Người trở về từ "cánh rừng chết"

16/07/2015 10:47

(Baonghean) - Tại xóm núi Trà Lân thuộc địa bàn xã Phúc Sơn (Anh Sơn) có một người phụ nữ sống lặng lẽ một mình trong căn nhà nhỏ. Bà từng có một thời sôi nổi, có những năm tháng tuổi xuân cống hiến cho các chiến trường và những con đường. Nay tuổi già, gánh chịu nỗi cô đơn dằng dặc, nhưng bà vẫn giữ cho mình trọn vẹn niềm vui, nỗi nhớ khi nhắc về tuổi trẻ và gương mặt đồng đội cũ...

TUỔI XUÂN TRÊN NHỮNG CUNG ĐƯỜNG

Từ Cao Vều, một bản vùng biên ngược ra trung tâm xã Phúc Sơn, chúng tôi ghé thăm nhà bà Nguyễn Thị Mai - cựu thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ. Căn nguyên của cuộc viếng thăm bất ngờ này là do một người quen ở huyện Yên Thành nhờ có dịp ghé qua xem đồng đội năm xưa của mình giờ sinh sống ra sao. Ngôi nhà nhỏ nép mình nơi góc núi, đường vào là một lối mòn nhỏ, cành cây đâm tua tủa cả hai bên. Có tiếng gọi, chủ nhà bước ra với đôi chân khập khiễng, ánh mắt dò xét, thái độ đầy nghi ngại, nhất quyết không mời khách vào nhà. Chờ lúc chúng tôi nói rõ nguyên do, nối máy liên lạc với người đồng đội cũ ở Yên Thành mới được bà Mai mời vào nhà. “Biết tôi sống một mình trong căn nhà heo hút này, kẻ xấu thường tìm đến để lợi dụng lừa bán cái này, cái kia nên phải đề cao cảnh giác. Mong anh thông cảm...”- chủ nhà bộc bạch.

Cuốn an-bum lưu giữ ảnh bạn bè, đồng đội năm xưa luôn được bà Nguyễn Thị Mai  nâng niu, trân trọng.
Cuốn album lưu giữ ảnh bạn bè, đồng đội năm xưa luôn được bà Nguyễn Thị Mai nâng niu, trân trọng.

So với độ tuổi khoảng 70, trông bà Mai có vẻ như già hơn nhiều, từ dáng vẻ, mái tóc đến khuôn mặt đều toát lên sự vất vả. Vừa rót nước mời khách, bà vừa mở đầu dòng tâm sự: “Chính thức tôi sinh năm 1944, nhưng hồi đăng ký gia nhập TNXP khai 1948 để đúng với tuổi quy định, vì nếu quá tuổi sẽ không được tham gia. Thành ra, các loại giấy tờ bây giờ đều ghi năm sinh là 1948”. Bà Mai sinh ra trong một gia đình có 6 anh, chị em, làng quê bà ở xã Vĩnh Sơn nằm bên tả ngạn sông Lam với những bãi bồi màu mỡ. Năm 1969, cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào thời điểm cam go, ác liệt, nhu cầu chi viện cho chiến trường ngày càng lớn, trai gái các làng quê nô nức lên đường.

Cô thôn nữ Nguyễn Thị Mai lúc này đang mải miết với đồng lúa, bãi ngô nhưng vẫn đăng ký tham gia lực lực TNXP phục vụ công việc chi viện cho chiến trường. Khai sút 4 năm để hợp với độ tuổi, cô gái đất Vĩnh Sơn có mặt trong đoàn quân vượt lửa đạn vào hoạt động tại vùng sông Sê Băng Hiêng thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Nhiệm vụ của Nguyễn Thị Mai và đồng đội lúc bấy giờ là mở đường, dẫn xe qua ngầm, tải đạn, cáng thương và chăm sóc thương binh. Những năm tháng ấy, những chiến sỹ TNXP đã bao lần chứng kiến cảnh bom rơi, đạn nổ, chứng kiến sự can trường và hy sinh. Có lúc, máy bay địch đến oanh tạc, đơn vị phải sơ tán vào hang núi, vậy mà mảnh bom của kẻ thù vẫn bay vào cửa hang khiến mấy đồng đội hy sinh. Những trận máy bay B-52 “rải thảm”, trận địa chi chít những quả bom bi, bom từ trường luôn là nỗi ám ảnh. Ở đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất đỗi mong manh, có lúc đôi bạn thân đêm nay đang chuyện trò ríu rít, cùng sẻ chia bao dự định khi kết thúc chiến tranh, ngày mai một người đã vĩnh viễn nằm lại ở cánh rừng hoang vu, núi đèo heo hút. Người còn sống xót xa dòng nước mắt tiễn đưa, đắp lên ngôi mộ chí sơ sài rồi tiếp tục với cuộc chiến đấu ngày càng khốc liệt.

Đặc biệt, những năm tháng phục vụ chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh và Đường 9 - Nam Lào, nữ TNXP Nguyễn Thị Mai không chỉ thấy bao cảnh tang thương, khốc liệt của bom đạn mà còn tận mắt chứng kiến những cánh rừng trơ trụi lá. Quân Mỹ đã rải chất độc hóa học xuống những cánh rừng Trường Sơn mong cản được bước tiến của quân dân miền Bắc, bao khe suối dọc đường cũng đã thấm thứ chất độc quái ác kia. Vậy mà những người lính, những chiến sỹ TNXP miền Bắc vẫn băng qua, vẫn dùng nước suối để đun nấu và tắm gội. Cho đến bây giờ, đã hơn 40 năm trôi qua, có lúc bà Mai vẫn không thể lý giải nổi vì sao mình vẫn có thể trở về từ khói bom ác liệt, từ những “cánh rừng chết” ở dãy Trường Sơn. Đó là chưa kể những cơn sốt rét rừng hành hạ khiến tóc rụng lơ phơ, làn da tái mét và xạm đen.

Năm 1972, sau 3 năm phục vụ chiến trường, làm nhiệm vụ mở đường, phá bom, tải đạn và cáng thương, Nguyễn Thị Mai được xuất ngũ và trở về quê hương. Người nữ TNXP ấy được tổ chức sắp xếp làm công nhân giao thông ở vùng miền Tây xứ Nghệ. Vậy là hành trình mở đường lại tiếp tục, bàn chân của cô gái đất Vĩnh Sơn lại in dấu nơi những vùng đất gian lao. Đó là Cửa Rào, Khe Kiền (Tương Dương), là Khe Nằm, Mường Xén (Kỳ Sơn). Ngày nay, những địa danh ấy đã thành quen thuộc, việc đi lại đã trở nên dễ dàng, nhưng 40 năm về trước là cả một thử thách lớn. Vẫn là đèo dốc cheo leo, hố sâu, vực thẳm, nắng cháy thịt da, rét bầm gan ruột; vẫn là những trận sốt rét rừng dai dẳng, những trận lũ quét kinh hoàng. Nhờ được tôi luyện nơi chiến trường khói lửa, Nguyễn Thị Mai luôn có đủ tinh thần và nghị lực để vượt qua.

HẠNH PHÚC NGẮN NGỦI, CÔ ĐƠN LẠI DÀI...

Nơi công trường miền Tây xứ Nghệ, có một chàng công nhân quê ở huyện Nghĩa Đàn làm cùng một đội thường xuyên chuyện trò, tâm sự và giúp đỡ cô gái Nguyễn Thị Mai. Từ chỗ thân thiết, cảm mến rồi hai người yêu nhau. Tình yêu ấy được bạn bè, đồng nghiệp và gia đình hai bên ra sức vun vén, ai cũng mong hai người sớm thành hôn và tình yêu của họ nhanh được đơm hoa, kết trái. Đám cưới được tổ chức tại công trường trong niềm vui sướng, hân hoan, những đóa hoa rừng tràn ngập cả hôn trường...

Cũng như bao đôi lứa khác, sau ngày cưới vợ chồng bà Mai mong mỏi được nghe tiếng khóc của trẻ thơ, được bế bồng, cưng nựng đứa trẻ do mình dứt ruột đẻ ra. Một năm, hai năm, rồi ba năm. Lại tiếp tục chờ đợi và hy vọng, mong rằng đến một lúc nào đó ông trời sẽ thương... Có những đêm thức trắng, không thể nào chợp mắt, bà Mai chỉ biết cầu trời phù hộ cho vợ chồng mình có chung giọt máu yêu thương, cho ngôi nhà bớt đi hiu quạnh. Năm tháng vẫn vô tình trôi qua, bà Mai vẫn chờ đợi trong sự mỏi mòn, héo hắt. Rồi một ngày, từ bệnh viện trở về, bà nhận được kết luận mình mắc chứng vô sinh, đó là hậu quả của việc nhiễm chất độc màu da cam/đi-ô-xin. Người phụ nữ ấy như chết lặng, bà không thể ngờ cái thứ chất độc làm cây rừng trụi lá năm xưa đã thấm vào máu thịt và tước đi cái thiên chức làm mẹ của mình. Nước mắt chảy tràn khuôn mặt, đất dưới chân như lún sụt, bầu trời như đang quay cuồng...

Khi đã tĩnh trí, bà Mai nghĩ rằng, một khi không còn khả năng sinh nở, mình không có quyền trói buộc người bạn đời, phải động viên chồng đi tìm hạnh phúc mới. Tấm lòng khoan dung và vị tha của người nữ cựu TNXP từng vào sinh ra tử ở các chiến trường được mọi người xung quanh chia sẻ và luôn tìm đến để an ủi, động viên. Theo ý nguyện của bà, người bạn đời đã đi tìm hạnh phúc của riêng mình, giờ đây con cháu đã đuề huề và đang sinh sống ở vùng đất đỏ Phủ Qùy. Thi thoảng, ông có tìm về thăm lúc bà đau ốm, nhưng mấy năm nay tuổi đã già, sức đã yếu không còn sang thăm được nữa.

Chia tay người bạn đời, bà Nguyễn Thị Mai cũng nghỉ hưu mất sức và trở về sinh sống ở quê hương. Bà mua lại căn nhà nhỏ của người em trai ở xóm Trà Lân, sống lặng lẽ một mình nơi góc rừng heo hút. “Vật chất không đáng ngại, vì tôi có khoản lương hưu mất sức và trợ cấp dành cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam, tằn tiện cũng đủ ăn hàng ngày và thuốc thang khi đau ốm. Nhưng nỗi cô đơn, buồn tủi chẳng có lúc nào vơi, nó luôn vây bủa cả khi thức lẫn khi ngủ”- bà Mai chia sẻ. Đặc biệt, mỗi khi trái gió trở trời hay đau ốm bất ngờ, một mình bà phải chống chọi để gượng dậy và tự lo mọi việc. Từ năm ngoái đến nay, bà đã hai lần bị choáng rồi ngã xuống đất, may có người em gái cách nhà 5 cây số tìm đến hỗ trợ kịp thời. Người em gái từng bàn với bà chuyển ngôi nhà về ở cạnh để có chị, có em lúc chiều tà xế bóng, để khi đau ốm có người đỡ đần. Đó cũng là ý nguyện của người nữ cựu TNXP, nhưng ngặt nỗi giờ vẫn chưa gom đủ số tiền để chuyển, có lẽ phải chờ thêm một thời gian nữa...

Đôi mắt già nua của bà Nguyễn Thị Mai chợt bừng sáng lên khi cầm trên tay kỷ vật một thời hoa lửa, đó là tập an-bum ảnh của những người đồng chí, đồng đội năm xưa. Những tấm ảnh đen trắng cỡ nhỏ được bà cất giữ cẩn thận, xếp ngay ngắn trong cuốn an-bum. Nhìn cách cất giữ ấy, chúng tôi biết chủ nhân luôn nâng niu, trân trọng và xem như một báu vật. Và điều đáng nói hơn, bà Mai có thể gọi tên, tuổi và quê quán của từng người, hiện còn sống hay đã chết, hoặc đã hy sinh năm nào. Họ là những người lính, TNXP lứa tuổi đôi mươi gặp nhau trên đường hành quân hay giữa chiến trường, trao nhau bức ảnh làm quen, rồi cùng vào trận chiến. Có người chỉ gặp một lần, có người cùng trở về quê và thi thoảng có dịp hội ngộ. Tất cả dệt nên ký ức tuổi thanh xuân, vừa gian khổ nhưng vô cùng sôi nổi, hoài bão ngập tràn. Dòng ký ức ấy giờ trở thành động lực và điểm tựa tinh thần trong cuộc sống của người nữ cựu TNXP Nguyễn Thị Mai. Vì mỗi khi cô đơn đến tận cùng, bà lần giở dòng ký ức để tìm kiếm niềm vui và sự an ủi, vỗ về...

Mặt trời khuất dần sau dãy núi trước nhà, bà Mai lặng lẽ chuẩn bị bữa cơm tối. Một nồi cơm nhỏ, một mớ rau rừng và mấy quả cà muối, đó là khẩu phần hàng ngày của nữ cựu TNXP xóm Trà Lân. Người phụ nữ ấy chia sẻ: “Nấu một lần ăn cả ngày, cơm canh đạm bạc vì tuổi già rồi, cơ thể không còn hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng, ăn cá thịt rồi cũng vậy thôi, để dành tiền mua thuốc lúc đau ốm...”.

Xa xa, những cánh rừng xanh thẫm dưới bóng chiều, một cánh chim lẻ loi giữa khoảng không vời vợi. Hình ảnh cựu TNXP Nguyễn Thị Mai cùng nỗi cô đơn dằng dặc lại hiện về trong tâm trí chúng tôi, bởi đêm nay cũng như bao đêm khác, một mình với một mâm cơm, một chiếc giường và một căn nhà trống trải...

CÔNG KIÊN

Mới nhất
x
Người trở về từ "cánh rừng chết"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO