Người tiêu dùng cần lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình
Theo một khảo sát, hiện nay vẫn có tới 90% người tiêu không biết đến bất kỳ cơ quan, hội, tổ chức bảo vệ người...
Theo một khảo sát, hiện nay vẫn có tới 90% người tiêu không biết đến bất kỳ cơ quan, hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nào.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam có hiệu lực từ gần 4 năm qua. Thế nhưng, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta vẫn đang gặp nhiều thách thức.
Người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với các vấn đề như hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm và các thủ đoạn gian lận thương mại khác. Quyền chính đáng của người tiêu dùng vẫn bị “bỏ lửng” khi người tiêu dùng “ngại” khiếu nại, còn cơ quan liên quan vẫn chưa thực sự phát huy vai trò của mình.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam |
Chủ đề của Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm 2015 do Tổ chức Quốc tế người tiêu dùng (CI) đưa ra là: “Dinh dưỡng lành mạnh”. Bởi thực phẩm không lành mạnh, không đảm bảo an toàn liên quan đến 4/10 nguyên nhân gây tử vong lớn nhất trên thế giới. Với chủ đề này, thông điệp đưa ra là tất cả mọi người tiêu dùng có quyền có thực phẩm lành mạnh và có quyền lên tiếng, khiếu nại, khiếu kiện với cá nhân, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm “bẩn” có hại cho người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, an toàn thực phẩm vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, khi hàng loạt vụ việc liên quan đến thực phẩm “bẩn” thời gian qua khiến dư luận giật mình, phẫn nộ.
Như việc “phù phép” biến thịt ôi hỏng thành thịt tươi, sử dụng hóa chất giữ hoa quả tươi lâu, đưa vào siêu thị những loại rau quả không rõ nguồn gốc, hay mới đây là vụ cung cấp thực phẩm "bẩn" với số lượng lớn vào 1 trường học ở Bình Dương…Bức xúc và lo lắng, là tâm trạng chung của nhiều người tiêu dùng trước việc hàng ngày phải đối mặt với thực phẩm không an toàn.
Bà Vương Nghĩa Đàn, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: “Với hàng thực phẩm càng khó vì giờ nó tràn lan, trông tươi ngon đẹp nhưng lại nghe nói ướp cái này cái kia. Mua rau trong siêu thị lúc đầu cứ tin tưởng, nhưng lại không đảm bảo. Quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ chưa tốt. Nơi đến khiếu nại tcó thể có nhưng mọi người không biết. Nhưng dù có biết thì mọi người cũng nghĩ đến chỉ mất thời gian thôi chứ không giải quyết được gì”.
Ngần ngại với các cơ chế khiếu nại, khiếu kiện vì sợ mất thời gian và sợ tốn tiền – đây cũng là tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng. Mặc dù có rất nhiều vấn đề liên quan đến việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, thế nhưng chỉ có 2 – 3% người tiêu dùng sử dụng kênh khiếu nại, hoặc khởi kiện khi quyền của mình bị vi phạm. Chính điều này càng khiến người tiêu dùng trở nên “đơn độc” trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, chỉ trong năm 2014, đã tư vấn và tiếp nhận hơn 1.550 trường hợp khiếu nại, liên quan đến vi phạm an toàn thực phẩm; hàng hoá không đảm bảo chất lượng; không đổi mới hoặc hoàn lại tiền theo quy định; không thông báo rõ nguyên nhân hỏng hóc hoặc đổ lỗi cho người tiêu dùng…Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết thực trạng thiệt hại hiện nay. Người tiêu dùng cần ý thức rõ về việc liên kết để tự bảo vệ quyền của mình.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Trong 8 quyền của người tiêu dùng có 1 quyền rất quan trọng là được quyền lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp, sản phẩm. Không chọn doanh nghiệp hay sản phẩm nào đó, đông người cùng thực hiện quyền này đó là tẩy chay. Ở các nước, đây như phương thức lấy độc trị độc. Một doanh nghiệp sản xuất mà không bán được hàng thì sẽ đứng trên bờ phá sản. Cho nên họ rất sợ người tiêu dùng và hội bảo vệ người tiêu dùng. Người tiêu dùng nếu là cá thể đơn lẻ thì ở thế yếu, nhưng nếu là số đông thì sẽ có sức mạnh rất lớn”.
Để giúp người tiêu dùng có thể nói lên tiếng nói của mình, mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương ra mắt Tổng đài tư vấn miễn phí, với đầu số dễ nhớ 1800 6838. Như vậy, người tiêu dùng trên toàn quốc đã có thêm kênh tư vấn, hỗ trợ khi có thắc mắc, khiếu nại về hàng hóa, dịch vụ vi phạm Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Cạnh tranh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường chế tài xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quyền lợi người tiêu dùng và khắc phục những điểm còn tồn tại trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam có hiệu lực từ 1/7/2011.
Một số nội dung của Luật dù đã ban hành nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Ví dụ, theo quy định của Luật, các khiếu nại của người tiêu dùng khi ra tòa sẽ theo thủ tục rút gọn, tức là không phải theo 3 cấp như bình thường mà với các vụ việc đơn giản chỉ cần 1 cấp. Nhưng hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn thi hành từ bên tố tụng dân sự. Về vấn đề này, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương cho biết: “Thời gian tới sẽ thực hiện nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả thực thi Luật. Như về văn bản pháp luật, Cục đang rà soát, xem xét thay đổi nội dung một số quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phù hợp với thực tế. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật để người tiêu dùng hiểu quyền và nghĩa vụ của mình. Về chế tài, hiện nay vẫn còn một số chế tài nhẹ, chúng tôi cũng đang trong quá trình xem xét tăng nặng lên nhưng cũng phải phù hợp với tình hình chung của Việt Nam”.
Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, cho đến nay vẫn có tới 90% người tiêu không biết đến bất kỳ cơ quan, hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nào. Do đó, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm của doanh nghiệp; đơn giản hoá thủ tục khiếu kiện; tạo điều kiện cho các hội bảo vệ quyền của người tiêu dùng, các tổ chức xã hội khởi kiện với mục đích lợi ích công cộng…chính người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức về quyền lợi của mình và liên kết để tạo sức mạnh cộng đồng, kiên quyết với các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Theo VOV.VN