Người nổi tiếng thế giới với bức ảnh “Em bé napalm” ở Việt Nam

17/05/2012 19:10

Ông Nick Út (hiện là phóng viên Hãng tin quốc tế Associated Press/AP) từng trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới qua bức ảnh "Em bé Napalm”.



Bức ảnh nổi tiếng "Em bé Napalm”

Thời gian đó là tháng 6-1972, khi trực tiếp chứng kiến cảnh máy bay Mỹ không kích một ngôi làng ở Trảng Bàng (Tây Ninh), phóng viên Hãng thông tấn AP lúc đó mới 21 tuổi Nick Út đã nhanh tay chụp được bức ảnh cô bé 9 tuổi Phan Thị Kim Phúc (hiện là Đại sứ hòa bình của Liên Hợp Quốc) trần truồng với những mảng da bị cháy tuột ra bởi bom napalm, đang cùng các đứa trẻ khác gào khóc chạy tán loạn trên quốc lộ. Bức ảnh này sau đó trở thành một cơn địa chấn lịch sử, góp phần tố cáo sự thật cuộc chiến tranh phi nghĩa và tàn bạo của bom đạn Mỹ lên sinh mệnh của những thường dân vô tội Việt Nam, và mang lại cho Nick Út khá nhiều giải thưởng quý giá trong đó có giải World Press Photo và Pulitzer năm 1973. Thế nhưng khi có ai đó nhắc lại câu chuyện cũ thì Nick Út chỉ biết trầm ngâm một lúc rồi nói rằng điều ông đã làm đúng lúc đó là đã kịp thời đưa Kim Phúc đến bệnh viện chữa chạy, gấp rút cứu sống cô bé. Chính nghĩa vụ nghề nghiệp, lương tâm và trách nhiệm với đồng loại luôn là một quy chuẩn khắt khe mà dư luận yêu cầu ở người cầm máy đằng sau mỗi bức ảnh...

Ông Nick Út tâm sự: "Tôi đã từng bị thương ba lần và thoát chết không biết bao nhiêu lần. Những lúc như vậy tôi nhận thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Giữa cuộc chiến tranh ác liệt, người ta không thể biết được ngày mai ra sao. Không chỉ với riêng tôi mà còn với rất nhiều đồng nghiệp khác, để chụp mỗi bức ảnh chiến tranh là mỗi lần đối mặt với nguy hiểm. Song tôi nghĩ, phóng viên chiến trường cũng giống như một người lính thông tin. Muốn có bức ảnh đắt giá thì phải chấp nhận hiểm nguy để tác nghiệp. Có rất nhiều lần tôi đang chụp mà đạn bay vèo vèo khắp chung quanh, lúc đầu cũng nổi da gà lắm nhưng lâu rồi phải quen. Súng đạn vô tình ở chiến trường thì nào đâu biết ai với ai, nhưng lúc tác nghiệp tôi chỉ nghĩ tới bức ảnh, ý tưởng và cảm xúc của nó để quên đi những nguy hiểm bên cạnh. Tôi đã có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong vai trò làm phóng viên chiến trường tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Với kinh nghiệm có được ấy, sau này tôi đã giúp rất nhiều phóng viên trẻ của Hãng AP. Như đợt chiến tranh Mỹ và Iraq, tôi đã chỉ cho họ một số kinh nghiệm khi ra chiến trường chụp ảnh thì nên mang theo những loại máy nào và sử dụng ra sao...”.


Nick Út chụp bức ảnh nổi tiếng "Em bé Napalm”

Trong những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4-2012 vừa qua, ông Nick Út đã quay trở lại Việt Nam cùng với một nhóm học sinh thuộc trường Trung học Barbara (California, Hoa Kỳ) tìm về Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) để học ngoại khóa nghiên cứu lịch sử. Ông cho biết thêm: "Cùng đợt này, tôi đã chụp được rất nhiều bức ảnh đẹp và vừa ý lắm. Số ảnh này sẽ được triển lãm lần tới, nó nói lên vẻ đẹp và hòa bình ở Việt Nam sau chiến tranh. Suốt nhiều năm qua tôi vẫn mong ước vào một ngày gần đây tôi sẽ trở lại Việt Nam để tổ chức cuộc triển lãm "From Hell To Hollywood” (Từ Địa ngục tới Hollywood) mà bạn bè ở đất nước này của tôi đang rất mong chờ. Tôi hiện vẫn còn giữ một số bức ảnh rất quan trọng trong cuộc chiến tranh Việt Nam mà nhiều năm qua tôi chưa công bố. Nếu được cho phép, tôi có kế hoạch sẽ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, hy vọng những hình ảnh từ cuộc chiến sẽ làm nhiều người hiểu hơn về chiến tranh...

Ông Nick Út còn tiết lộ rằng vào tháng 9-2012, ông sẽ sang Ðức để nhận giải "Hall of The Fame” của Hãng máy ảnh Leica. Ðây là giải thưởng không thường xuyên được Hãng Leica đặt ra nhằm để vinh danh những nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất còn đang sống. Cũng cần biết thêm bức ảnh được giới chuyên môn đánh giá "là một trong những bức ảnh làm thay đổi lịch sử thế giới” – "Em bé napalm” của Nick Út cũng được chụp bằng loại máy ảnh Leica M2. Vào năm 2002, Viện Bảo tàng Khoa học London (London Science Museum – Anh quốc) đã mượn chiếc máy ảnh được bảo hiểm với số tiền 100.000 USD này dùng để triển lãm với vài dòng giới thiệu như sau: "Ðây là chiếc máy ảnh đã làm thay đổi cách bạn nhìn về thế giới”. Còn hiện nay, chiếc Leica M2 của Nick Út đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng Báo chí Washington D.C (Hoa Kỳ).


Theo Daidoanket-T

Mới nhất
x
Người nổi tiếng thế giới với bức ảnh “Em bé napalm” ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO