Nguy cơ phát tán dịch bệnh

10/12/2012 17:10

(Baonghean) - Tại bến đò Lĩnh Sơn - Lạng Sơn của huyện Anh Sơn, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng lợn chết bỏ trôi dật dờ trên sông Lam. Theo quan sát thì lợn trọng lượng khoảng 7-8 yến, xuất hiện nhiều vết trắng, thâm xanh, được vứt bỏ xuống sông khoảng 3-5 ngày. Khi được hỏi, một số người dân xóm 6, xã Lạng Sơn và xóm 10, xã Lĩnh Sơn, cho hay “lợn chết a rứa có gì lạ mô. Gần đây, tháng mô, ngày mô qua đò cũng thấy lợn chết trôi trên sông, nhưng chúng tôi thấy không có ai ngó ngàng chi nên không quan tâm”. Theo anh Nguyễn Tiến Tùng - chủ đò cho biết: “Từ tháng 8, sau trận mưa lụt đến nay, ngày mô cũng có lợn chết nổi kềnh trên sông, lợn mạ có, lợn thịt có. Nhiều con, xác mắc kẹt lâu ngày dưới chân lồng nuôi cá dưới chân Trạm Thủy nông Lĩnh Sơn, thối lắm”.



Lợn chết trổi bị cột chặt trôi thả trên Sông Lam
(ảnh chụp tại bến đò Lĩnh-Lạng, sau trường Cấp 2 Lạng Sơn- Anh Sơn)

Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Ưng- Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Anh Sơn, được biết “cơ quan chưa nghe thông tin này, nếu thế thì chúng tôi sẽ điều tra lại thông tin từ các thú y địa phương cụ thể”. Theo ông Ưng thì năm nay, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn ở Anh Sơn cơ bản ổn định, chỉ xuất hiện triệu chứng bệnh léptô (hay còn gọi là bệnh lợn nghệ). Bệnh này có biểu hiện lợn bỏ ăn, suy nhược, phân thay đổi thất thường, nhốt chuồng nghe mùi khét, đối tượng xảy ra trên đàn lợn nái và lợn thịt. Nguyên nhân triệu chứng này là do vi rút xoắn khuẩn gây nên, có thể lây lan do chuột bọ, gặm nhấm qua lại trên đàn lợn. Bệnh này rất khó phát hiện, người dân còn mơ hồ, chỉ được biết khi có cán bộ thú y hỗ trợ. Từ tháng 9 đến nay, nhiều xã xuất hiện bệnh léptô trên lợn theo kiểu “nhảy cóc”, nhiều nhất là các xã vùng gần sông Lam như Lĩnh Sơn 10 con/tháng, Thạch Sơn 10 con/tháng, Lạng Sơn 5 con/tháng, Hùng Sơn 7 con/tháng... Ông Ưng khẳng định, dịch bệnh này xảy ra nhưng trên địa bàn huyện cơ bản lợn tự hồi phục được, chỉ có một số con bị chết đã được thú y cơ sở hướng dẫn chôn lấp?.

Theo ông Mai Quốc Sỹ- Trưởng Ban Thú y xã Lĩnh Sơn thì triệu chứng lợn bị bệnh xảy ra trên phạm vi nhỏ, số lượng ít, trong khi chu kỳ sinh trưởng của lợn thịt 2-3,5 tháng là xuất bán nên người dân không quan tâm. Thú y viên báo cáo lên có thể không đủ số lượng hoặc bỏ qua không báo cáo nên cũng khó kiểm soát được tình hình.

Tuy chưa được xác định rõ ràng nguyên nhân của thực trạng lợn chết bị vứt thả xuống sông Lam. Song, đây cũng là điều đáng báo động về tình trạng kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc của các ngành chức năng, đặc biệt là thú y địa bàn huyện Anh Sơn. Đáng trách hơn, việc thiếu ý thức của một số người dân, vứt lợn chết xuống sông Lam gây ô nhiễm môi trường, phát tán dịch bệnh.


Mai Lương

Mới nhất
x
Nguy cơ phát tán dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO