Người sưu tập kỷ vật của làng
(Baonghean) - Năm nào về quê dịp Tết, tôi cũng đều ghé thăm gia đình anh và chiêm ngưỡng bộ sưu tập về những món đồ cổ của làng mà anh đã cất công sưu tầm bấy lâu nay. Anh là Hồ Xuân Lương (ở xóm 2, xã Quỳnh Yên - huyện Quỳnh Lưu).
Ngay khi vừa bước chân vào cổng nhà, tôi khá ngạc nhiên khi trông thấy chiếc trục cùng những chiếc cối được làm bằng đá, là những dụng cụ của nhà nông ngày trước. Cứ tưởng những đồ vật đó không còn nữa, ấy vậy mà giờ đây nó lại hiện lên trước mắt tôi rõ mồn một. Và nó cũng khơi dậy lại trong tôi ký ức về những ngày mùa với những dụng cụ thô sơ như vậy. Trước sự chăm chú của tôi, anh Lương liền cười tươi: “Mấy món đồ ấy mình mới “mò” được trong năm nay đấy. Năm nay mình còn có thêm bộ Thư tịch cổ với hàng chục cuốn. Chỉ tiếc là không biết chữ Hán nên cũng chưa biết nội dung trong đó có gì”.
Anh Hồ Xuân Lương
Anh vẫn vậy! Vẫn là nụ cười cùng ánh mắt rạng rỡ mỗi khi nói về bộ sưu tập của mình. Như thể đó là một vui thú mà không phải ai cũng có được dù để có được niềm vui đó, anh cũng phải cân nhắc, sắp xếp để không làm ảnh hưởng tới công việc của một Trưởng ban Văn hóa xã mà anh đang đảm nhiệm.
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, nhìn đâu cũng thấy những hiện vật từ thời xưa. Cạnh cửa ra vào là tráp đựng sắc phong của triều Nguyễn dành tặng những người phụ nữ “tiết hạnh danh văn”, những người phụ nữ thủ tiết thờ chồng, dành lại tiếng thơm cho hậu thế. Hiện vật này anh Lương được ông Hồ Sỹ Hòa, người ở xóm 3 mang tặng. Trong chiếc tủ chè là chiếc thoi và 4 chuông vải của những năm 30 thế kỷ XX, được bà Trần Thị Lan dệt từ hồi còn đi ở. Sau khi bà Lan mất, anh Lương đã thuyết phục con trai bà để được giữ hiện vật quý này. Chuông vải rất bền, được dệt bằng thủ công, nhuộm bằng nếp, củ nâu, bùn… tạo ra hai mặt khác nhau: một màu hơi đen đậm, một màu hơi vàng. Hiện nay rất ít nơi, kể cả những nơi có truyền thống dệt vải, còn giữ được chuông vải.
Ngoài hai món đồ quý trên, anh Lương còn giữ được cuốn Trích lục có cả chữ ký và con dấu của Công sứ Pháp dùng để quản lý đất đai ở làng thời Pháp thuộc. Cuốn sổ có ba loại chữ: chữ Nho, Quốc ngữ và Pháp ngữ. Còn rất nhiều hiện vật phản ánh cuộc sống, văn hóa và xã hội của làng trước kia nhưng vì không có không gian nên anh phải cất kín trong tủ. Nhà chật, mong muốn của anh là có một nơi để có thể trưng bày những hiện vật mà mình đã sưu tầm được nhưng điều đó quá sức tưởng tượng. Một mặt do nguyên nhân về kinh tế. Mặt khác, anh cho rằng, những hiện vật mà mình có được “chưa thấm vào đâu” so với nhiều người. Hơn nữa, ở một làng quê vẫn còn phải bươn chải với cây lúa củ khoai, anh sợ nhiều người không thông cảm, lại cho rằng mình “ngông”.
Trước đây, bố anh Lương nguyên là một cán bộ văn hóa xã, cũng đam mê với thú sưu tầm đồ cổ. Từ nhỏ, sống trong môi trường ấy anh ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, anh chỉ bắt đầu sưu tầm từ cuối những năm 90 và xem đây như là một thú vui, không phải là một người sưu tập chuyên nghiệp nên tất cả những cổ vật hiện có không đi theo một chủ đề nào, đơn giản “cứ cái gì cổ là thích sưu tầm!”. Mười năm trở lại đây, ý thức về công việc này trong anh mới được thể hiện rõ ràng.
Bên chén trà bảng lảng khói, anh Lương chia sẻ: “Quá khứ đã lùi xa, lớp trẻ bây giờ cũng phải lo chuyện miếng cơm manh áo, lo sự nghiệp cho mình nên đôi khi cũng không có thời gian để nhìn lại quá khứ. Điều này chúng ta nên thông cảm với họ. Nhưng, cây có cội, nước có nguồn, rồi một lúc nào đó họ sẽ tìm về với nguồn gốc của mình. Muốn vậy, phải có người đứng ra tìm hiểu, gìn giữ những hiện vật còn sót lại. Ngoài việc sưu tầm để phục vụ sở thích, tôi cũng muốn thông qua những hiện vật mà mình có được, hy vọng thế hệ cháu con sau này có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống của cha ông mình ngày trước”.
Tháng 5 năm 1997, anh Hồ Xuân Lương rời quân ngũ sau hơn 10 năm tham gia nhiệm vụ trong Binh chủng Tăng thiết giáp tại Xuân Mai, Sơn Tây, Hà Tây (nay là Hà Nội). Trở về nhà, anh gắn bó với công việc ở ban văn hóa xã cho đến tận bây giờ. Mấy năm nay, ở Quỳnh Yên có thêm nhiều hoạt động như khôi phục chùa Lam Sơn, xây dựng nhà văn hóa, trường cấp một… nên lúc nào anh cũng chạy đôn chạy đáo để chuẩn bị cho các hoạt động diễn ra một cách suôn sẻ. Mọi việc trong nhà đều do một mình vợ anh - giáo viên một trường cấp 2 cáng đáng.
Để có được những hiện vật độc đáo như vậy, trong những lần đi công tác cơ sở, anh Lương đều tranh thủ để mắt sưu tầm của mình. Hễ có cổ vật “lọt” vào tầm mắt anh đều thuyết phục gia chủ để mình được gìn giữ. Anh kể: “Thực ra không phải lúc nào xin cũng được đâu. Vì những món đồ đó thường rất quý đối với gia đình người ta, tự dưng bây giờ có người muốn xin lại. Không những không cho mà có người còn nhìn tôi đầy lạ lẫm, cứ như tôi không bình thường vậy! Tuy nhiên, thuyết phục một lần không được thì tôi thuyết phục hai lần, thậm chí ba lần cho đến khi gia chủ đồng ý thì thôi”.
Hay mỗi lần được ai đó mách nước, anh Lương cũng sẵn sàng xắn quần lội xuống ao để tìm kiếm cổ vật bất kể trời lạnh giá. Cũng có khi gặp trường hợp cổ vật hiếm, buộc phải trao đổi bằng tiền, anh bỏ tiền ra mua dù lương và phụ cấp của anh cũng không nhiều nhặn gì. Chính vì điều này mà nhiều lần anh bị vợ phàn nàn nhưng rồi vì niềm đam mê, mọi chuyện với anh đâu lại hoàn đấy. Anh cười, lý giải: “Tôi đam mê rồi! Có cảm giác hồn vía của mình đã kí thác trong đó, không làm sao dứt ra được”.
Cuộc sống đang trôi chảy từng ngày. Quá trình nông thôn hóa cũng đang diễn ra ngày một nhanh hơn. Hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” gần như được thay thế bằng những chiếc máy cày tân tiến, hiện đại hơn. Khi đó, cần lắm những người như anh Hồ Xuân Lương để trang sử của những ngôi làng sẽ được tiếp nối giữa các thế hệ với nhau.
Huy Sơn