Người "say" làm giàu trên đất quê

04/10/2014 15:53

(Baonghean) - Nói tới ông Nguyễn Như Phúc (61 tuổi) ở xóm Vĩnh Thành, xã Đồng Văn (Tân Kỳ) thì người làng, người xã ai cũng biết. Ông Chủ tịch Hội Nông dân xã này là người đầu tiên mạnh dạn xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp (lợn rừng, bò, ba ba) có thu nhập cao ở địa phương...

Theo con đường núi gập ghềnh, chúng tôi tìm đến mô hình chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Như Phúc khi ông đang cho ba ba ăn. Không nề việc khách lạ mới gặp, ông hào hứng: “Ở vùng núi xã Đồng Văn lâu nay người ta chỉ chăn nuôi gia súc, gia cầm, khi tôi đào ao nuôi ba ba trên núi người ta cứ bảo làm “chuyện ngược đời”. Ấy là từ xem ti vi thấy nhiều mô hình nuôi ba ba đạt hiệu quả kinh tế cao, năm 2009 tôi cũng đầu tư vốn liếng đào ao, kè thành 6 bể; rồi vay mượn thêm tiền vào Hà Tĩnh mua 600 con ba ba giống về thả. Vụ đầu tiên do chưa có kinh nghiệm chỉ được hơn 3 tháng ba ba bị chết gần hết”...

Ông Nguyễn Như Phúc chăm sóc đàn lợn rừng.
Ông Nguyễn Như Phúc chăm sóc đàn lợn rừng.

Đợt ấy, thấy công sức của ông như đổ “xuống sông xuống bể”, nhiều người khuyên ông nên từ bỏ “mộng” ba ba, nhưng ông Phúc cứ quyết tâm theo đuổi. Ông lặn lội đi các mô hình ở Hà Tĩnh, huyện Yên Thành… để học hỏi, cuối cùng đã thành công. Cứ mỗi năm ông xuất bán được khoảng trên 400 kg ba ba, với giá 300.000 đồng/kg đã có tổng thu về 120 triệu đồng. Đầu năm 2011, ông mở rộng quy mô nuôi ba ba giống. Ban đầu ông cho ấp trứng ba ba trong nhà nhưng không đạt hiệu quả. Mày mò nghiên cứu ông đã cho ba ba ấp trứng hoàn toàn ở môi trường tự nhiên và đạt hiệu quả cao. Ông cho biết: Ao nuôi ba ba bố mẹ đạt nước sâu: 1,2 - 1,5m, đáy là cát mịn sạch dày 15 - 20cm hoặc đất thịt pha cát. Nguồn nước dồi dào, cấp thoát nước thuận tiện, nước không bị nhiễm bẩn. Gần bờ ao làm bãi đẻ rộng 2-5m, được rải cát độ dốc 25 độ để ba ba đào hố đẻ trứng. Với trên 100 con ba ba đẻ trứng, bình quân đạt 40 con/ngày, bán với giá 10.000 đồng/con cũng thu về trên 400.000 đồng/ngày. Tính cả ba ba thương phẩm và ba ba đẻ, mỗi năm ông Phúc thu về gần 200 triệu đồng. Thức ăn cho ba ba cũng khá dễ, chủ yếu là nguồn thức ăn sẵn có như tôm, tép, giun, ếch nhái, ốc đồng, ốc sên, cá nhỏ,…

Chưa dừng lại ở đó, trong năm 2010 ông Phúc mạnh tay xây dựng cơ sở hạ tầng rộng 5000 m2, xây tường bao và rào thép B40 nuôi lợn rừng. Ông lên các vùng rừng núi ở Con Cuông, Tương Dương “tầm” được 7 con lợn mẹ và 1 con lợn đực để lấy tinh giống. Nhận thấy cách nuôi lợn rừng đơn giản, vốn đầu tư không cao, công sức chăm sóc ít nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, năm 2012 ông Phúc đã đầu tư lên đến hơn 10 con lợn mẹ, bình quân lợn đẻ năm 2 lứa/12 con, mỗi năm ông xuất bán trên 100 con lợn rừng, đạt 18-20 kg/con là bán với giá 180.000 đồng/kg (tương đương khoảng 3 triệu đồng/con); tổng thu từ lợn rừng đạt trên 300 triệu đồng/năm. Theo ông Phúc, lợn rừng lại là loài dễ nuôi, việc chăm sóc không khó, ít dịch bệnh. Nguồn thức ăn cho lợn rừng có thể tận dụng cám từ máy xay xát lúa, chuối, bèo tây và cỏ sữa 2 sào trong vườn nhà. Thị trường tiêu thụ lợn rừng rất thuận lợi, chủ yếu các nhà hàng, khách sạn ở TP. Vinh và các huyện lân cận lên đặt hàng và không kịp để cung ứng.

Có nguồn thu từ ba ba và chăn nuôi lợn rừng, tận dụng vùng trang trại Khe Chiềng rộng hơn 1 ha đất lâu nay không phát huy hiệu quả, năm 2012 ông Nguyễn Như Phúc lại tiếp tục đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Hiện tại ông có 1 con bò đực và 7 bò mẹ, từ đầu năm 2014 lại nay xuất bán được 4 bò con, mỗi con 15 triệu đồng. Mô hình nuôi bò sinh sản của ông Phúc có nhiều ưu điểm là vừa tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cỏ, lá tại rừng…

Làm ăn được, ông Nguyễn Như Phúc cung ứng giống, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi ba ba, lợn rừng với những hộ chăn nuôi khác, để đến thời điểm này toàn xã Đồng Văn có 6 mô hình nuôi lợn rừng, 3 mô hình nuôi ba ba. Đặc biệt mô hình trang trại cho hộ gia đình anh Như Hòa với quy mô 1.000 con gà, 4 con bò sinh sản, 30 con lợn rừng…

Dám nghĩ, dám làm và làm được, ông Nguyễn Như Phúc trở thành điển hình làm ăn giỏi của xã Đồng Văn. Và sự nhiệt tình chia sẻ cách làm ăn của ông càng khiến người dân nơi đây tin mến, khâm phục.

Bài, ảnh: Văn Trường

Mới nhất
x
Người "say" làm giàu trên đất quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO