Người nhen những cuộc vui

27/01/2014 10:26

(Baonghean) - Những năm gần đây, làng ảnh Nghệ An tạo được dấu ấn đậm nét với sự tham gia tương đối đồng đều, tích cực của nhiều nghệ sĩ, nhiều sinh hoạt chuyên đề, hoạt động nghề nghiệp được khu vực và trung ương ghi nhận. Trong đó, nghệ sĩ Thanh Hải được bạn bè tếu táo gọi là người đầy “nhiệt” và rất hoạt. Ở ông hình như lúc nào cũng được nạp đầy năng lượng của sự hăng hái, nhiệt tình...

Đúng ngày ông Táo về trời, phải chật vật lắm tôi mới giữ được chân Thanh Hải ngồi lại để chuyện trò với ông. Vẫn chưa khỏe hẳn vì một đợt cảm lạnh kéo dài, nhưng Thanh Hải vẫn gượng dậy tự lái xe từ Diễn Châu vào Vinh mỗi ngày một lần để “ngó” xem việc trưng bày triển lãm mừng Đảng mừng Xuân của anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh Nghệ An tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh.

Đã thành thông lệ, từ nhiều năm nay, năm nào các nghệ sĩ nhiếp ảnh Nghệ An cũng tổ chức đều đặn các hoạt động triển lãm, trưng bày tại Hội Báo Xuân cũng như triển lãm ảnh mừng Đảng mừng Xuân nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Để định hình được những hoạt động chuyên môn mang tính thường kỳ đều đặn như trên, hoặc các hoạt động như: Giao lưu triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung Bộ, Giao lưu ảnh Nghệ thuật Nghệ An – Đà Nẵng, các đợt tổ chức đi thực tế sáng tác hoặc các triển lãm đột xuất… rất cần những người biết đứng ra lo liệu, xông xáo nhiệt tình để khâu nối, tổ chức.

Trong điều kiện kinh phí, quỹ hoạt động của Ban ảnh Hội VHNT tỉnh, Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Nghệ An, Chi hội ảnh thời sự - nghệ thuật Nghệ An rất eo hẹp nên việc tập hợp được đội ngũ, nghĩ ra được cách để thu hút, vận động các nghệ sĩ đoàn kết, tham gia các hoạt động sáng tác và triển lãm ảnh nghệ thuật, báo chí là điều không hề dễ dàng. Nhưng cùng với nhiều nhân tố tích cực khác, với tư cách là Trưởng ban ảnh nghệ thuật của Hội VHNT tỉnh, Phó Chủ nhiệm thường trực Chi hội ảnh thời sự - nghệ thuật tỉnh, Chủ tịch Hội VHNT Diễn Châu, Thanh Hải là người luôn “xả thân” và có đóng góp quan trọng trong việc gây dựng phong trào sáng tác, trưng bày, triển lãm của làng ảnh Nghệ An trong những năm gần đây.

Sinh năm Đinh Dậu (1957) ở Diễn Châu, sau khi tốt nghiệp loại ưu Học viện Chính trị quân sự năm 1984, nghệ sĩ Thanh Hải về làm chân viết tin, bài, làm ảnh cho tờ Kỹ thuật quốc phòng của Tổng cục kỹ thuật. Năm 1985, chuyển về Tổng kho 763 tại huyện Nghĩa Đàn làm cán bộ tuyên huấn và năm 1992 ra quân. Ngay từ khi ra quân, Thanh Hải đã cùng với các nghệ sĩ đàn anh như Văn Hoành, Bùi Xuân Lương, Hà Long Biên… đã nghĩ đến việc thành lập câu lạc bộ ảnh nghệ thuật tỉnh. Và Thanh Hải trở thành một trong những thành viên sáng lập ra Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh năm 1992, mặc dù theo như ông tự nhận thì lúc đó “vốn liếng” sáng tác ảnh nghệ thuật của ông là con số không. Nhờ gia nhập và sinh hoạt trong chi hội, học hỏi từ những nghệ sĩ tài năng trong chi hội, học hỏi từ thực tiễn những đợt tổ chức sáng tác, những trại sáng tác, cả những lần tham gia những khóa tập huấn, bồi dưỡng về sáng tác ảnh nghệ thuật, thẩm định ảnh nghệ thuật, lý luận phê bình ảnh nghệ thuật do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức… mà Thanh Hải dần chững chạc, là hội viên thực sự “có nghề” trong sáng tác cũng như tích cực tổ chức các hoạt động sáng tác, triển lãm, có uy tín trong việc tham gia các ban giám khảo ảnh nghệ thuật ở cấp tỉnh.

Như Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An Nguyễn Thị Phước nhận định “Thanh Hải là người chịu đi, chịu khó, anh em ới là đi, ới là chạy”, hễ có bạn bầu nghệ sĩ rủ đi sáng tác là Thanh Hải đi ngay, kể cả khi có kế hoạch cũng như khi ngẫu hứng. Ngay cả khi trong nhà đang duy trì một hiệu ảnh dịch vụ, anh cũng sẵn sàng đóng cửa lên đường. Thế nên không lạ là bầu bạn văn nghệ sĩ không chỉ trong tỉnh, mà nhiều tỉnh trong cả nước hễ đi qua về lại đều dừng Nghệ An, ghé Diễn Châu thăm và chơi với Thanh Hải. Cũng không lạ khi có lần Thanh Hải lên kế hoạch đi sáng tác ở Hà Tĩnh, mà rồi tuột dần vào Đà Nẵng, rồi vào nữa, đến TP Hồ Chí Minh, đến khi nhìn lại thì “cuộc đi” đã hòm hòm một tháng trời. Và cũng dễ hiểu khi người ta mở nhà hàng thì làm ăn tấn tới, Thanh Hải mở nhà hàng ăn uống ở bãi biển (Diễn Thành, Diễn Châu) chỉ từ 2003 thì năm 2005 đã phải “tức tốc đóng quán không thì chết”, bởi càng làm càng lỗ… Đó là cái khổ, cũng là cái sướng của người ham vui, nhiều bạn vậy. Dĩ nhiên, vì ham vui, thích tổ chức các cuộc vui, nên Thanh Hải cũng “chịu khó”, xông xáo trong việc “nghĩ ra nhiều cách” để có điều kiện gây dựng và tham gia với các cuộc vui.

Chắc cũng vì thế mà đề tài sáng tác của Thanh Hải khá phong phú, bám sát cuộc sống hôm nay. Ham đi, chịu đi, tính cách thì nhanh, hoạt, có phần xuê xoa bỗ bã, nhưng trong sáng tác Thanh Hải lại là người khá kỹ tính, khó tính. Bởi vậy tác phẩm của ông tuy không nhiều nhưng cũng đủ để lưu lại những dấu ấn trong công chúng. Không thật sự nổi bật về sự tài hoa, thăng hoa, nhưng Thanh Hải lại ưu thế trong việc lựa chọn bố cục, sắp đặt ý tưởng và kiên nhẫn trong việc chầu chực, chờ đợi thời khắc bấm máy nên mỗi tác phẩm của anh đều có vẻ đẹp của sự kỳ công, khổ công.

Để có những bức ảnh để đời như “Làng lúa”, Thanh Hải đã ấp ủ, nung nấu trong khoảng thời gian 3 năm (từ 1999 đến 2002) và liên tục trở đi trở lại với làng giáo Bảo Nham (Bảo Thành, Yên Thành) để leo trèo khắp các mỏm đá ở lèn đá tìm kiếm góc nhìn, chờ đợi thời điểm hội tụ, ngưng đọng của các yếu tố ánh sáng, màu sắc, nhịp thời gian mùa vụ, hoạt động của con người… Để rồi sau 6 mùa lúa chín, một ngày hè năm 2002, Thanh Hải mới chớp được khoảnh khắc vàng “Làng lúa” - một tác phẩm nghệ thuật ánh sáng đẫm chất thơ, họa. Vừa tái hiện khung cảnh làng quê thôn dã truyền thống bình dị thuần phác, vừa chuyển tải được cảm nhận về vẻ đẹp của nhịp điệu thời gian luân hồi biến chuyển, vừa khắc gợi niềm vui ẩn khuất kín đáo và trong trẻo trong mỗi tín hiệu đong đầy vẻ tươi tắn lúc mùa về, vừa hiện đại và “tân thời” trong việc lựa chọn các mảng màu và góc nhìn. Đó thực sự là “đứa con tinh thần” xứng đáng với Huy chương Vàng khu vực Bắc miền Trung 2002, triển lãm toàn quốc 2003.

Tác phẩm: Làng lúa. (HCV 2002)
Tác phẩm: Làng lúa. (HCV 2002)

Mẹ Việt Nam sau chiến tranh. (Giải Nhất ảnh nghệ thuật - Báo chí 2007) của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Thanh Hải.
Bà mẹ Việt Nam sau chiến tranh. (Giải Nhất ảnh nghệ thuật - Báo chí 2007) của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Thanh Hải.

Trước đó, ở bức “Với người đã khuất”, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thường bên mộ con tại nghĩa trang liệt sĩ xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) đã đi vào tác phẩm nghệ thuật của Thanh Hải bằng thứ ngôn ngữ bình thản đến lạ. Bức ảnh cận cảnh người mẹ già nua mái đầu phơ phất, bàn tay răn reo khô ráp thoa lên dòng tên trên tấm bia mộ mà như đang áp lên khuôn mặt của đứa con bao năm biền biệt không về. Mẹ ngồi trước nấm mộ mà trên đó một thẻ hương đã rút hết ruột từ bao giờ, chỉ còn lại một vỏ giấy mỏng manh mà rực đỏ. Mẹ ngồi đó, khuôn mặt và ánh mắt không còn sức lực để biểu đạt cảm xúc bởi mẹ đã như con suối khô dòng lệ trên đằng đẵng những tháng năm dài rộng đợi chờ trong triền miên trống rỗng hư hao. Ánh mắt tưởng như bình thản, vô hồn, vô vọng… nhưng hoàn toàn không phải thế. Kể cả đến khi thân tàn lực kiệt, mẹ vẫn chờ vẫn đợi, vẫn mở rộng vòng tay để tìm kiếm, ôm ấp, chở che… Thực là một chân dung thành công về người mẹ liệt sĩ, chân dung của sự chờ đợi. Bức ảnh này cũng đã đạt giải Nhất ảnh báo chí nghệ thuật Nghệ An năm 1997, cũng là năm đầu tiên Báo Nghệ An đứng ra tổ chức giải thưởng này.

Cũng cần nói thêm, cũng như xu hướng sáng tác chung những thập kỷ gần đây, ảnh của Thanh Hải vừa có tính báo chí, vừa có tính nghệ thuật. Những tác phẩm như Đón nắng, Sắc muối, Lung linh Hoàng Mai, Cửa biển Lạch Vạn,… hay những bức chụp về sức sống mới ở các làng nghề truyền thống, rồi những mô hình kinh tế, điểm sáng kinh tế ở đô thị hay ở miền núi, rồi cả những bức hình tái hiện lại những thời khắc, sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội được đông đảo nhân dân quan tâm… đều thể hiện tình yêu, sự đa cảm, gắn bó của người nghệ sĩ với cuộc sống, với quê hương, đất nước.

Thời nào cũng vậy, người nghệ sĩ luôn phải đối mặt với mưu sinh, toan tính để sống, để giữ lửa với nghề, với nghiệp, thời kinh tế thị trường bung mở như hiện nay điều đó càng trở nên gay gắt. Thanh Hải không chỉ giữ được lửa yêu nghề, mà còn truyền được tình yêu nghề cho các đồng nghiệp khác, điều đó thật đáng quý vậy!

Ngô Kiên

Mới nhất
x
Người nhen những cuộc vui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO