĩnh. Bàn chân ông đã gắn với những con đường, ngày ấy còn nhỏ hẹp và xác xơ cây dại, với những mái tranh, với ngọn đèn đường đỏ quạch, với im ắng đổ nát những năm chiến tranh. “Chỗ ta ngồi giờ đây, xưa là ruộng, là vườn cả...”- ông trầm ngâm, ánh mắt thật xa xăm, nhìn ra phía ban công đã ngập tràn nắng mới, rồi tiếp tục câu chuyện dẫn đến bài hát về “thành phố bình minh” của ông.
Kỷ niệm về một lần dự Festival âm nhạc quốc tế tại Berlin (Đức). ảnh: Trần Hải |
Năm 1979, sau khi cùng Đoàn đi tập huấn tại Hà Nội trở về, ông nhìn thấy một Vinh hoang tàn, đổ nát. Và những con người nhỏ bé, đang đứng lên trên đống đổ nát ấy để bắt tay vào núi công việc khổng lồ: dựng xây lại Thành phố thân yêu. Cảm xúc bỗng ùa về. Từ cả ấu thơ, từ cái ánh nhìn cậu bé quê, từ tiếng kèn đồng của lính khố xanh, khố đỏ, từ bao nhiêu gian khổ, chiến tranh và bão lũ, và, riêng tư hơn cả là một câu chuyện, một cảm xúc mà ông vẫn ám ảnh trong lòng... Đó là một đêm sáng trăng những năm chiến tranh ác liệt, khi ông đạp xe từ Hà Tĩnh ra Vinh, gặp một cô gái TNXP trẻ tại một cây cầu phao dọc đường. Cô ngỏ ý muốn được đi nhờ: “Anh đi về mô? Có phải về Thành Vinh quê em không?”. Ông gật đầu. Ngồi sau lưng, cô cứ ríu ra ríu rít kể chuyện quê hương rồi hỏi chuyện ông. Cho tới khi qua Bến Thủy, cô xin dừng để rẽ vào lối về nhà mình, rồi cất tiếng chào: “Chào anh, nhớ hôm sau em sẽ đón anh về Thành Vinh”. Cái kỷ niệm riêng tư với lời chào thân thương ấy đã giúp cho ông làm nên giai điệu đầu tiên của bài hát nổi tiếng của mình: “Em đón anh về Thành Vinh quê em/ Nghe gió biển ru dòng Lam êm đềm/ Người người thân quen sống vui chung tình thương/ Đây những công trường thành phố bình minh/ Câu hát ân tình người em gái quê Vinh...”.
Có người hỏi ông, Vinh còn rất nhiều gian khổ, nhiều hào hùng sao ông không “kể thêm” trong bài hát của mình. Lê Hàm nói: “Tôi đã chắt chiu câu chữ lắm. Viết về gian khổ của Vinh, tôi đã gói gọn vào đó: “Qua bao giông lửa Vinh vẫn kiên trung”. Trong đó là chiến tranh, lửa đạn, là gió Lào, là giông bão, là hạn hán... Liệu có cần phải kể ra không? Tôi muốn gửi trọn trong đó cái tình của người Vinh. Cái tình ấy sâu lắm... Rồi ông giải thích, vì sao lại là “Trăng treo trên đỉnh núi Quyết trăng trong”? Ấy là vì Vinh là đất gió Lào, cát bỏng, ông không dùng hình ảnh mặt trời mà dùng hình ảnh trăng cho dịu, cho mát lại. “May mà Vinh có núi Quyết”- ông cười và nói thêm- “tất cả mọi ước mơ sáng đẹp, trong trẻo ở đời (như trăng kia chẳng hạn) mà lại không có quyết tâm thì liệu có trong, có đẹp mãi được không, có đạt tới được không?” Còn vì sao lại là “Thành phố bình minh” ư, điều này không khó lý giải lắm nhỉ? Vinh là thành phố trẻ, thành phố đang xây dựng, bình minh ấy là khởi đầu của một chặng đường mới, hy vọng Vinh cũng sẽ lên rực rỡ như ánh bình minh...”.
Và, tình yêu với Vinh, không chỉ ở “Vinh - Thành phố bình minh”, ông còn có rất nhiều ca khúc về Vinh như “Từ Thành phố Đỏ chúng tôi lên đường”, “Thành Vinh yêu thương”... Ông còn có công sưu tầm những bài dân ca tại đất này, tiêu biểu là “Hò lơ Đồng Vịnh”. Vinh, với ông, còn là nơi mái nhà yên ấm của ông được dựng lên bằng mồ hôi, công sức của cả đại gia đình, là nơi ông gặp bạn bè văn nghệ, nơi ông được hát, nơi ông chong đèn viết nhạc mỗi đêm. Nơi ông nhận ra, Vinh dù cơ cực vẫn có nét hào hoa, con người Vinh thông minh mà đầy trìu mến. Và ông được đi trên phố để thấy Vinh đổi thay mỗi ngày...
Hơn 200 ca khúc, từ những bài hát thiếu nhi đã từng được tuyển vào sách giáo khoa môn hát nhạc, đến những tổ khúc cho dàn hợp xướng..., nhưng với ông “có được một bài neo đậu vào trong hồn người, được người ta hát lên mỗi ngày, ấy là hạnh phúc vô biên của người nhạc sỹ”. May mắn hơn thế, “Vinh- Thành phố bình minh” được xem là “Vinh ca”, được chọn làm nhạc hiệu của Đài, của nhiều chương trình văn nghệ lớn, ấy là phần thưởng quý cho một người yêu Vinh rồi. “Và như vậy, là tôi vẫn mắc nợ với Vinh đó” - Ông nói.
Lời kết
Xin được kết thúc cuộc gặp gỡ với người nhạc sỹ bằng những dòng nhật ký một đồng nghiệp làm báo đã đăng trên facebook của mình, cũng là nói hộ nỗi lòng của chúng tôi:
“Sáng nay đi làm sớm. Se se lạnh. Mình bật ra-đi-ô lên, bắt gặp chương trình đang nói về một bài hát của nhạc sỹ Lê Hàm: Vinh - Thành phố bình minh!
Bài hát hay quá! Lời bình cũng rất hay! Miên man những dựng xây, những kiến thiết sau chiến tranh đổ vỡ… Nhịp 3/4 chậm rãi thiết tha, chàng trai mời cô gái về với Thành Vinh quê mình. Về để chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của những ánh đèn hàn đêm đêm thao thức trên tầng cao; những gian khó và trưởng thành; về để thêm yêu hơn ân tình xứ Nghệ… Bình minh trên Thành phố Đỏ, hình ảnh mang tính gợi mở rất lãng mạn. Trong buổi sáng se lạnh, lái xe đi chầm chậm trên đường, nhìn thành phố sạch sẽ và dòng người tấp nập vội vã, tự dưng thấy lòng thanh thản lạ!
Sau rất nhiều cố gắng, mình đã là công dân của thành phố này. Rồi sau này, nơi đây sẽ là quê hương của các con mình… Tự hỏi, mình có yêu thành phố này không?
Mình yêu! Yêu cả những hè phố tróc lở; những con đường miên man nắng mùa hè, bầm dập gió mùa đông. Mình yêu cả những ngập ngừng, những mệt mỏi va vấp của một thời nông nổi trôi qua… Mình yêu cả những khoảng tối, lúc bố con người hành khất thon thót cơn mơ nơi hè phố; yêu cả ánh sáng phù hoa của những tòa nhà chọc trời.
Thế đấy! Cuộc sống của mình quá bận rộn và vất vả mưu sinh! Nhưng mình nhận ra, rất chân thật, mình yêu cái thành phố này và cả cái cuộc sống này! Không tin ư? Một buổi sáng nào đấy, bạn hãy dậy thật sớm, mở tung hết các cánh cửa, và bật ra-đi-ô lên, nghe lại bài hát “Vinh-Thành phố bình minh” của nhạc sỹ Lê Hàm, mình cá là trái tim chộn rộn của bạn sẽ bắt đầu thổn thức!” (Nguyễn Anh Tuấn)
Thùy Vinh