Người nuôi tôm lao đao vì dịch đốm trắng

19/05/2011 18:21

Hơn 1 tháng nay, người nuôi tôm ở Nghệ An đứng ngồi không yên khi hàng trăm ha diện tích nuôi tôm trên địa bàn các huyện Nghi Lộc, TP Vinh, Diễn Châu, Quỳnh Lưu phải tiêu hủy và “phơi nắng” vì dịch đốm trắng. Trong khi Chi cục Thú y và người dân đang nỗ lực dập dịch thì diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh ngày một tăng lên.

(Baonghean) - Hơn 1 tháng nay, người nuôi tôm ở Nghệ An đứng ngồi không yên khi hàng trăm ha diện tích nuôi tôm trên địa bàn các huyện Nghi Lộc, TP Vinh, Diễn Châu, Quỳnh Lưu phải tiêu hủy và “phơi nắng” vì dịch đốm trắng. Trong khi Chi cục Thú y và người dân đang nỗ lực dập dịch thì diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh ngày một tăng lên.

Nghi Lộc là huyện có diện tích nuôi tôm lớn của tỉnh Nghệ An. Năm 2010, tổng diện tích nuôi tôm của huyện có 164,5 ha, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng chiếm 150,2 ha. Mặc dù bị đợt lũ lụt tháng 10 cuốn trôi mất một số diện tích nuôi, nhưng tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng vẫn đạt 451 tấn (bình quân 4 tấn/ha). Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thu về cho toàn huyện hơn 40 tỷ đồng. Bước sang vụ nuôi tôm năm nay, 165 ha ao đầm của huyện đều được bà con triển khai nuôi tôm thẻ chân trắng là chủ yếu.

Nhưng từ cuối tháng 3/2011, bệnh dịch đốm trắng đã xuất hiện tại xã Nghi Quang, sau đó lại xuất hiện trên diện tích 6.600 m2 đầm tôm của ông Võ Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Nghi Thái làm 30 vạn con tôm bị chết. Hai ngày tiếp theo, đầm tôm của các hộ Vương Quốc Phong (6.600 m2); Trương Xuân Thọ (4.500 m2) và Nguyễn Bá Bằng (2.000 m2) cũng bị dính dịch làm 90 vạn con tôm giống phải tiêu huỷ.


Người nuôi tôm cần chủ động trong việc phòng trừ dịch bệnh, tránh việc
lây lan trên diện rộng.

Còn tại xã Hưng Hoà, TP Vinh, dịch đốm trắng đang làm gần 20 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở đây điêu đứng. Ông Đinh Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm HTX NN 2 Hưng Hòa dẫn chúng tôi ra cánh đồng nuôi tôm của xã rồi phân trần: “Cả xã có 120 ha nuôi tôm thì tôm thẻ chân trắng đã chiếm đến 94ha. Từ ngày phát hiện dịch đốm trắng xuất hiện đến nay, diện tích đầm ao nuôi tôm nhiễm bệnh cứ tăng dần lên khiến người dân nơi đây hết sức lo lắng. Trong thời tiết bất ổn như hiện nay thì để khống chế được dịch là rất khó khăn”.

Toàn xã Hưng Hòa có gần 240 hộ nuôi tôm, trong đó có khoảng 200 hộ thả tôm chân trắng. Do lợi nhuận từ nuôi tôm chân trắng cao hơn các loại tôm khác nên năm nay số lượng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng được mở rộng. Thế nhưng, sau 40 ngày thả thì bệnh đốm trắng bắt đầu xuất hiện tại đầm tôm của nhà anh Lê Văn Chung (ngày 26/4/2011). Cho đến ngày 18/5, dịch đốm trắng đã lan ra 40 đầm khiến tổng diện tích phải tiêu huỷ đã hơn 18 ha khiến hơn 100 vạn con tôm giống phải tiêu huỷ.

Sau khi phát hiện dịch đốm trắng xuất hiện tại cánh đồng nuôi tôm, HTX NN 2 Hưng Hòa đã báo cáo lên Trạm thú y Thành phố Vinh để có phương án xử lý. Trạm thú y TP Vinh đã cử cán bộ xuống tại cánh đồng để tìm hiểu thực trạng và cấp thuốc Clorine để dập dịch. Tuy nhiên, do thời tiết những ngày qua bất thường nên dịch đốm trắng có điều kiện bùng phát trên diện rộng.

Hộ chị Đinh Thị Thanh (xóm Thuận 1, xã Hưng Hòa) là hộ có diện tích tôm mắc bệnh đốm trắng nhiều nhất trong toàn xã. Nhà chị Thanh có 10 đầm tôm, thì đến 6 đầm tôm đã bị nhiễm bệnh và phải tiêu huỷ. Chị Thanh buồn bã cho biết: "Trước đó thấy tôm đang phát triển bình thường nên vợ chồng ai cũng khấp khởi mừng thầm vụ tôm năm nay được giá. Ai ngờ, sáng mai ra thăm đầm, thấy tôm chết hàng loạt mà xót hết cả ruột. Năm ni thì lỗ nặng, không biết xoay tiền đâu ra để trả lãi ngân hàng và đầu tư tiếp vụ sau đây nữa”.

Cùng tâm trạng với chị Thanh còn nhiều hộ cũng rơi vào tình trạng đứng ngồi không yên vì dịch bệnh đốm trắng như hộ anh Đinh Văn Hiệp, anh Lê Văn Thành, anh Hồ Thanh Tương … Mỗi ha tôm bị chết, người dân bị thua lỗ gần 50 chục triệu đồng. Đó là con số không nhỏ đối với người nông dân hiện nay.

Trước sự lây lan nhanh của dịch đốm trắng trên địa bàn toàn tỉnh, Chi cục Thú y khuyến cáo người dân cố gắng khống chế dịch trong ao của mình, không được xả nước, phải rắc vôi bột xung quanh ao để tránh lây nhiễm sang các ao xung quanh. Đối với diện tích ao chưa mắc bệnh, người nuôi tôm cần chủ động chăm sóc, cung cấp thức ăn đầy đủ để tăng sức đề kháng cho tôm, cải thiện môi trường nước…

Được biết, 100% số hộ nuôi tôm ở xã Hưng Hòa đều phải thế chấp bìa đỏ để vay vốn ngân hàng với lãi suất cao trong thời hạn 1 năm. Việc tôm bị dịch đốm trắng tàn phá sẽ đẩy bà con vào tình cảnh khó khăn, khả năng trả nợ ngân hàng khi đến hạn chưa biết lấy từ nguồn nào. Chị Thanh khẩn khoản: “Giá như những người nuôi tôm như chúng tôi có được sự hỗ trợ phần nào đó từ chính quyền về thiệt hại do dịch bệnh và được ngân hàng cho giãn nợ thì tốt biết bao…”.


Phạm Bằng - Thành Duy

Mới nhất

x
Người nuôi tôm lao đao vì dịch đốm trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO