Người thợ ảnh và kỷ niệm bắt giặc lái

13/08/2013 10:36

Qua sự giới thiệu của bác Đặng Sỹ Ngọc - người thương binh nổi tiếng với tập nhật ký “Trời xanh không biên giới”, chúng tôi tìm về phố Quang Trung (Thành phố Vinh) để tìm gặp người cựu binh già, từng là một trong những thợ ảnh đầu tiên ở Vinh và nghe ông kể về kỷ niệm bắt giặc lái Mỹ...

(Baonghean) - Qua sự giới thiệu của bác Đặng Sỹ Ngọc - người thương binh nổi tiếng với tập nhật ký “Trời xanh không biên giới”, chúng tôi tìm về phố Quang Trung (Thành phố Vinh) để tìm gặp người cựu binh già, từng là một trong những thợ ảnh đầu tiên ở Vinh và nghe ông kể về kỷ niệm bắt giặc lái Mỹ...

Ký ức hào hùng

Dáng người dong dỏng cao, tóc hoa râm điểm bạc cùng chiếc kính đen khiến bác Phạm Minh Đức trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 70 của mình. Là con trai của nghệ sĩ Phạm Chấn, bí danh Chấn Quốc Kỳ, một trong những nghệ sĩ ảo thuật đầu tiên của Đoàn xiếc Trung ương, Phạm Minh Đức sinh ra trong một gia đình khá giả bởi tiền lương và chế độ của bố làm việc ở Hà Nội vào thời điểm đó gửi về đủ nuôi cả nhà. Năm lên 15 tuổi, Phạm Minh Đức nghỉ học, vốn có máu nghệ sĩ từ bố nên Đức xin đi học nghề ảnh ở hiệu Văn Hóa – hiệu ảnh đầu tiên và duy nhất của Vinh thời bấy giờ. Là người nhanh nhẹn, hoạt bát, ưa tìm hiểu nên chẳng mấy chốc, Đức thành thạo nghề ảnh, hàng ngày, chàng trai mới lớn được giao nhiệm vụ đứng chụp ảnh cho khách, chỉnh sửa ảnh. Với tiền công được trả khi đó, Đức thoải mái ăn chơi, mua sắm và được đám bạn đương thời phong là “tay chơi thành Vinh” hay là “Đức nháy”.

Ngày 5/8/1964, khi đang làm ảnh thì Đức và các chiến sĩ dân quân khu phố 1 nhận được lệnh đi chữa cháy ở kho xăng Bến Thủy vì máy bay Mỹ ném bom. Sau bữa đi dập lửa đó, chứng kiến nhiều thanh niên cùng khu phố viết tâm thư đi bộ đội, chàng thanh niên tuổi 20 cũng quyết định bỏ nghề ảnh, xin nhập ngũ. Được phân về Trung đoàn 271, vừa huấn luyện vừa tổ chức đúc lô cốt ở vùng biển Cửa Lò. Kết thúc khóa huấn luyện, Đức được phân về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung đoàn, có nhiệm vụ chụp ảnh chứng minh thư cho các chiến sĩ. Khi chiến tranh ngày càng ác liệt, giặc Mỹ tăng cường ném bom, Đức không muốn chỉ quanh quẩn làm anh phó nháy mà xung phong ra chiến trường, trở thành anh lính cao xạ của Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 214, Sư 324, có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, sẵn sàng hợp đồng tác chiến, bắn trả các đợt ném bom của giặc. Ở đơn vị mới, Phạm Minh Đức được giao nhiệm vụ quan trắc, trinh sát đo xa, nếu phát hiện có bất thường trên bầu trời, lập tức phải tham mưu cho cấp trên ra các quyết định khẩn cấp.

Sau khi góp phần bảo vệ vùng trời quê hương, cùng đồng đội bắn rơi nhiều máy bay Mỹ và đảm bảo an toàn cho các cụm công nghiệp như phà Bến Thủy, kho xăng dầu, năm 1968, đơn vị của Phạm Minh Đức được chuyển vào vùng Ba Đồn (Quảng Bình) với nhiệm vụ bảo vệ vùng trời sông Gianh. Trong một trận đánh, Phạm Minh Đức bị thương, được đưa về Đoàn an dưỡng 200. Tại đây, Phạm Minh Đức gặp và làm quen và kết thân với Đặng Sỹ Ngọc, một người con xứ Nghệ cũng bị thương và đang an dưỡng tại đây. Sau khi vết thương ổn định, theo chế độ, cả hai sẽ được ra miền Bắc và phục viên, nhưng trong tình thế nước sôi lửa bỏng, cả nước cùng ra trận vì miền Nam ruột thịt, cả hai quyết tâm viết đơn xin ở lại và được phân về Tiểu đoàn phòng không D15, Trung đoàn 284. Với nhiệm vụ bảo vệ vùng trời sông Gianh, chống trả các đợt bắn phá của giặc.

Buổi sáng một ngày đầu tháng 6 năm 1968, khi tiểu đoàn của Phạm Minh Đức, Đặng Sỹ Ngọc đang tổ chức kéo pháo lên khu vực rừng thông của xã Nhân Trạch, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình để bố trí trận địa phòng không thì bị giặc phát hiện. Ngay lập tức, một máy bay “con ma F4” bay từ biển vào để thăm dò. Khi đi đến địa phận sông Gianh, bất ngờ F4 đổi hướng, bay dọc Quốc lộ 1. Lúc này, cả tiểu đoàn được lệnh sẵn sàng. Khi chiếc máy bay đã vào trong tầm ngắm, Tiểu đoàn trưởng hô bắn, lập tức những loạt đạn pháo nhịp nhàng tác chiến, trong chốc lát, chiếc F4 trúng đạn, bốc cháy như một bó đuốc khổng lồ trên bầu trời.

Lúc này, Phạm Minh Đức đang ăn sáng sau ca trực đêm, thấy chiếc dù xanh đỏ chuẩn bị rơi xuống mép biển, chiến sĩ trẻ liền bỏ bát, khoác súng CKC chạy như bay đến chỗ chiếc dù bị rơi với mục tiêu bắt sống tên giặc lái. Đến nơi, thấy 4 dân quân đã đứng sẵn, dương nòng súng về phía tên phi công cao lớn đang loay hoay mở chiếc dù, thiết bị báo động trên tay đang sáng nhấp nháy, liên tục phát ra tín hiệu tích tè. Phạm Minh Đức thấy vậy liền hô lớn “Các đồng chí không được bắn”, lúc này, trên bầu trời, một đoàn máy bay gồm trực thăng, F4 của giặc cũng quần đảo quanh khu vực phi công bị bắn rơi để tìm cách giải cứu cho đồng đội.

Với kinh nghiệm của một chiến sĩ pháo phòng không, Đức hướng dẫn 4 dân quân mở bung, trải rộng chiếc dù ra để những chiếc máy bay phía trên không bắn vào đồng đội của chúng đang ở phía dưới đồng thời yêu cầu tên phi công tắt thiết bị báo động, tháo hết tư trang ra khỏi người. Một lúc sau, không nhận được tín hiệu nữa, đoàn máy bay của giặc ở phía trên cũng tự rút lui vì sợ bị phục kích. Sau khi tóm gọn tên phi công cao lớn, béo ụ, Đức cùng các dân quân dẫn thẳng hắn đến giao lại cho Huyện đội Quảng Trạch.

Sau đợt bắt giặc lái này, Phạm Minh Đức tiếp tục cùng đồng đội tham gia bảo vệ chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị rồi được phân công hành quân trong chiến dịch hai mùa khô ở nước bạn Lào và tham gia chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Cuối năm 1972, đầu 1973, Phạm Minh Đức bị thương phải ra Bắc điều trị. Sức khỏe giảm sút quá nhiều, căn bệnh dạ dày hành hạ, không thể tiếp tục vào chiến trường chiến đấu nên được phục viên, trở về quê.



Người cựu binh mân mê chiếc máy ảnh cũ và xem nó như báu vật.

Cuộc chiến mưu sinh

Sau khi phục viên trở về, Phạm Minh Đức tiếp tục theo nghề “nháy” rồi lấy vợ, dựng nhà ở quê vợ thuộc vùng Diễn Yên, huyện Diễn Châu. Sau năm 1975, đất nước giải phóng, vợ chồng Phạm Minh Đức dắt díu nhau vào Thành phố Vinh, tiếp tục mưu sinh bằng nghề chụp ảnh, sửa chữa, phục chế ảnh cũ, làm ảnh màu,… Dưới bàn tay tài hoa của Phạm Minh Đức, những bức ảnh cũ được phục chế lại hệt như mới, những tấm ảnh đen trắng được tô màu một cách sắc nét. Nghề ảnh giúp gia đình khấm khá trong những năm cuối 1980, sau này, khi các hiệu ảnh lớn với công nghệ hiện đại, máy in màu mọc lên, Phạm Minh Đức không thể cạnh tranh được nữa, khách phục chế ảnh cũng dần thưa thớt.

Đến khi máy ảnh kỹ thuật số ra đời, Phạm Minh Đức quyết định lau chùi chiếc máy ảnh thật sạch, kính cẩn đặt trang trọng lên tủ kính dưới bàn thờ bố và bỏ nghề. Gánh hàng xáo của vợ không đủ để nuôi các con, người cựu binh pháo cao xạ phải mua lạc về bóc rồi tẩm để nhập cho các đại lý, quán ăn. Từ đó, Phạm Minh Đức có thêm biệt danh “Đức lạc”. Mặc dù vậy, nghề rang tẩm lạc cũng không thể giúp hai ông vợ chồng già có được trang trải trong khi việc buôn bán ngày càng khó vì bị cạnh tranh quá nhiều từ hàng đóng sấy, hàng đóng gói sẵn. Hai vợ chồng bàn tính và quyết định mua chiếc xe wave tàu để vừa phục vụ đi lại, vừa làm phương tiện hành nghề xe máy lai. Từ gần 10 năm nay, không kể nắng hay mưa, với bộ đồ vá xăm và tấm biển xe lai, người cựu binh già luôn đứng cắm chốt ở Quốc lộ 1A để kiếm sống. Từ đó, bác có thêm biệt danh mới là “Đức xe lai, Đức vá xăm”!

Trời nắng hầm hập, ngôi nhà cấp 4 nằm khuất sau con hẻm nhỏ ở khối 12, phường Quang Trung của bác Phạm Minh Đức khá vắng vẻ. Đặt trang trọng trong chiếc tủ gỗ đã sờn là hai chiếc máy ảnh cổ sáng bóng, trở thành điểm sáng duy nhất trong căn phòng khách chật hẹp. Vừa mân mê bộ đồ nghề ảnh, người cựu binh già cố gắng kìm nén xúc động khi nhắc lại những câu chuyện về những ngày tháng dọc ngang cầm chiếc máy hiệu Praktica trong sự nể phục của những người xung quanh; về những ngày vào sinh ra tử nơi chiến trường, về cái kỷ niệm bắt giặc lái không bao giờ quên trong ký ức. Khi hỏi chuyện vợ con, giọng người cựu binh già chùng xuống, đưa mắt lên bàn thờ, nơi đang phảng phất mùi nhang khói. Hai vợ chồng bác có 3 người con trai nhưng nay chỉ còn 1 đứa. Cách đây 2 năm, cậu con trai út của ông bị côn đồ đánh đến chết, người cựu binh xưa vào sinh, ra tử không sợ phải đổ máu nhưng đã chùn người, ớn lạnh và run sợ khi nghe kẻ giết người tường thuật lại cảnh con trai mình bị đánh trước phiên tòa xét xử…

Lặng lẽ, tỉ mỉ xếp lại những xếp giấy màu tô ảnh trước đây được xem là “của hiếm” đang nằm lẫn trong những tấm Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương Chiến công hạng Nhất, Kỷ niệm chương Chiến sĩ Trường Sơn, Kỷ niệm chương bảo vệ Thành cổ Quảng Trị cùng những giấy tờ bùng nhùng khác, bác Đức cố gắng nén lại cảm xúc, lờ đi những câu chuyện không vui cuối đời. “Với những người lính như chúng tôi, không gì có thể khuất phục được ý chí và nghị lực vươn lên. Còn sức, tôi còn lao động, còn chạy xe ôm để kiếm sống, giúp đỡ con cháu”, bác Đức tâm sự và cho biết, những ngày tháng 8 này, các cựu chiến binh phòng không không quân như ông lại có những cảm xúc bồi hồi, khó tả xen lẫn tự hào vì như đang được sống lại ngày tháng sục sôi những năm đánh Mỹ, những ngày căng mắt để bảo vệ vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông cho rằng, dù cuộc sống hiện nay của mình có khó khăn vất vả nhưng vẫn cảm thấy may mắn hơn rất nhiều so với những người đồng đội đã ngã xuống, hi sinh mà chưa được sống một ngày trong hòa bình, bên vợ con. “Cuộc chiến nào cũng có kẻ thắng, người thua, có sự đổ máu, hi sinh mất mát, nhưng cuộc chiến mưu sinh ngày nay thì quả là gian truân, vất vả hơn nhiều…”, người cựu binh già mân mê chiếc máy ảnh cũ, giọng chùng xuống khi kể về nhiều đồng đội của ông sắp bước sang tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn đang phải mò mẫn mưu sinh với đủ thứ nghề.


Bài, ảnh: Nguyên Khoa

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Người thợ ảnh và kỷ niệm bắt giặc lái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO