Nguy cơ dịch bệnh từ lúa tái sinh
(Baonghean) - Những năm qua, mặc dù ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo người nông dân không nên sản xuất lúa tái sinh (hay còn gọi là lúa chét), vì dễ làm thoái hóa đất, giảm chất lượng, năng suất lúa khi thu hoạch; song các xã vùng 5 nam, huyện Nam Đàn, diện tích lúa dưỡng chét từ vụ xuân vẫn còn trên 300 ha...
Ông Phan Tâm ở xóm 4, xã Nam Phúc, vụ xuân năm 2012 gieo cấy 1,1 sào lúa, đạt năng suất gần 65 tạ/ha. Sau thu hoạch, ông Tâm không làm đất sản xuất vụ hè thu mà để lại gốc rạ cũ, tranh thủ thời gian gối giữa hai vụ chăm bón để tiếp tục thu hoạch lúa chét. "Ở vụ xuân vừa rồi tôi đã tính dưỡng chét nên xuống giống lúa X23, bởi đây là giống cứng rạ, có khả năng tái sinh mạnh. Trước khi thu hoạch dăm ngày, tôi bón 7 kg đạm để tăng sức tái sinh cho gốc rạ; đồng thời tiếp tục để nước trong ruộng và phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Sau 50 ngày cho thu hoạch tới 2 lần (lần thứ nhất là lúa tái sinh, lần tiếp theo là lúa trổ ở nách cây), tính ra sản lượng đạt hơn 90 kg/sào" - ông Tâm cho biết.
Xã Nam Phúc (Nam Đàn) để 120 ha không sản xuất vụ hè thu
mà dưỡng lúa chét.
Trên cánh đồng Cầu Bàu, xã Nam Trung, anh Nguyễn Đình Đức (ở xóm 9) khi gặt xong lúa xuân cũng tiến hành chăm bón gốc cũ để dưỡng chét 1 sào lúa, cho năng suất 1 tạ/sào. Theo anh Đức, để dưỡng lúa chét cho năng suất cao, khi lúa chín khoảng hơn 80% thì tiến hành gặt sâu, để lại khoảng 20cm gốc, chỉ khoảng 10 ngày sau lúa sẽ tiếp tục đẻ nhánh. Nếu có ý định dưỡng lúa chét cần phải chọn giống ngay từ đầu mùa vụ; đó là những giống lúa dài ngày, có khả năng tái sinh mạnh, bụi to, trổ nhanh, tỷ lệ hạt lép thấp như giống X21, X23, BTE1... Lúa chét có cái lợi là không tốn công làm đất, tiết kiệm được giống, phân bón, ruộng lại ít cỏ, thân lúa cứng và chịu hạn tốt. Sau khi trừ chi phí đầu tư, năng suất lúa chét đạt 1 tạ/sào.
Các xứ đồng vùng sâu trũng như đồng Rào, Chùa Hói, Cầu Cháy, Trang Nam... thuộc xã Nam Trung hiện có hơn 100 ha sản xuất 2 vụ lúa, nhưng năm nay có đến hơn 30 ha không cấy lúa hè thu; sau vụ xuân bà con đã phát gốc rạ để dưỡng lúa chét. Theo anh Phạm Văn Phương, Trưởng ban Nông nghiệp xã Nam Trung: "Trước đây, phần lớn diện tích lúa chét không được đầu tư chăm sóc mà chỉ để nuôi vịt hoặc cho trâu, bò ăn... Nhưng qua theo dõi nhiều vụ, bà con phát hiện thấy ở gốc vụ trước vẫn tiếp tục đẻ nhánh khoẻ, trổ bông đẹp, riêng trong năm 2011, có những hộ chăm sóc tốt đã cho năng suất 90 - 100kg thóc/sào. Lúa chét thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ trong vòng 50- 55 ngày, không phải chạy đua trong khâu làm đất và tránh được lũ tiểu mãn”.
Anh Thái Đình Phú, chủ nhiệm HTX Nam Phúc cho biết: Nam Phúc là xã nằm ở vùng sâu trũng, vụ hè thu hàng năm thường không đạt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch năm 2012, xã phải gieo cấy 170ha lúa hè thu, nhưng trong quá trình vận động chỉ xuống giống được 55ha, chủ yếu ở 2 xứ đồng cao Xuân Mỹ và đồng Giông; ngoài ra bà con còn để 120 ha để dưỡng lúa chét (tăng 75 ha so với năm 2011). Trong 120 ha lúa chét thực chất chỉ có gần 70 ha thuộc vùng bàu sâu trũng, không ăn chắc; còn lại hơn 50 ha ở vùng cao có thể sản xuất được, nhưng năm nay do chi phí đầu tư tăng (hiện 1 công cấy, gặt là 200.000 đồng/sào, công dập đất từ 130.000 - 150.000 đồng/sào) nên nhiều người dân bỏ ruộng, không thiết làm vụ hè thu. Hình thức canh tác này chỉ là giải pháp tình thế cho những diện tích sâu trũng, có nguy cơ mất lụt cao. Và để lúa chét trước mắt thấy có lợi cho kinh tế hộ, nhưng nếu tính tổng thu nhập chung thì rất thấp. Tính riêng xã Nam Phúc, để 120 ha lúa dưỡng chét đạt năng suất bình quân 1tạ/sào cho sản lượng 2.400 tấn thóc; nếu làm vụ hè thu, tính theo mức năng suất trung bình các năm thường đạt 2,5 tạ/sào, thì tổng sản lượng lương thực sẽ là 6.000 tấn thóc.
Vụ hè thu năm 2012, theo kế hoạch huyện Nam Đàn cơ cấu 6.300 ha lúa, nhưng chỉ đạt được 5.900 ha. Ngoài diện tích bị bỏ hoang, toàn huyện vẫn còn gần 300 ha lúa dưỡng chét, tập trung chủ yếu ở các xã vùng ngoài đê, như xã Nam Kim (85 ha), Nam Phúc (115 ha), Nam Trung (34 ha)... Ông Nguyễn Hữu Nhuần - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: "Dưỡng chét" là lối canh tác mà huyện đã khuyến cáo người dân không nên thực hiện, vì lợi ích trước mắt thì thấp mà hậu quả nguy hiểm lâu dài. Lúa chét là môi trường cho dịch bệnh do virus gây hại phát triển, đặc biệt là trong tình hình bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá diễn biến phức tạp, trong khi lúa chét lại có thời gian hiện diện trên đồng trong một khoảng thời gian dài (hơn 3 tháng của vụ trước và gần 2 tháng vụ để chét), nên rầy nâu có nhiều cơ hội truyền virus gây bệnh hơn là trên cây lúa cấy. Như vậy, sau khi thu hoạch lúa xuân, nếu người dân để lúa chét thì vô tình tạo cầu nối cho mầm bệnh lưu trú và gây hại tới vụ mùa sau...
Ngọc Anh