Nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại tâm lũ

10/10/2013 17:32

(Baonghean.vn) - Sau 1 tuần cơn lũ tràn qua, hiện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai vẫn tập trung cho công tác khắc phục hậu quả, trong đó có xử lý môi trường, nguồn nước và phòng chống dịch bệnh.

Quỳnh Vinh là một trong 2 xã bị ngập nặng nhất của Thị xã Hoàng Mai. Sau một tuần nước rút, đến nay trạm y tế xã Quỳnh Vinh vẫn đang tiếp tục dọn dẹp, vệ sinh môi trường và dụng cụ y tế. Trong khi đó, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại trạm từ sau lũ đến nay tăng gấp nhiều lần so với bình thường, trung bình mỗi ngày có khoảng 50- 80 bệnh nhân. Điều may mắn là cho đến thời điểm này thì các bệnh nhân chủ yếu bị suy nhược, kiệt sức phải tiêm truyền, sinh đẻ, trẻ em bị sốt, viêm phế quản, chưa có trường hợp nào bị bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ. Để vừa khắc phục hậu quả lũ lụt, vừa đảm bảo KCB, 1 tuần nay 6 cán bộ của trạm y tế xã Quỳnh Vinh đã làm việc cả ngày và đêm.

Bs Nguyễn Xuân Hồng PGĐ Sở Y tế cùng đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đi kiểm tra tại trường mầm nôn xã Quỳnh Vinh - TX Hoàng Mai.
Bs Nguyễn Xuân Hồng - PGĐ Sở Y tế cùng đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đi kiểm tra tại trường mầm non xã Quỳnh Vinh - TX Hoàng Mai.

Chị Bùi Thị Hoa – Nữ hộ sinh Trạm y tế xã Quỳnh Vinh – Thị xã Hoàng Mai cho hay: “Lũ lên nhanh nên ngay cả bệnh nhân và chúng tôi cũng không kịp di chuyển nói chi đến trang thiết bị. Ngay khi nước rút đến nay, chúng tôi luôn có mặt tại trạm thu dọn, làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng, hấp sấy y dụng cụ để đảm bảo công tác khám và điều trị cho bệnh nhân. Sau lũ bệnh nhân đến khám, điều trị rất đông. Bên cạnh đó, trạm còn tổ chức truyền thông, đi đến tận hộ để xử lý nguồn nước bằng hóa chất, giúp người dân có nước sinh hoạt.”

Với hơn 24 xã, 11 nghìn hộ bị ngập, nguồn nước bị ô nhiễm bởi xác chết của hàng triệu con gia súc gia cầm cùng với chất thải từ khu chăn nuôi, khu vệ sinh và vô vàn chất thải khác. Mặc dù công tác xử lý môi trường, nguồn nước được tập trung triển khai đồng loạt tại các địa phương bị ngập ngay khi nước vừa rút, tuy nhiên do địa bàn bị ngập rộng, môi trường bị ô nhiễm nặng nên công tác xử lý rất khó khăn. Đến thời điểm này chưa phát hiện trường hợp nào bị bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Tuy nhiên, nhận thức hạn chế của người dân đang là nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh. Trong khi đó, y tế cơ sở đang còn nhiều khó khăn, thiếu hóa chất, trang thiết bị, nhân lực.

Lãnh đạo Ngành Y tế cùng đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đi kiểm tra việc xử lý nguồn nước tại 1 hộ gia đình ở xã Quỳnh Vinh.
Lãnh đạo Ngành Y tế cùng đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đi kiểm tra việc xử lý nguồn nước tại hộ gia đình ở xã Quỳnh Vinh.

Bác sĩ Lê Văn Thảo – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu cho biết: Từ khi nước rút đến nay, cán bộ của trung tâm thường trực ở các xã để chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân xử lý nguồn nước và môi trường. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất lo lắng bởi môi trường công cộng ô nhiễm rất nặng vẫn chưa xử lý được. Khó khăn nhất hiện nay là, mặc dù được cấp rất nhiều song do địa bàn bị ngập rộng, môi trường ô nhiễm nặng nên vẫn thiếu hóa chất, nhân lực.”

Trước tình hình ô nhiễm nghiêm trọng môi trường và nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ngành y tế Nghệ An đã kịp thời cung cấp cho huyện Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai hàng trăm kg hóa chất; cơ số thuốc và trang thiết bị, cử cán bộ bám sát địa bàn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh. Đến thời điểm này, có hơn 7 nghìn/ 8 nghìn giếng khơi bị ngập đã được xử lý. Bộ Y tế cũng cử đoàn công tác vào vùng lũ cùng lãnh đạo Sở y tế Nghệ An, Trung tâm y tế Quỳnh Lưu chỉ đạo công tác xử lý môi trường, quyết tâm không để dịch bệnh phát sinh và bùng phát.

Thời tiết đang diễn biến phức tạp sau lũ, nắng gắt, độ ẩm cao và sắp tới có thể tiếp tục có mưa. Đây là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát sinh, nhất là trên địa bàn Quỳnh Lưu và Thị Xã Hoàng Mai nơi có những ổ dịch cũ như: tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết. Vì vậy, cùng với ngành y tế, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần huy động mọi nguồn lực tập trung khẩn trương xử lý môi trường. Trước hết mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng theo khuyến cáo của ngành y tế: ăn chín, uống chín, vệ sinh cá nhân và môi trường./.

Từ Thành

Mới nhất
x
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại tâm lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO