Người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội nguy cơ trở thành hộ nghèo

10/07/2012 15:12

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần ra quyết định hạ mức trần lãi suất huy động với tổng cộng mức hạ 5% (từ 14%/năm xuống còn 9%/năm), thế nhưng hơn 8 tháng đã trôi qua, Ngân hàng TMCP phát triển nhà TP HCM – Chi nhánh Nghệ An (HDBank) chỉ điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các hộ thu nhập thấp mua nhà ở xã hội duy nhất một lần với mức điều chỉnh giảm chỉ 1% (từ 19%/năm xuống 18%/năm).

(Baonghean.vn) - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần ra quyết định hạ mức trần lãi suất huy động với tổng cộng mức hạ 5% (từ 14%/năm xuống còn 9%/năm), thế nhưng hơn 8 tháng đã trôi qua, Ngân hàng TMCP phát triển nhà TP HCM – Chi nhánh Nghệ An (HDBank) chỉ điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các hộ thu nhập thấp mua nhà ở xã hội duy nhất một lần với mức điều chỉnh giảm chỉ 1% (từ 19%/năm xuống 18%/năm).

Tháng 8/2011, dự án nhà ở xã hội tại Thành phố Vinh do TECCO xây dựng hoàn thành và triển khai bán cho những người thu nhập thấp, do chủ đầu tư yêu cầu khách hàng phải thanh toán ngay tối thiểu 50% giá trị căn hộ mới bàn giao nhà nên đa số các đối tượng được mua nhà phải đi vay ngân hàng. Thời điểm đó, Ngân hàng TMCP phát triển nhà TP Hồ Chí Minh – Chi nhánh Nghệ An đang có chương trình cho người thu nhập thấp vay vốn mua nhà ở xã hội, cán bộ tín dụng ngân hàng này giải thích: “Đây là chương trình được HDBank liên kết với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), do đó khách hàng được hưởng mức lãi suất ưu đãi 19%/năm, 3 tháng sẽ điều chỉnh một lần và luôn thấp hơn mặt bằng chung của thị trường khoảng 2 đến 3%”.

Tuy nhiên, khi soạn thảo hợp đồng với khách hàng, HDBank lại ghi mức lãi suất là 24%/năm, nhiều khách hàng thắc mắc thì được giải thích: “Do việc đàm phán của HDBank với ADB chưa xong nên tạm thời ghi như vậy, khách hàng chỉ phải trả lãi suất 24% trong tháng đầu tiên, từ tháng tiếp theo mức lãi suất sẽ được tính 19%/năm”. Ngoài ra, HDBank còn yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm rủi ro do cháy nổ cho căn hộ được thế chấp với hợp đồng bảo hiểm có những điều khoản vô lý như: Người mua bảo hiểm và bỏ tiền ra thanh toán cho công ty bảo hiểm là chủ sở hữu căn hộ, nhưng trong trường hợp xảy ra cháy nổ gây thiệt hại thì bên thụ hưởng tiền đền bù của công ty bảo hiểm lại là HDBank, mức tiền đền bù tối đa cao gần gấp đôi số tiền HDBank cho khách hàng vay. Mặc dù thấy vô lý như vậy, nhưng đa số những người thu nhập thấp vẫn phải chấp nhận vì không còn sự lựa chọn nào khác.



Nhiều căn hộ thu nhập thấp ở phường Lê Lợi – TP Vinh đã được bán lại cho những gia đình có ô tô đến ở.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần ra quyết định hạ mức trần lãi suất huy động với tổng cộng mức hạ 5% (từ 14%/năm xuống 9%/năm), mặt bằng cho vay trên thị trường cũng đã giảm mạnh, nhiều ngân hàng cho vay mua nhà, đất với lãi suất chỉ khoảng 15 – 16%/năm, người thu nhập thấp Nghệ An ngóng chờ HDBank điều chỉnh lãi suất như lời hứa, thế nhưng mãi đến ngày 30/5/2012, HDBank mới chịu hạ lãi suất từ 19% xuống 18%/năm. Khách hàng bức xúc lên hỏi thì được nhân viên tín dụng HDBank trả lời: “Bởi vì đây là hợp đồng tín dụng dài hạn nên phải chịu mức lãi suất cao hơn những hợp đồng tín dụng ngắn hạn khác”.

Chị Võ Thị Thúy – cư dân khu nhà ở xã hội phường Lê Lợi cho biết: “Gia đình tôi vay HDBank Chi nhánh Nghệ An 180 triệu đồng theo Hợp đồng số 0751/11/HĐTDDH/CN ngày 29/8/2011 với thời hạn 10 năm, tháng đầu tiên chúng tôi phải chịu mức lãi suất 24%/năm, còn lại 8 tháng vừa qua mức lãi suất đều đặn 19%/năm. Ngày 30/5/2012, cán bộ HDBank mới cho biết là từ tháng 6/2012, mức lãi suất được giảm xuống 18%/năm. Mặc dù vậy thì mỗi tháng chúng tôi cũng phải chịu gần 3 triệu đồng tiền lãi suất. Như vậy, chúng tôi vay tiền mua nhà ở xã hội đang phải chịu mức lãi suất cao hơn mặt bằng chung hiện nay. Trước những bất cập đó, không chỉ gia đình tôi mà nhiều người thu nhập thấp khác có ý định liên hệ với ngân hàng khác để vay mức lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, chúng tôi lại không có tiền để đảo nợ, hơn nữa cán bộ HDBank cho biết: Nếu khách hàng thanh toán nợ trước thời hạn thì phải chịu mức phạt 1%/năm, tính trên số tiền trả trước và thời gian trả vốn trước thời hạn của bên vay. Như vậy, nếu bây giờ chúng tôi trả nợ trước thì phải chịu khoản tiền phạt hơn 9%. Tính đi tính lại, cuối cùng người thu nhập thấp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Một số hộ gia đình không thể chịu đựng nổi đã bán căn hộ để lấy tiền thanh toán nợ và trở lại cảnh dắt díu nhau đi thuê phòng trọ”.

Nhà nước ban hành các chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội nhằm tạo ra các căn hộ giá rẻ bán cho những người thu nhập thấp để giải quyết khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống. Thế nhưng, trên thực tế hiện nay những người thu nhập thấp Nghệ An lỡ vay tiền ngân hàng mua nhà đang đứng trước nguy cơ trở thành hộ nghèo, bởi thu nhập chỉ mới đủ trả tiền lãi cho ngân hàng.


Hoàng Hảo

Mới nhất

x
Người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội nguy cơ trở thành hộ nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO