Nguy cơ mất nhà, đất canh tác ở huyện Quỳ Hợp do sạt lở bờ sông
(Baonghean.vn) - Có rất nhiều ngôi nhà ở các xã Tam Hợp, Châu Quang, huyện Quỳ Hợp nguy cơ bị “hà bá” nuốt chửng. Mọi người đứng ngồi không yên khi sông Nậm Huống, sông Dinh cứ từng ngày ăn sâu vào đất, khiến người dân luôn sống trong bất an.
Chúng tôi tìm về xóm Yên Luống, xã Châu Quang, thấy một số ngôi nhà của người dân nằm chênh vênh dọc bờ sông Nậm Huống, vết sạt lở đã ăn sâu vào tận trước sân. Ông Lữ Văn Lý, ở xóm Yên Luống cho biết: Trận lũ năm 2022 đã cuốn mất chuồng lợn, chuồng bò xuống sông Nậm Huống. Trận lũ mới cách đây hơn 1 tháng đã ăn sát vào cả khu vực bếp. Cứ đà này chỉ một thời gian ngắn nữa thì sông lấn mất cả nhà.
Một cụ cao niên ở xóm Yên Luống chia sẻ: “Chưa thấy khi nào sông lở mạnh như bây giờ. Riêng năm nay, sau mưa lớn, nước sông đỏ ngầu cuồn cuộn chảy khiến đất lở ngày càng mạnh đe dọa nhà dân. Khu vực này lở là mất đất, chứ chưa bao giờ thấy sông bồi vào thêm mét nào”.
Đi dọc dòng sông Nậm Huống thấy bờ sông còn “ăn” cả vào tận những đồi keo, cả cánh đồng mía của người dân cũng bị trôi sông. Ông Trần Minh - một người dân xã Châu Quang dẫn chúng tôi ra bãi mía đang bị lở, buồn bã nói: Mía sắp đến kỳ thu hoạch nhưng nhiều diện tích đã nằm dưới sông, người dân vừa mất đất sản xuất, vừa mất cả thu nhập. Chỉ mong cấp trên sớm có biện pháp khắc phục để đảm bảo tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Theo tìm hiểu thấy rằng, đa số những người dân sống ở vùng sạt lở cuộc sống còn nghèo khó, nhiều hộ dân bị sông “ngoạm” mất đất sản xuất, đất thổ cư đành phải đi làm “phu” đá, “phu” thiếc, cuộc sống càng thêm khốn đốn.
Ông Phạm Công Truyền - Chủ tịch UBND xã Châu Quang cho biết thêm: Dòng sông Nậm Huống bắt nguồn từ vùng các xã Châu Thành, Châu Hồng đổ về sông Dinh, đi qua địa bàn xã hơn 3 km. Các đợt mưa lũ đã gây sạt lở bờ sông với chiều dài trên 1 km, 30 hộ dân ở xóm Yên Luống bị ảnh hưởng. Do sạt lở bờ sông Nậm Huống, có trên 8 ha đất canh tác, đất bãi bồi bị trôi xuống sông.
Để đối phó với tình trạng sạt lở, những năm qua, UBND xã đã huy động bà con nhân dân trồng tre, đóng cọc tre, một số điểm sạt lở nặng kè tạm đá nhưng cũng chẳng ăn thua, cứ đến mùa lũ tất cả lại trôi xuống sông.
Xã đã báo cáo tình trạng sạt lở lên cấp trên, huyện cũng đã về nắm tình hình nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp cụ thể, xã chỉ biết khuyến cáo bà con tự ý thức bảo vệ tính mạng, tài sản của mình.
Phía dưới là xã Tam Hợp, nhiều năm qua cũng bị ảnh hưởng sạt lở khá nặng nề. Đại diện UBND xã Tam Hợp cho biết: “Sông Dinh đoạn qua xã bị sạt lở khoảng trên 2,5 km, với 154 hộ dân thuộc diện cảnh báo nguy cơ sạt lở; trong đó, có trên 40 hộ dân nằm ở vùng đặc biệt nguy hiểm, chủ yếu ở các xóm Tân Mùng, xóm Dinh, Đồng Chảo, Sợi Dưới… Ngoài thiệt hại về đất đai, tài sản của bà con nhân dân, sông Dinh đã làm hư hỏng Tỉnh lộ 532 dài hơn 2 km.
Những năm qua, xã Tam Hợp đã phản ánh lên UBND huyện thực trạng sạt lở, UBND huyện cũng lập các đoàn về kiểm tra khảo sát. Tuy nhiên, nhiều năm qua các ngành chức năng chưa có giải pháp để kè chống sạt lở.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Hợp cho biết: Tình hình sạt lở bờ sông Dinh, sông Nậm Tôn, sông Nậm Huống đi qua các xã Châu Quang, Thọ Hợp, Tam Hợp… trong những năm gần đây diễn biến phức tạp, gây ra nhiều thiệt hại về tài sản cũng như ảnh hưởng đời sống của nhân dân. Sạt lở bờ sông đã cuốn trôi các công trình phụ của nhà dân, mất đất canh tác, đất thổ cư.
Hiện nay, toàn huyện chỉ mới kè được 1 điểm ở bản Lè, xã Châu Quang, với chiều dài khoảng trên 400 mét. Để đảm bảo an toàn cho nhân dân, vào mùa mưa bão, huyện chỉ đạo các xã cử lực lượng, canh trực, nắm bắt tình hình và có phương án di dời các hộ dân ở vùng sạt lở bờ sông khi cần thiết.
Mùa mưa, người dân các xã sinh sống bên miệng “hà bá” ở huyện Quỳ Hợp lại lo nước thượng nguồn đổ về. Dòng sông Nậm Huống, sông Dinh quằn quại đổi dòng. Đất thổ cư, đất canh tác với những ngô, mía đậu, lạc... lại bị dòng sông hung hãn chực chờ nuốt chửng.