Nguy cơ mất an toàn lao động

28/05/2014 12:52

(Baonghean) - Nếu như nhiều năm trước đây, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) mới chỉ được khối các doanh nghiệp nhà nước quan tâm thì hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã bước đầu có một số chuyển biến tích cực trong công tác này. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn, số vi phạm vẫn còn nhiều... 

(Baonghean) - Nếu như nhiều năm trước đây, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) mới chỉ được khối các doanh nghiệp nhà nước quan tâm thì hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã bước đầu có một số chuyển biến tích cực trong công tác này. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn, số vi phạm vẫn còn nhiều...

Được thành lập năm 2003, Công ty TNHH Liên Hiệp Nghệ An có trụ sở và nhà máy đặt tại Khu C - Khu Công nghiệp Nam Cấm, có số công nhân là 39 người. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ yếu của công ty là mua, bán, chế biến bột đá trắng siêu mịn. Để đảm bảo ATVSLĐ cho công nhân, Công ty thành lập Hội đồng bảo hộ lao động cơ sở và Ban an toàn lao động, phòng chống cháy nổ cùng mạng lưới an toàn vệ sinh gồm 5 người có nhiệm vụ giám sát, thực hiện công tác tự kiểm tra ATVSLĐ của đơn vị.

Ngoài ra, công ty đã xây dựng nội quy lao động, nội quy vận hành máy móc, thiết bị; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cá nhân cho người lao động; bố trí tủ thuốc dùng để sơ cứu khi có tai nạn xảy ra. Các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như xe nâng hàng 1,5 tấn, bình chứa khí nén đều được kiểm định kỹ thuật an toàn. Anh Lê Văn Tiến – công nhân của công ty cho biết: “Hàng năm, chúng tôi được công ty tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ và khám sức khỏe định kỳ nên cũng ý thức hơn về thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, an toàn về tính mạng và sức khỏe”.

Sản xuất đá trắng tại Công ty TNHH Trường Lộc (Quỳ Hợp).
Sản xuất đá trắng tại Công ty TNHH Trường Lộc (Quỳ Hợp).

Đóng tại Khu Công nghiệp Nghi Phú (TP. Vinh), doanh nghiệp tư nhân Song Thắng là một cơ sở chuyên sản xuất các loại sàn gỗ. Lao động phải làm việc trong điều kiện không khí nhiều bụi gỗ và tiếng ồn lớn. Xác định việc đảm bảo an toàn lao động, đảm bảo sức khỏe cho người lao động là yếu tố quan trọng, doanh nghiệp đã trang bị đầy đủ các trang phục bảo hộ cho người lao động. Đặc biệt, việc sử dụng bảo hộ lao động đã được đưa vào tiêu chí xếp loại thi đua hàng tháng nên hầu hết các công nhân đều chấp hành nghiêm túc. Anh Phạm Minh Đường - Chủ tịch Công đoàn doanh nghiệp cho biết: “Nhờ được nhắc nhở thường xuyên nên các công nhân đều chấp hành tốt nội quy lao động, người nào vi phạm sẽ phạt theo quy định. Thực hiện như vậy thì việc đảm bảo ATVSLĐ mới hiệu quả”.

Bà Hoàng Thị Hường – Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thực hiện chương trình quốc gia về ATVSLĐ, cùng với tuyên truyền, giám sát, thanh tra, kiểm tra của các ngành chức năng, nhiều doanh nghiệp – trong đó có các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đã thực hiện tự kiểm tra, rà soát phát hiện những nguy cơ mất an toàn để xây dựng biện pháp phòng ngừa tại nơi làm việc, phân xưởng sản xuất, góp phần cải thiện tốt hơn điều kiện, môi trường làm việc của người lao động, nhất là những bộ phận sản xuất trong điều kiện độc hại, độ rủi ro cao. Nhiều đơn vị ngoài quốc doanh đã chú trọng đầu tư kinh phí cho công tác huấn luyện an toàn, xây dựng quy trình quản lý chặt chẽ cho công tác ATVSLĐ ngày càng đi vào nề nếp”.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa thực sự chú trọng tới công tác ATVSLĐ. Năm 2013, đoàn thanh tra liên ngành của Sở LĐ – TB&XH và Liên đoàn Lao động tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về pháp luật ATVSLĐ tại 61 doanh nghiệp, trong đó có đến 48 doanh nghiệp (trong đó có 42 doanh nghiệp ngoài quốc doanh) vi phạm. Đã có 5 đơn vị bị xử phạt với tổng số tiền 34 triệu đồng, trong đó có 3 đơn vị ngoài quốc doanh là Công ty cổ phần Cơ khí ô tô Nghệ An, Công ty xây dựng An Bình và Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc. Quý I năm 2014 qua thanh tra, kiểm tra có 5 doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã phát hiện 3 đơn vị có nhiều vi phạm về pháp luật ATVSLĐ. Công ty Cổ phần xây dựng Tân Nam, (TP. Vinh), ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là xây dựng nhà các loại, xây dựng công trình đường sắt và đường bộ. Tổng số lao động đang làm việc tại công ty là 263 người.

Tuy có số lượng lao động lớn, lại thuộc ngành nghề dễ xảy ra tai nạn lao động nhưng trong đợt thanh tra về ATVSLĐ tại công ty vào tháng 4 vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện hàng loạt các lỗi vi phạm về an toàn lao động, trong đó có nhiều nội dung thiết yếu là: chưa thực hiện báo cáo định kỳ về công tác an toàn - vệ sinh lao động; chưa thành lập Hội đồng bảo hộ lao động, mạng lưới an toàn vệ sinh; chưa bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ; chưa xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm; chưa thực hiện công tác tự kiểm tra về ATVSLĐ; chưa thực hiện phân loại lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện các chế độ theo quy định; chưa xây dựng nội quy, quy trình vận hành máy, thiết bị; chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động và đặc biệt là chưa khai báo cũng như chưa thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn cho các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ là cần trục bánh xích, tời điện...

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tuy đã thực hiện công tác ATVSLĐ nhưng chưa đầy đủ. Ví như Công ty TNHH Trường Giang A, chuyên sản xuất, kinh doanh đồ điện gia dụng (dây cáp điện, tủ điện, quạt điện,…), có nhà máy đóng tại đường Đặng Thai Mai, Khu Công nghiệp Bắc Vinh (TP. Vinh). Những năm qua, công ty đã chú trọng thực hiện một số nội dung ATVSLĐ nhưng vẫn còn một số bất cập: chưa xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm; chưa bố trí cán bộ phụ trách y tế hay hợp đồng với cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe người lao động; người làm công tác quản lý, người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động của công ty chưa được huấn luyện về công tác ATVSLĐ; chưa tổ chức tập huấn an toàn lao động cho người lao động; chưa xây dựng nội quy, quy trình vận hành các loại máy, thiết bị và biện pháp làm việc an toàn – vệ sinh lao động… Đây cũng là những lỗi phổ biến mà các doanh nghiệp thường mắc phải trong công tác đảm bảo ATVSLĐ trong thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Đăng Dương – Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH cho biết: “Phải khẳng định là tai nạn lao động có thể xảy ra ở bất kỳ doanh nghiệp nào, không kể nhỏ hay lớn, quốc doanh hay ngoài quốc doanh. Bởi vậy, việc đảm bảo các yêu cầu về an toàn lao động trong doanh nghiệp phải được thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả nhất. Hạn chế hiện nay là công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện chế độ an toàn, bảo hộ lao động của các cấp ngành, đơn vị chức năng, mặc dù đã được tăng cường, nhưng một số nơi vẫn chưa nghiêm, chưa theo kịp thực tế phát triển nhanh của doanh nghiệp – đặc biệt là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, dẫn đến mất an toàn trong lao động. Để khắc phục những hạn chế trên, các tổ chức, ban, ngành cần tiếp tục quán triệt chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác ATVSLĐ, thường xuyên đến các đơn vị, doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú. Trên cơ sở đó, mỗi ngành, tổ chức đơn vị cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể về công tác ATVSLĐ phù hợp, nhằm hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp...”.

Bài, ảnh: Minh Quân

Mới nhất
x
Nguy cơ mất an toàn lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO