Người nhập viện tăng đột biến vì lạnh
Chuyển tuyến dưới để giảm tải
Trong những ngày rét đậm đầu năm này, số bệnh nhân trẻ em và người cao tuổi nhập viện tăng đột biến vì các bệnh hô hấp, tiêu chảy, cơ xương khớp, huyết áp, tim mạch, hen phế quản... Trong tình trạng bệnh viện quá tải, các chuyên gia và ngành y tế khuyến cáo và giải quyết vấn đề này ra sao? Ảnh: Hoàng Long "Kỷ lục” 200 bệnh nhi/40 giường bệnh Các chuyên gia y tế cảnh báo, đây chính là thời điểm bắt đầu vào mùa cúm theo quy luật hằng năm. Thời tiết lạnh giá là điều kiện rất thuận lợi cho virus đường hô hấp phát triển, trong đó có virut cúm, virut hợp bào hô hấp ... Riêng virus hợp bào hô hấp lây lan nhanh, cả người lớn và trẻ em đều có thể nhiễm virus này nhưng ở trẻ dưới 2 tuổi có khả năng biến chứng suy hô hấp cao. Khi thấy người bệnh có hiện tượng ho, khó thở, thở nhanh… hãy nghĩ ngay đến viêm phế quản phổi và đưa ngay đến BV điều trị sớm.
Chuyển tuyến dưới để giảm tải
Ghi nhận tại các BV Việt Nam- Cu Ba, Thanh Nhàn, Đống Đa, Xanh Pôn... (Hà Nội) ngày 3-1 cho thấy bệnh nhân (BN) vào viện khám và điều trị tăng không ngừng. Chủ yếu là các bệnh cảm cúm, cảm lạnh, viêm đường hô hấp.
Tại Khoa Thần kinh- Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận không dưới 30 BN trong tình trạng hôn mê, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, liệt nửa người... Viện Lão khoa Quốc gia- nơi có số BN cao tuổi đến khám và điều trị tăng 30%, phần lớn thuộc nhóm bệnh tim mạch, tăng huyết áp, xương khớp. Nhiều BN nhập viện trong tình trạng hôn mê, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, chảy máu não.
Số bệnh nhân nhập viện tăng đột biến vì các bệnh hô hấp,
tiêu chảy, cơ xương khớp, huyết áp, tim mạch, hen phế quản...
Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Lão khoa Quốc gia cho biết, có nhiều người nhập viện trong tình trạng đau đầu, ù tai, chóng mặt, buồn nôn... mà không biết đó là những biểu hiện của bệnh tăng huyết áp. Do vậy nguy cơ tai biến mạch não là rất lớn.
Để giảm tải cho BV, các bác sĩ ở đây phải khám, điều trị cho BN qua cơn nguy cấp, rồi chuyển xuống tuyến dưới điều trị tiếp.
Về vấn đề này, bác sĩ Đồng Văn Thành- khoa Khám bệnh BV Bạch Mai lưu ý, bệnh nhân tăng huyết áp cần giữ gìn trong những ngày lạnh giá bởi có nguy cơ huyết áp tăng vọt, gây tai biến mạch máu não. Điều đáng lo ngại là hiện nay, số bệnh nhân dưới 40 tuổi bị tăng huyết áp ngày càng nhiều, chiếm khoảng 10-15% tổng số khám.
TS Nguyễn Lân Việt- Viện Trưởng Viện Tim mạch quốc gia- Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hơn 10 ngày qua số bệnh nhân cao huyết áp gặp các tai biến nhập viện rất nhiều. Đặc biệt là biến chứng phình tắc động mạch chủ - một loại biến chứng nặng ở bệnh nhân cao huyết áp trước đây ít gặp - nhưng mùa rét năm nay ngày nào cũng có người vào viện và viện đang có một số bệnh nhân rất nặng do phình tắc động mạch chủ.
Theo TS Lân Việt những trường hợp huyết áp cao đột ngột là thời điểm dễ tai biến nhất. Vì vậy để tránh những tai biến đáng tiếc, với những người có tiền sử tăng huyết áp, phải bình tĩnh điều trị, không được giảm huyết áp quá nhanh. Những người bị tăng huyết áp nặng, phải cấp cứu khẩn cấp và điều trị bằng thuốc nước. Không được dừng thuốc đột ngột. Bệnh nhân tăng huyết áp cần ăn ít đạm, ít mỡ. Không tập thể dục vào buổi sáng, nhất là khi trời lạnh. Tránh mọi động tác nhanh, mạnh vào buổi sáng sớm và uống thuốc đều, đo huyết áp thường xuyên.
Không chỉ những thanh niên, người cao tuổi bị suy giảm sức khỏe vì lạnh, mà trẻ em cũng là những đối tượng phải vào viện nhiều hơn.
TS Thanh Hải- Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thông báo, hơn 1 tuần trở lại đây, mỗi ngày, Khoa Khám của Bệnh viện tiếp nhận 1.500- 2000 trường hợp, tăng hơn 30% so với ngày thường. Phần lớn là trẻ dưới 5 tháng tuổi bị viêm phế quản phổi. Nhiều cháu vào viện trong tình trạng thở khó, lồng ngực rút lõm khi thở, mặt tái vì viêm phổi nặng, suy hô hấp, phải cấp cứu, can thiệp bằng thở máy. Tại Khoa Hô hấp, có hơn 200 trẻ/ 40 giường bệnh. Riêng ngày 3-1-2012, Khoa tiếp nhận trên 40 cháu dưới 3 tuổi bị viêm phế quản phổi nặng, viêm tiểu phế quản, áp xe phổi....
Đa số các bệnh nhi đến từ Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh... Khoa Khám nhi - Bệnh viện Xanh Pôn cũng trong tình trạng tương tự. Hầu hết trẻ đến khám thường sốt cao, nôn, ho, khó thở, tiêu chảy... Một nhân viên trực phòng cấp cứu cho biết, chỉ trong buổi sáng ngày 3-1, Phòng đã cấp cứu thông đường thở cho hơn 30 cháu.
Tại Khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai, 60 giường bệnh đã có trên 90 trẻ nằm điều trị. Trẻ vào viện phần lớn có các triệu chứng ho, sốt cao, viêm họng. Nhiều trẻ có biểu hiện co giật, mê sảng... Đặc biệt số trẻ nhập viện vì tiêu chảy do Rotavirus ngày càng tăng. Trong ngày 3-1 có gần 10 trẻ đến khám, điều trị, truyền dịch bù nước và điện giải. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi cho hay, những ngày rét đậm này trẻ nhập viện tăng 30% so với ngày thường và dự báo từ nay đến Tết, bệnh dịch vẫn còn ở mức cao.
Đảm bảo phòng chống rét cho bệnh nhân tới viện
Theo dự báo, những ngày tới miền Bắc tiếp tục có những đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống rất thấp vào đêm và sáng. Do vậy, việc giữ sức khỏe của người dân là rất cần thiết, nhất là với người già và trẻ em. Trong đó, yếu tố quan trọng là đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Nhằm giảm thiểu tác hại do thời tiết gây ra, mới đây Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường phòng chống rét cho người bệnh. Theo đó, Sở y tế, Giám đốc bệnh viện các tỉnh, thành cần chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo việc phòng chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh. Nơi xếp hàng chờ khám, các buồng khám, buồng điều trị phải kín gió, đủ chăn ấm, lò sưởi, phương tiện đảm bảo cho người bệnh được giữ ấm trong thời gian khám chữa bệnh tại BV.
Các cơ sở khám chữa bệnh cần đảm bảo bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời những trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh hoặc thời tiết thay đổi bất thường gây ra như các bệnh tim mạch; tăng huyết áp; đột quỵ; viêm đường hô hấp cấp; viêm đường hô hấp cấp do các loại virut đường hô hấp gây ra do thời tiết rét đậm, rét hại và điều kiện chăm sóc, cách ly và dinh dưỡng km... Đồng thời cảnh báo người dân về các tai nạn trong quá trình sưởi ấm, như ngộ độc khí CO2 do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín, bỏng lửa, bỏng túi sưởi....
Theo daidoanket.vn