Người thợ mộc tài hoa

27/02/2015 11:51

(Baonghean) - Không qua một trường lớp bài bản nào nhưng ông Nguyễn Văn Quang ở xóm 4, xã Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) lại rất “có duyên” với nghề mộc. Gửi gắm trong từng sản phẩm là nỗi lòng, tình cảm của một người thợ mộc tài hoa...

Nghề đục, khắc, chạm vốn là thế mạnh của các tỉnh như Nam Định, Hà Tây, Bắc Ninh…Tại Nghệ An, làng mộc nhiều, người làm mộc cũng không hiếm nhưng các xưởng mộc ngoài việc gia công và đóng phần thô, phần còn lại như đục khắc, chạm trổ chủ yếu phải thuê thợ từ ngoài Bắc vào. Nhưng xưởng mộc dân dụng mỹ nghệ của ông Nguyễn Văn Quang lại hoàn toàn khác bởi tại đây tất cả các khâu của nghề mộc từ cưa gỗ, đóng, khắc, chạm đều do bàn tay của các thợ trong làng đảm nhận. Đặc biệt hơn, những thiết kế tinh xảo trên những sản phẩm cao cấp như đồng hồ trang trí, tủ gỗ, tủ chè, tranh gỗ đều do một mình ông Quang thực hiện. Không giữ riêng nghề cho mình, ông đã truyền nghề thành công cho các thợ trong xưởng.

Ông Quang cùng những người thợ cắt khắc sản phẩm.
Ông Quang cùng những người thợ cắt khắc sản phẩm.

Xưởng mộc của ông Quang đi vào hoạt động từ năm 1991. Bản thân ông đến với nghề này cũng chỉ là đi “học mót” sau thời gian làm thuê cho các xưởng mộc khác trong vùng. Ngay khi xưởng mới đi vào hoạt động, công việc gặp rất nhiều khó khăn bởi lúc đó vốn ít, khách hàng chưa quen, hầu hết ông phải mua đồ cũ rồi gia công lại. Ý tưởng thành lập xưởng mộc mỹ nghệ bắt đầu hình thành sau khi ông đi tham quan các xưởng đóng mộc ở Hà Tây về. Táo bạo hơn, từ một người không biết một chút kiến thức nào về mộc mỹ nghệ, về khắc, chạm, ông đã mày mò tự vẽ, tự học rồi trở thành một người có thể tự hoàn thiện mọi khâu của một sản phẩm mộc cao cấp. Khách hàng trong vùng đã dần biết đến xưởng mộc của ông với những sản phẩm mộc cao cấp, đẹp, chất lượng và giá chỉ bằng 2/3 so với những sản phẩm được nhập từ Bắc vào.

Hơn thế, người tiêu dùng rất thích thú với những sản phẩm do ông Quang tự thiết kết bởi mang bản sắc riêng, phù hợp với quan niệm về cái đẹp của người dân Nghệ An. Kể lại những ngày đầu khởi nghiệp đó, ông Quang tâm sự: “Tôi vốn là bộ đội xuất ngũ vậy nên khi mới về quê rất lúng túng không biết làm gì để kiếm kế sinh nhai. Chọn nghề mộc, thực ra tôi cũng đang “đánh bạc” với chính mình bởi mọi thứ mình đều đi lên từ con số không (không được học bài bản, không có vốn, không có người đỡ đầu và thị trường cũng là con số không). Nhưng tôi yêu nghề này và càng gắn bó lại càng yêu thích, nhất là khi những sản phẩm mộc mỹ nghệ do chính mình sáng tạo và làm ra được người tiêu dùng đón nhận....

Không chỉ tài hoa trong việc thiết kế các sản phẩm, ông Quang còn là người táo bạo trong làm ăn và thích tìm tòi cái mới. Hiện tại với hơn 40 lao động, tất cả đều được đào tạo bài bản và thực hiện được nhiều kỹ thuật khó, xưởng của ông hoàn toàn có thể đảm nhận được những đơn hàng lớn. Vì muốn mở rộng quy mô, ông không ngại đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua hai máy cắt khắc CNC về để điêu khắc hoa văn trên mặt gỗ hoàn toàn bằng máy. Ngoài ra, đứng trước nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, bên cạnh việc thường xuyên trau dồi mẫu mã sản phẩm, ông còn tiến hành mở rộng quy mô xưởng từ 1 lên 4 xưởng và đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua các loại máy móc, trang thiết bị như máy cưa, máy xẻ, máy hơi nhằm có thể chủ động hơn trong công việc.

Để có thể vận hành được máy, ông cho thợ đi học kỹ thuật máy tính, đồng thời mời kỹ sư tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc Hà Nội về hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Riêng ông thì vẫn đảm nhận việc vẽ, thiết kế. Từ khi có máy, khối lượng công việc nhanh gấp 3 lần so với làm thủ công, nhiều xưởng mộc khác trong vùng cũng tìm đến xưởng của ông để nhờ điêu khắc. Sản phẩm vì thế cũng phong phú hơn, giá thành rẻ hơn trước rất nhiều. Nói về người chủ của mình và nói về công việc hiện nay, anh Nguyễn Văn Hải – thợ thiết kế tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ: Dù được học hành bài bản và đã tốt nghiệp trường kiến trúc nhưng tôi phải học hỏi ở chú Quang rất nhiều, đặc biệt trong việc thiết kế, vẽ các sản phẩm mộc mỹ nghệ.

Một điều khác cũng rất đáng trân trọng ở cựu chiến binh Nguyễn Văn Quang là ông luôn có ý thức đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động trong vùng. Chính bản thân ông Quang cũng không nhớ mình đã dạy nghề cho biết bao nhiêu lao động. Nhiều trường hợp được ông nuôi dạy từ nhỏ, truyền nghề và cho vay vốn để thành lập xưởng. Nhiều người đã đi học các trường đại học, cao đẳng nhưng sau một thời gian không tìm được việc làm lại tìm về ông để được ông dạy nghề và xin vào làm việc ở xưởng. Ông cũng rất say mê với công tác xã hội, hằng năm, ông đều dành một khoản tiền nhất định để trao quà cho người cao tuổi, học sinh nghèo và gia đình chính sách; tài trợ cho giải bóng đá, các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Bá chia sẻ: Mỗi năm, xưởng mộc của anh Quang tạo việc làm cho hàng chục người với thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/tháng. Không những thế, anh Quang còn là một tấm gương về sự kiên trì, bền bỉ, chịu khó làm ăn và đây thực sự là một cựu chiến binh gương mẫu rất đáng để nhiều người học tập và noi theo, đặc biệt là với các thế hệ trẻ.

Mỹ Hà

Mới nhất
x
Người thợ mộc tài hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO