Người thấy trước Việt Nam độc lập năm 1945
Đầu tháng 8/1945, được tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, khắp nơi trong nước ta sục sôi khí thế cách mạng, khẩn trương từng giờ từng phút chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa… Dưới sự chỉ đạo sáng suốt, cương quyết và khôn khéo của Đảng mà đứng đầu là Bác Hồ, đến thời điểm ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã kết thúc toàn thắng.
(Baonghean) - Đầu tháng 8/1945, được tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, khắp nơi trong nước ta sục sôi khí thế cách mạng, khẩn trương từng giờ từng phút chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa… Dưới sự chỉ đạo sáng suốt, cương quyết và khôn khéo của Đảng mà đứng đầu là Bác Hồ, đến thời điểm ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã kết thúc toàn thắng.
Cùng với Hà Nội, nhân dân các địa phương lần lượt nổi dậy giành chính quyền thắng lợi; ở Nghệ An là ngày 21/8, cùng ngày với các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Nam Định, Ninh Thuận, Tân An.
Chỉ trong 2 tuần lễ, kể từ ngày 14/8 đến 24/8 năm 1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta chính quyền cả nước đã thực sự thuộc về tay nhân dân, chế độ thuộc địa và quân chủ bị xóa bỏ, mở ra kỷ nguyên mới cho Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhờ đó có sức cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa trên thế giới.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Thực ra, sự kiện Cách mạng Tháng Tám 1945 đã được Bác Hồ dự báo một cách chính xác từ năm 1942. Năm đó, Bác soạn cuốn Lịch sử nước ta (có nơi gọi là Việt Nam lịch sử diễn ca), địa điểm soạn thảo là vùng rừng núi Cao Bằng. Nội dung tập bản thảo gồm 210 câu lục bát, kèm một bảng ghi những năm quan trọng, lấy mốc lịch sử từ năm 2979 tr.CN cho đến năm 1942, năm tác phẩm ra đời. Cuốn sách do Việt Nam tuyên truyền bộ xuất bản tháng 2/1942. Mục đích tác giả hướng tới là giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân, phát huy lòng tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc, động viên toàn dân đoàn kết và tham gia Mặt trận Việt minh làm cách mạng, giành độc lập cho tổ quốc:
Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Đọc Lịch sử nước ta, nhiều nhà sử học đánh giá rất cao về phương diện học thuật, vì đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, lịch sử một quốc gia được nhìn nhận, đánh giá, phổ cập theo quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lê nin… Điều đáng chú ý ở đây là phần cuối sách, ở dòng cuối mục “Những năm quan trọng”, tác giả viết rành rọt: Việt Nam Độc lập – 1945.
Ở nước ta và thế giới, đã có không ít những nhân vật có tài dự báo, tiên đoán trước các sự kiện biến cố lớn nhỏ khác nhau. Khả năng này là vô cùng cần thiết, đối với mọi dân tộc và thời đại, nhất là khi vận mệnh của một dân tộc đang đứng trước nhiều thách thức lớn, những thời điểm cao trào của lịch sử… Riêng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất nhiều người trong và ngoài nước thừa nhận: Bác luôn có khả năng xét đoán nhanh nhạy và sâu rộng, nhìn thấy trước những sự kiện, sự việc xảy ra trong tương lai, nhờ đó mà chuẩn bị trước những điều kiện có thể để dành thắng lợi. Điều này đã được minh chứng một cách sáng rõ, có hệ thống, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác gắn với lịch sử cách mạng Việt Nam. Việc dự báo cách mạng Việt Nam sẽ thành công vào đúng năm 1945, của Bác, chỉ là một trong nhiều dẫn chứng thuyết phục.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1897-1947), sau Cách mạng Tháng Tám nhận lời mời của Bác Hồ, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, rồi quyền Chủ tịch nước thời gian Bác sang Pháp công tác. Năm 1947, cụ Huỳnh đi vào Quảng Ngãi trên cương vị đại diện Chính phủ. Tiếp xúc với người dân miền Trung và Nam bộ muốn hỏi thêm về Bác Hồ, cụ có lần nói: “Về bằng cấp thì ông Hồ không tiến sĩ, phó bảng gì cả. Nhưng nói về tri thức và sự nghiệp cách mạng thì chắc chắn lớp chúng ta cũng như lớp trước chúng ta, không ai bì kịp. Sự hiểu biết của ông Hồ rất xa, rất rộng, chẳng những việc trong nước mà cả việc thế giới nữa kia. Nước này tương lai sẽ về đâu, nước kia rồi đây sẽ thay đổi như thế nào? Ông nói ràng rọt, mạch lạc, nghe không chán…”. Những lời ngợi ca chân thành, vô cùng mộc mạc và tin tưởng của cụ Huỳnh Thúc Kháng dành cho Bác Hồ, phần nào đã lý giải cho tài tiên đoán của Người. Không phải nhờ vào bằng cấp, cái chính là tri thức và sự nghiệp cách mạng, được trải qua thực tiễn nhiều đắng cay, là sự hiểu biết đến độ minh triết, không chỉ việc trong nước mà còn liên quan tới nhiều nước, tới con người, tới nhân loại nói chung…
Đã và sẽ có nhiều công trình nghiên cứu một cách đầy đủ và thuyết phục về thiên tài dự báo của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thực tế và thời gian xưa nay vẫn là những “ông thầy” khách quan và khe khắt nhất để thử thách mọi chân lý. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hoàn toàn đúng, trong một lần ông khẳng định: Thực tế cùng với thời gian sẽ là nhà kiểm nghiệm nghiêm khắc. Những điều tiên tri đó, luôn thuộc về các Thiên tài!
Kim Hùng