Người trồng mía ở Tân Kỳ gặp khó

22/04/2013 22:24

(Baonghean) - Giá đường giảm trong thời gian qua đã tác động mạnh đến lợi nhuận của các nhà máy sản xuất mía đường, song đối với người trồng mía ở Tân Kỳ hiện nay đang đôi đường gặp khó. Một mặt vì mía chậm thu hoạch sẽ giảm sản lượng, mặt khác hạn hán đang kéo dài, nhiều diện tích mía trồng mới không mảy mầm, mía lưu gốc không chăm sóc được sẽ chậm thời vụ.

Đi trên các cánh đồng mía của huyện Tân Kỳ vào những ngày giữa tháng 4 này, bên cạnh những đám mía lưu gốc đã nảy chồi, vẫn còn khá nhiều diện tích mía chưa được thu hoạch. Dừng chân trò chuyện với một số người trồng mía, họ không đồng tình với cách tính trừ tạp chất quá nhiều của nhà máy đường hiện nay. Ông Hùng, ở xóm Đồi Chè, xã Giai Xuân, nói: “Tôi bán được 3 xe mía, gần 40 tấn. Khác với các năm trước, nhà máy chỉ trừ hao mỗi xe 50 kg, thì năm nay 3 xe nhà máy trừ 3 tấn, trong khi đó giá bán mía thấp hơn năm ngoái”. Hỏi vì sao nhà máy trừ hao nhiều thế? Ông Hùng trả lời là không biết được! Nông dân trồng mía, vay phân bón của nhà máy, giờ nhà máy thu mua như thế nào người dân phải chịu như thế.

Ông Trương Văn Chất – Xóm trưởng xóm Đồi Chè, cho biết: Việc nhà máy trừ hao mỗi xe từ 7 tạ đến 1 tấn là có thật. Nhà máy không giải thích nguyên nhân vì sao cho dân hiểu, nên người trồng mía rất bức xúc. Hơn nữa, nhà máy thu mua mía chậm, nên nhiều diện tích mía mặc dù đã trổ cờ, khô héo nhưng vẫn chưa được thu hoạch. Để càng lâu thì năng suất mía sẽ giảm, đặc biệt năm nay hạn kéo dài, không có nước, nên cây mía khô dần. Xóm Đồi Chè có 90 ha mía, đến ngày 11/4 mới thu hoạch được 70 ha. Bà con đang trông từng ngày chờ nhà máy hẹn ngày thu hoạch.



8 sào mía của gia đình ông Trương Văn Chất chưa được thu hoạch.

Ông Chất có 8 sào mía, năm ngoái đến ngày 10/4 đã thu hoạch xong, nhưng năm nay vẫn “án binh bất động”. Không hiểu vì lý do gì, trong tháng 3, tháng 4, mỗi ngày nhà máy chỉ bố trí thu mua 1 xe mía cho xóm. Trong khi mía chậm được thu hoạch thì nhiều diện tích mía trồng mới do gặp hạn kéo dài từ trước Tết đến nay không thể nảy chồi. Như gia đình ông Chất sau khi ăn Tết xong, trồng 5 sào mía, nhưng đến nay phần lớn chưa nảy mầm.

Anh Nguyễn Văn Liên, Trưởng ban Nông nghiệp xã Giai Xuân, cho biết thêm: Toàn xã năm nay trồng mới 300 ha mía, nhưng có 100 ha ở vùng đất cao không nảy mầm được, do đất quá khô. Đối với những diện tích mía lưu gốc, do trời không mưa nên đến nay nông dân chưa thể cày để bón phân cho mía. Nhà máy thu mua mía chậm, cộng với hạn hán, đẩy người trồng mía “thiệt đơn thiệt kép”. Những khó khăn đang diễn ra đối với người trồng mía sẽ dẫn đến vụ mía năm 2014 sẽ giảm năng suất.



Nhiều diện tích mía trồng mới của xã Giai Xuân không nảy chồi được
do hạn hán.

Trao đổi với lãnh đạo Công ty Mía đường Sông Con, ông Nguyễn Bá Quý – Phó Giám đốc Công ty, cho rằng: Tâm lý của người trồng mía không muốn thu hoạch mía đầu vụ và cũng không muốn thu hoạch mía vào cuối vụ. Vì nếu thu hoạch đầu vụ thì năng suất mía giảm, do thân mía vẫn còn phát triển; nếu để đến cuối vụ thì mía sẽ trổ cờ, thân mía xốp, năng suất cũng sẽ giảm. Do vậy, cứ đến giữa vụ, người dân mới ồ ạt đòi thu hoạch. Khi đó, tất yếu sẽ tạo sức ép cho nhà máy, vì công suất của nhà máy có hạn. Chu kỳ phát triển của cây mía là 12 tháng, nên cán bộ nông vụ dựa vào thực tế để bố trí thu hoạch mía cho phù hợp. Ngoại trừ, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà máy cũng tạo điều kiện thu hoạch trước. Và những diện tích mía lưu gốc đã 3 năm cũng cho thu hoạch sớm để trồng lại.

Còn việc người dân bức xúc vì nhà máy trừ hao nhiều là do: Các năm trước giá đường cao, nên nhà máy tạo điều kiện cho người trồng mía được hưởng. Năm nay giá đường giảm mạnh, buộc nhà máy phải áp dụng tỷ lệ trừ tạp chất đúng quy chuẩn của Bộ Nông nghiệp – PTNT. Việc này Công ty đã chỉ đạo cán bộ nông vụ có nhiệm vụ tuyên truyền cho người trồng mía hiểu.

Kế hoạch của Công ty là đến hết tháng 4 sẽ kết thúc vụ ép. Nhưng theo báo cáo của lãnh đạo công ty, đến ngày 12/4 vẫn còn 900 ha mía (tổng diện tích mía nguyên liệu của Công ty 6.414 ha) chưa thu hoạch, tương đương khoảng gần 50 nghìn tấn mía. Nếu nhà máy hoạt động hết công suất (3 nghìn tấn mía/ngày), thì đến cuối tháng sẽ thu hoạch hết. Nhưng nếu Công ty thu mua theo kiểu “nhỏ giọt” như thời gian qua, thì thời gian ép sẽ còn kéo dài, đồng nghĩa với việc người trồng mía thiệt thòi hơn nữa.

Ông Nguyễn Bá Thức – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ, cho rằng: Để tạo được niềm tin cho người trồng mía, Công ty Mía đường Sông Con cần đẩy nhanh tiến độ thu mua mía cho nông dân. Hiện nay, vẫn còn gần 1.000 ha mía chưa thu hoạch, cộng với hạn hán đang diễn ra, chắc chắn số diện tích đó vụ sau sẽ giảm năng suất. Chưa nói đến khoảng 400 ha mía trồng mới do gặp hạn, khó nảy chồi. Việc giá đường giảm là do ảnh hưởng của thị trường thế giới, vấn đề ở chỗ là nhà máy và chính quyền địa phương cùng với người dân cần phối hợp chia sẻ, để cùng tháo gỡ khó khăn.


Xuân Hoàng

Người trồng mía ở Tân Kỳ gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO