Người thương binh gương mẫu

11/07/2012 16:27

Đó là ông Trương Văn Bình, sinh năm 1952, một thương binh nặng loại 1/4 (hạng đặc biệt) mất sức 81%, nhiễm chất độc hoá học. Tuy là thương binh hạng nặng nhưng ông luôn nỗ lực cố gắng trong cuộc sống để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn mà không phế”, ông luôn sống gương mẫu, dạy bảo con cháu thành đạt, sống có ích cho xã hội nên các con cháu cũng noi gương ông.

(Baonghean.vn) - Đó là ông Trương Văn Bình, sinh năm 1952, một thương binh nặng loại 1/4 (hạng đặc biệt) mất sức 81%, nhiễm chất độc hoá học. Tuy là thương binh hạng nặng nhưng ông luôn nỗ lực cố gắng trong cuộc sống để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn mà không phế”, ông luôn sống gương mẫu, dạy bảo con cháu thành đạt, sống có ích cho xã hội nên các con cháu cũng noi gương ông.

Theo dòng hoài niệm về những năm tháng tuổi trẻ của mình, ông như được sống trong không khí của những ngày nô nức tòng quân lên đường đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ngày đó, vào tháng 4 năm 1970 ông là học sinh lớp 10/10 (hệ 10 năm) với ước mơ được học hành thành đạt để phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước, đang học kỳ I, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đành gác bút nghiên viết đơn tình nguyện vào bộ đội. Vào lính, ông được phân về huấn luyện tại Đoàn 22 – Quân khu 4, trong đợt huấn luyện này ông được bầu là Chiến sĩ quyết thắng và phụ trách chi đoàn. Đến tháng 10 năm 1970 ông được lệnh hành quân vào chiến trường tham gia chiến đấu.



Phó Chủ tịch nước tặng quà ông Trương Văn Bình

Đầu năm 1971 tham gia chiến dịch Nam Lào với nhiệm vụ chốt đánh quân địch rút chạy trong đội hình tại Mõm 2, Cao điểm 513 Cam Lộ - Quảng Trị, chốt đánh trực tiếp với một đại đội tăng cường của Mỹ, trong trận này đơn vị ông đã đánh lui quân địch và tiêu diệt được 117 tên địch (Báo Tiền tuyến đã đăng năm 1971). Ngày 29/3/1971 trong một trận đánh tại chiến trường Quảng Trị ông bị thương nặng, được đưa về Trạm hậu phẩu Trung đoàn phía nam sông Cam Lộ rồi lần lượt được đưa ra các đội điều trị tuyến sau, đến tháng 8 năm 1971 ông được về an điều dưỡng tại Đoàn 200 – Quân khu 4 ở đội 201. Sau chiến thắng ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3, Bằng Dũng sĩ diệt Mỹ.

Đất nước giải phóng và thống nhất, thương binh nặng Trương Văn Bình được phân về công tác tại xí nghiệp may mặc thương binh Đà Sơn, Đô Lương thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ Tĩnh, đến năm 1980 ông được về nghỉ tại Khối phố 9, Phường Hồng Sơn, Thành phố Vinh. Tuy được nghỉ theo chế độ nhưng với tinh thần nhiệt huyết, mong muốn được cống hiến cho xã hội nên ông đã vượt lên sự vất vả của gia đình, vượt lên nỗi đau mà vết thương chiến tranh để lại trong cơ thể, ông xông pha hoạt động xã hội, năm 1988 làm Khối phó, rồi Khối trưởng, là Uỷ viên HĐND Phường Hồng Sơn. Năm 1989 là Uỷ viên Ban chấp hành nhiệm kỳ I Hội Cựu chiến binh của phường, năm 2008 làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận… bản thân ông không ngừng phấn đấu vươn lên về mọi mặt nên mọi nhiệm vụ được giao ông đều hoàn thành xuất sắc, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, “Thương binh tàn nhưng không phế”, nhiều lần ông được Tỉnh Uỷ, UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen, Giấy khen.

Tuy sức khoẻ không được tốt, nhiều lúc trái gió trở trời vết thương tái phát những cơn đau nhưng ông vẫn nỗ lực, cố gắng vượt lên chính mình tham gia công tác xã hội, nuôi dạy con tốt, hiện nay bốn người con của ông đều đã thành đạt và đã có gia đình hạnh phúc. Sự cống hiến và đóng góp của ông Trương Văn Bình đáng để con cháu cũng như chúng ta học tập và noi theo. Với sự anh dũng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm cũng như sự nỗ lực vượt lên hoàn cảnh trong cuộc sống hàng ngày nên thương binh nặng Trương Văn Bình luôn được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương quý mến.

Ngày 6/7/2012, ông Trương Văn Bình và gia đình vinh dự được đón Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến thăm và tặng quà gia đình thương binh tiêu biểu của tỉnh Nghệ An.


Mai Thanh Hải - Bộ CHQS Hà Tĩnh

Mới nhất
x
Người thương binh gương mẫu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO