Người Pỏm Om giữ rừng

07/12/2014 08:19

(Baonghean) - Sau chuyến đi vào khu rừng đầy kỳ bí và thiêng liêng Pỏm Om (Hạnh Dịch, Quế Phong), tôi trở về phố thị ồn ã quen thuộc. Có lần, tôi thử nhắm mắt lại, “lắng nghe” xem mình nhớ nhất điều gì từ khu rừng nguyên sơ rộng lớn và bản nhỏ quanh chân núi ấy? Câu trả lời là sự bình yên. Sự bình yên bất tận ở miền biên viễn, sự bình yên trong những việc làm nhân văn, giản dị của đồng bào, và cả sự bình yên trong lòng tôi những ngày ở đó...

Anh Lô Cẩm Xuyên và khu rừng thuộc bản Pỏm Om quản lý.
Anh Lô Cẩm Xuyên và khu rừng thuộc bản Pỏm Om quản lý.

Đường từ trung tâm Thị trấn Kim Sơn đến xã biên giới Hạnh Dịch độ 30 km, đã được thảm nhựa đến tận chân các bản gần UBND xã. Người dân Hạnh Dịch đa phần là đồng bào Thái, rất thân thiện. Nghe bảo, đồng bào Thái nơi đây có nguồn gốc từ tỉnh Thanh Hóa, từ nước bạn Lào và các xã trong huyện Quỳ Châu cũ di cư lên đã hơn 300 năm. Giờ thì cái gốc di cư ấy đã nhạt nhòa lắm rồi. Con em đồng bào Hạnh Dịch giờ xem đây là quê hương cố thổ, và dòng Nậm Việc chảy dọc 11 bản đã trở thành điểm nhấn thủy chung trong trí nhớ những người đi xa. Sau cái bắt tay thật chặt, đồng chí Nguyễn Hữu Kiệm - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Dịch chia sẻ: “Hôm nay vào thăm rừng Pỏm Om là tốt lắm. Dưới thị trấn tiết trời se lạnh, nhưng lên đến đây chốc nữa sẽ ấm dần thôi. Với cả, Bí thư Chi bộ bản Pỏm Om cũng đang ở trụ sở ủy ban để xin con dấu đóng vào hương ước giữ rừng của bản. Đợi một lát, cùng đồng chí bí thư chi bộ về bản luôn!”

Nói đoạn, đồng chí Kiệm châm ấm trà mạn, khuyên tôi ấp tay vào cạnh chén cho đỡ lạnh và chia sẻ: Toàn xã rộng hơn 18.000 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm gần 90% do nhiều chủ thể quản lý, bao gồm: 10.533,7 ha quy hoạch cho Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt; khoảng 1.400 ha quy hoạch cho Tổng đội TNXP7 - xây dựng kinh tế (nay là Nông trường Cao su Quế Phong) - dự kiến quy hoạch 6.000 ha, nhưng thực tế không còn quỹ đất; Ban Quản lý rừng phòng hộ Quế Phong đang quản lý gần 6.000 ha, còn lại là đất do chính quyền xã Hạnh Dịch quản lý, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 288,11 ha, nhất là diện tích đất trồng lúa nước chỉ có 149,32 ha. Quỹ đất canh tác hạn hẹp, khiến việc đảm bảo lương thực trong dân gặp nhiều khó khăn. Thế nên, người dân Hạnh Dịch bao năm nay xem cánh rừng là không gian sinh tồn không thể thiếu. Đào măng, lấy củi, hái lá thuốc, bắt con dúi, con mang... cải thiện bữa ăn gia đình đều từ rừng mà ra. “Nâng cao nhận thức bảo vệ rừng là việc làm có tính chiến lược và may thay, dẫu cuộc sống còn khó khăn, nhưng bà con Hạnh Dịch rất có ý thức trong công tác này.” - đồng chí Nguyễn Hữu Kiệm bộc bạch.

Vừa lúc anh Lô Cẩm Xuyên - Bí thư Chi bộ bản Pỏm Om đã xong việc. Tôi chào đồng chí Kiệm, xin ghé xe anh Xuyên về bản. Anh Xuyên sinh năm 1973, rổn rảng kể chuyện bản, chuyện rừng với niềm tự hào không giấu diếm. “Rừng Pỏm Om được bà con bảo vệ nghiêm ngặt lắm. Giờ, các khe suối trong rừng như khe Huồi Mốc, khe Mịt... chảy từ trên đỉnh núi cao kia là nguồn nước sinh hoạt của Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, UBND xã, các trường mầm non, tiểu học và một số bản trung tâm đấy. Nước quanh năm không khô hạn, vì tán rừng dày nên giữ được nước” - anh Lô Cẩm Xuyên hay chuyện.

Thoáng chốc, cánh rừng Pỏm Om đã hiện ra trước mắt. Xe máy phải gửi lại dưới cột nhà sàn dân bản, tôi cùng Bí thư Chi bộ thoăn thoắt cuốc bộ lên đồi cao để đến cửa rừng. Nhìn gần vậy, nhưng thực còn xa, leo bở hơi tai vẫn không theo kịp bước quen của người ở núi. Anh Xuyên chốc chốc quay lại động viên, và luôn miệng kể chuyện như cách để tiếp thêm hứng thú dấn bước cho người đồng hành. Nào là, bản ta có 72 hộ, sống chủ yếu quanh quả đồi này. Chưa kể đến thời điểm năm 2012, khi UBND huyện Quế Phong có Quyết định giao 426,50 ha đất lâm nghiệp cho cộng đồng bản Pỏm Om quản lý, hàng trăm năm nay, người Pỏm Om truyền miệng nhau về những bí ẩn của rừng thiêng Pỏm Om, đề ra luật tục không được hạ cây, đốn rừng, bởi mọi ngọn núi, hang động, khe suối, gốc cây... đều có thần rừng trấn giữ. Muốn đi lấy cây măng, hái lá thuốc trong rừng, bà con phải mang theo miếng trầu đặt dưới gốc cây rồi nói to lời cầu xin sản vật rừng già. Bà con không quên luật tục đâu, nhưng những năm đầu thập kỷ 90, cuộc sống khó khăn quá khiến một số người làm liều, dấn quá lên đất rừng làm nương, rẫy. “Giờ thì tuyệt đối không còn tình trạng đó nữa. Bà con đồng tình lập nên hương ước giữ rừng mới mà tôi vừa lên xã xin đóng dấu vào. Trong đó có quy định, làm nương phải cách 150 - 200m tính từ chân khe suối và cách xa các cửa rừng, tuyệt đối không xâm hại đến cây trong rừng thiêng và ảnh hưởng đến nguồn nước trong lành” - anh Lô Cẩm Xuyên chia sẻ.

Anh Lô Cẩm Xuyên và dân bản Pỏm Om làm cỏ trong vườn ươm cây giống.
Anh Lô Cẩm Xuyên và dân bản Pỏm Om làm cỏ trong vườn ươm cây giống.

Mải chuyện, mệt nhọc nhanh qua hơn, và cửa rừng đã mở ra trong tầm mắt. Anh Xuyên chỉ tay vào nhóm người phía xa xa đang cặm cụi gùi những bế nặng trĩu vào một lán trại rộng: “Đó là người của bản ta cả, đang luân phiên nhau ươm bầu cây xoan rừng, cây mớ, cây dẻ... để trồng dặm vào những khoảng rừng trống. Bầu cây cũng do bà con tự nguyện góp lại, cả vườn ươm này nữa, mỗi nhà góp 5 cây nứa rồi chung sức dựng lên. Bà con họp bàn, phải phấn đấu trồng dặm vào rừng khoảng 21 vạn cây non mới đủ phủ xanh, nên vườn ươm phải làm thật vững để được lâu dài”. Tôi nhìn lên ngút ngát rừng Pỏm Om, nghe đâu đến 426,50 ha, tha thiết nghĩ về tình đất, tình người miền biên cương xa thẳm. Đâu đó, người ta cứ chặt, cứ phá, còn ở đây, nhân dân Pỏm Om vẫn cứ cặm cụi trồng, lặng lẽ trồng, như muốn nhân lên những mầm sống tốt đẹp trong cuộc đời này...

Anh Lô Cẩm Xuyên lật giở cuốn hương ước giữ rừng còn ấm hơi mực in, chỉ cho tôi phân bố của rừng Pỏm Om, cũng như cách thức khai thác, bảo vệ và trồng mới rất khoa học của bà con. Theo đó, rừng được chia là 4 vùng: vùng rừng thiêng Pú Kè - Mè Khuống; vùng bảo vệ, sử dụng và khoanh nuôi tái sinh; vùng sản xuất nông - lâm - nghiệp và vùng chăn thả gia súc. Trong đó, vùng rừng thiêng Pú Kè - Mè Khuống được phân định rõ ràng vùng thờ cúng, vùng nghĩa địa và vùng bảo tồn, phát triển cây thuốc Nam, tuyệt đối không được tự ý xâm phạm bừa bãi. Còn vùng rừng bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, bà con được phép sử dụng cây theo quy định. Những gia đình trẻ tách ra ở riêng, nếu có nhu cầu đốn gỗ làm nhà, phải viết đơn trình lên Ban Quản lý rừng của bản, và chỉ được phép chặt tối đa 12 khối gỗ. Số cây bị đốn xuống làm nhà, thì gia đình đó có trách nhiệm phải trồng cây non thế. “Ban đầu, một số bà con cũng có ý kiến với quy định chặt chẽ này, nhưng rồi được giải thích, họ hiểu thông suốt và làm theo. Hàng năm, bản đều họp tổng kết công tác giữ rừng, và tuyên dương, khen thưởng những hộ tiêu biểu làm tốt công tác này. Nhân dân phấn khởi lắm, thấy công sức mình bỏ ra có ý nghĩa, được cộng đồng hưởng ứng”. - Bí thư Chi bộ Lô Cẩm Xuyên tâm sự.

Giờ đây, ngút ngát xanh rừng Pỏm Om ôm lấy dải sông Nậm Việc như một bức tranh phong cảnh hữu tình. Dưới chân rừng, bà con sinh sống hiền hòa, bình dị với ruộng đồng, chăn nuôi. Bản Pỏm Om là bản văn hóa đầu tiên của xã Hạnh Dịch, và cũng là bản có thành tích giáo dục rất cao, khi tỷ lệ con em đến trường trong độ tuổi đạt 100%, nhiều em học lên cấp 3 và cao đẳng, đại học. Cuộc sống ở Pỏm Om cạnh rừng già, bình yên như một thiên đường nguyên sinh có thật, khiến người khách lạ như tôi cảm thấy lòng lắng lại những nhịp lao xao, trước khi nuối tiếc lên đường rời núi...

Phương Chi

Người Pỏm Om giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO