Người nước ngoài vui đón Tết Việt
(Baonghean) - Đối với nhiều người nước ngoài, được chung vui ngày Tết cổ truyền Việt Nam là một cơ hội lý thú. Những người mà chúng tôi gặp gỡ và trò chuyện sau đây cho thấy họ thực sự ấn tượng với những nét văn hóa đặc sắc và tình cảm nồng hậu, mến khách của người Nghệ.
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng các nhà đầu tư nước ngoài dịp Tết cổ truyền. Ảnh: S.M |
Khi chúng tôi đề cập đến những kỷ niệm về đón Tết cổ truyền của người Việt, cô Choe Yeongja và thầy Hwang Kyoungmin, tình nguyện viên của Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (gọi tắt là trường Việt - Hàn), đều ồ lên tươi cười rạng rỡ: “Ồ! vui lắm, chúng tôi thực sự ấn tượng khi đón Tết ở Việt Nam!”.
Câu chuyện bắt đầu từ cô Choe Yeongja - sinh năm 1956, giáo viên tiếng Hàn. Từ năm 2012, chồng cô sang làm việc tại Đại học Thái Nguyên - Việt Nam với tư cách chuyên gia của tổ chức KOICA. Cô Choe kể: “Trong những cuộc trò chuyện qua điện thoại và mỗi lần về thăm nhà, chồng tôi kể rất nhiều về sự mến khách, những tình cảm nồng hậu, ấm áp mà các bạn Việt Nam dành cho anh ấy. Chính tôi cũng từng 5 lần sang Việt Nam du lịch nên cũng cảm nhận rõ điều đó và rất háo hức muốn được sang Việt Nam làm việc. Vì vậy, cuối năm 2013, sau khi nghỉ hưu, tôi đăng ký với KOICA làm tình nguyện viên công tác ở Việt Nam...”.
Tháng 2/2014, cô Choe đón Tết Việt đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh. Cô thực sự ấn tượng với những nét văn hóa của người Việt, đặc biệt là món bánh chưng truyền thống. “Tết truyền thống Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Tết truyền thống của Hàn Quốc nên tôi thấy gần gũi, ấm áp như ở nhà”. Còn năm 2015 này, cô đón 2 người con trai từ Hàn Quốc bay sang Việt Nam để cả gia đình đón Tết tại Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Nếu thực hiện được như vậy thì quả thật chúng tôi sẽ có một cái Tết thú vị nhất từ trước đến nay...” - cô Choe háo hức chia sẻ.
Cô Choe và thầy Hwang trò chuyện với phóng viên. Ảnh: M.Q |
Còn với thầy Hwang Kyoungmin, sinh năm 1985, giáo viên Khoa Cơ khí của Trường Việt - Hàn, từng có thời gian đón Tết Giáp Ngọ 2014 tại Nghệ An chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với cách người dân Việt Nam đón năm mới. Đặc biệt là việc chơi đào, quất. Tết vừa rồi, tôi được các đồng nghiệp ở Nghệ An tặng cho một cây đào và một cây quất nhỏ... Ở đâu tôi cũng được mọi người đón tiếp nồng hậu với rất nhiều món ăn truyền thống”. Cũng như cô Choe, thầy Hwang đặc biệt ấn tượng với món bánh chưng. “Tôi được các đồng nghiệp tặng rất nhiều bánh chưng. Nhiều người lo ngại tôi ăn không hết nhưng ngày nào tôi cũng ăn món này mà không biết ngán, đến nỗi sau 2 tuần nghỉ Tết, tôi tăng lên hơn một cân rưỡi” - thầy Hwang tươi cười. Còn trong Tết Ất Mùi, thầy Hwang cho biết: “Một số tình nguyện viên Hàn Quốc ở các tỉnh khác đã liên hệ rủ tôi cùng đi du lịch, nhưng bạn bè ở Nghệ An đều mời tôi đón Tết cùng gia đình họ nên tôi quyết định ở lại Thành phố Vinh để có thêm những kỷ niệm đẹp. Tết này chắc chắn tôi sẽ tập gói bánh chưng và làm một số loại bánh truyền thống của Việt Nam để sau này về Hàn Quốc còn làm cho bạn bè thưởng thức...”.
Những năm gần đây, tại các Trung tâm Anh ngữ trên địa bàn Thành phố Vinh thường có các giáo viên nước ngoài đến giảng dạy, và thầy Dustin Gerding - người Mỹ, 29 tuổi, là một trong số đó. Sinh ra và lớn lên ở New York, sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành đối ngoại và văn hóa, Dustin chủ yếu làm việc với tư cách tình nguyện viên ở nước ngoài. Trước khi đến Việt Nam, Dustin đã làm việc ở 18 nước. Từ ngày 17/2/2014, anh đến Vinh và lịch trình công việc đến mùa hè năm 2015. Theo giáo viên người Mỹ này, ở Vinh hầu như mọi thứ đều dễ chịu, từ thời tiết cho đến con người. “Ở đây mùa Đông ấm hơn và mùa Hè mát hơn so với New York. Người dân thì rất hiếu khách. Chỉ có giao thông là hơi phức tạp một chút nhưng tôi cũng dần quen và giờ có thể tự tin đi xe máy trên đường”.
Dustin cho biết, trước khi đến Việt Nam, anh đã đọc khá nhiều sách, báo nói về ngày Tết truyền thống của người Việt Nam. “Vì đây là cái Tết đầu tiên của tôi tại Việt Nam nên tôi rất háo hức, nóng lòng chờ đón. Có lẽ sẽ rất khác với Tết của người Mỹ chúng tôi. Năm ngoái, dù đến Việt Nam sau Tết nhưng tôi cũng đã may mắn được ngắm những cây hoa đào còn sót lại và được thưởng thức món bánh chưng. Rất tuyệt! Còn năm nay, đã có rất nhiều người bạn mời tôi đến nhà ăn Tết cùng gia đình, và tôi rất khó để từ chối bất cứ ai...”- Dustin chia sẻ.
Tết cổ truyền của người Việt có ý nghĩa đặc biệt, ngày càng hấp dẫn bạn bè quốc tế. Trong đó luôn nồng ấm về sự đoàn tụ, tình đoàn kết và những nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc được phát huy trong thời kỳ mới...
Minh Quân