Nguy cơ chậm tiến độ tôn tạo ở một di tích quốc gia

22/11/2011 14:40

(Baonghean.vn) Di tích đền thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc ở Thọ Thành, Yên Thành (còn gọi là đền thờ Tam Công) đã được các cấp phê duyệt dự án quy hoạch chi tiết tu bổ, tôn tạo từ 2010, nhưng đến nay đang có nguy cơ chậm tiến độ.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 26,6 tỷ đồng (bằng nhiều nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và tài trợ của các tổ chức, cá nhân khác) do UBND huyện Yên Thành làm chủ đầu tư, Công ty CP Kiến trúc Thăng Long lập quy hoạch xây dựng.


Đến thời điểm này, khi chúng tôi về Thọ Thành trực tiếp quan sát, công trình tu bổ, tôn tạo đang dở dang, mới dựng được 2 nhà tả vu và hữu vu (đang phủ bạt che mưa nắng), con đường vào di tích mới đắp một đoạn vào tới nhà dân. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Sỹ Khai, Chủ tịch Hội CCB xã là thành viên ban giám sát dự án cho biết: Việc khó khăn nhất và chiếm khối lượng lớn nhất là GPMB, di dời 9 hộ dân cạnh di tích để mở đường và tạo khuôn viên cho di tích theo quy hoạch đã được duyệt. Mặc dù cả xã và huyện rất nỗ lực, nhưng đến giờ vẫn chưa bố trí được quỹ đất đền bù di dời cho 9 hộ dân này. Một khó khăn nữa là kinh phí cho công tác di dời theo dự án được duyệt là hơn 5 tỷ đồng, cũng cần phải tăng lên nhưng ngay cả việc giải ngân hiện giờ đã khó.




Đền thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc (Thọ Thành, Yên Thành) đang xây dựng dở dang.

Để giúp bạn đọc dễ hình dung về Di tích đền thờ Tam Công được xếp hạng cấp quốc gia này, chúng tôi xin được điểm qua mấy nét đặc biệt về di tích. Trước hết là tên gọi Tam Công, đây là cách gọi trang trọng, tôn vinh của người đời với các vị đỗ đạt cao nhất, công trạng lớn nhất tới bậc Tam Công (Thái sư, Thái bảo, Thái uý), đồng thời ngầm chỉ tới 3 vị đỗ trạng nguyên 3 thế hệ liên tiếp: "Một nhà ba trạng nguyên ngồi/ Treo gương từ mẫu cho đời soi chung", đó là: Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành - là 3 cha con, ông cháu, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử khoa bảng cả nước. Tuy nhiên, đền thờ không chỉ thờ ba vị này, mà còn thờ các vị thái thuỷ tổ như Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (là tổ họ Hồ cả nước), Hồ Cao (thân phụ Hồ Tông Thốc), cùng nhiều vị cao khoa hiển hoạn khác là cháu chắt của trạng nguyên Hồ Tông Thốc (như các vị Tiến sỹ Hồ Doãn Văn, Hồ Đình Trung, Hồ Đình Quế, Hương cống Hồ Minh Đạt...).

Các vị này đều có sắc phong của các triều Lê, Nguyễn. Có vị như Lê triều tiến sỹ, Mỹ Quận Công Hồ Đình Trung có tới 5 sắc phong của cả triều Lê và Nguyễn. Hiện nay, di tích chỉ còn giữ được 12 bản sắc phong, trong đó ba vị trạng nguyên triều Trần là cha con, ông cháu Hồ Tông Thốc chỉ có sắc phong của triều Nguyễn. Theo các cụ cao niên họ Hồ ở đây cho biết, di tích này từng bị trận binh hoả lớn thời chiến tranh Trịnh- Mạc thiêu thành tro bụi (cả làng bị đốt trụi). Đến thời Nguyễn (1919) mới được phục dựng, trùng tu khang trang. Bởi vậy, kiến trúc đền thờ hiện nay mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Trải qua ngót trăm năm, lại qua nhiều năm chiến tranh và một thời ấu trĩ, di tích lại một phen chịu sự tàn phá nặng nề. Khuôn viên của di tích nếu di dời được 9 hộ dân liền kề cũng mới khôi phục được một phần so với xưa kia.

Trước sân đền còn sót lại hai tượng rùa đội bia đá có kích thước gần giống với bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhưng rùa đã bị mất đầu và 2 tấm bia đã mất, giờ vẫn chưa tìm lại được. Phía trái đền, trong vườn nhà dân còn 3 ngôi mộ của các vị khoa bảng là con cháu ba vị trạng nguyên đã phát huy được truyền thống hiếu học của tiền nhân; đó là Tiến sỹ Hồ Doãn Văn, Hương cống Hồ Minh Đạt, Hồ Nhược Thuỷ.


Tôn tạo di tích đền thờ Tam Công là rất cần thiết, không chỉ mang ý nghĩa chống xuống cấp bình thường, mà còn tôn vinh một di tích tiêu biểu về truyền thống hiếu học của xứ Nghệ trong bối cảnh các văn chỉ, văn thánh từ tỉnh tới làng xã không còn thì đây là di tích hiếm hoi về truyền thống hiếu học, khoa bảng cần tôn tạo, phát huy tác dụng, nhất là phục vụ du lịch trong tương lai. Để chậm từ khâu GPMB, di dời các hộ liền kề, sẽ kéo theo các hạng mục khác từ cơ sở hạ tầng đến nội thất, sân vườn... cũng chậm theo. Mong các cấp từ xã Thọ Thành và huyện Yên Thành sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn để dự án đảm bảo tiến độ.


Mai Hồ Minh

Nguy cơ chậm tiến độ tôn tạo ở một di tích quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO