42 người nhiễm HIV ở Phú Thọ: Cuộc sống tủi hổ của người phụ nữ
Từ sau khi biết tin bà mắc bệnh, hàng xóm không còn sang chơi, căn nhà giờ đây trở nên u ám hẳn, không còn tiếng cười nói đùa vui.
Xác định 42 người nhiễm HIV tại xã Kim Thượng
Tại buổi họp cung cấp thông tin mới nhất vụ hàng chục người nhiễm HIV ở Phú Thọ chiều 13/8, ông Lê Quang Thọ (Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ) cho biết: "Theo thống kê, trong tổng số 490 người ở xã Kim Thượng được lấy máu xét nghiệm, có 42 người nhiễm HIV. Đây là tỷ lệ cao. Tuy nhiên, câu chuyện này không phải mới phát hiện, có thời gian tích lũy trước đó".
Người đầu tiên nhiễm HIV bà H.T.G (ở khu Chiềng 2, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ). Bà G. phát hiện ra nhiễm HIV 1 tháng nay. Theo thông tin chồng bà G. cung cấp, trước giờ, bà G. chưa đi đâu khỏi khu, nếu có bệnh tật cũng không thăm khám ở đâu bao giờ mà chỉ đến khám và tiêm tại nhà ông Th. Bản thân gia đình ông cũng không có ai mắc bệnh nên không thể có chuyện lây lan.
Người thứ 2 dương tính với virus HIV được xác định là bà T.T.T, sinh năm 1972 (ở khu Chiềng 2, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ).
Giấy ra viện của 2 bệnh nhân nhiễm HIV cùng ở Khu Chiềng 2, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ. |
Người thứ 3 nhiễm HIV mà phóng viên gặp là một cháu bé. Cháu bé này đi chữa bệnh và phát hiện nhiễm HIV.
Theo ông Phùng Quý Mão - Chủ tịch UBND xã Kim Thượng, nguyên nhân cháu bé nhiễm bệnh nguồn từ đâu thì địa phương không rõ. Chỉ biết rằng, trước đó gần nhà cháu có đôi vợ chồng đi làm ăn xa mắc căn bệnh này, cháu thường xuyên sang nhà này chơi.
Sau khi vợ chồng này mất thì cũng phát hiện cháu bị bệnh, còn những người khác trong gia đình cháu thì không nhiễm HIV.
Người phụ nữ đáng thương sống trong tủi hổ, cô lập
Bà G. cho biết, trước đây, bà vốn là một người hay lam hay làm, cả ngày chăm bón đồng ruộng, tối về lại lo cho con cháu. Bà vẫn được bà con trong xóm gọi là một người phụ nữ của gia đình. Thi thoảng, hàng xóm láng giềng tập trung nói chuyện tâm sự chuyện làng, chuyện xã hay chuyện hoa màu rất vui vẻ.
Tuy nhiên, từ sau khi biết tin bà mắc bệnh, họ không còn sang đó nữa, căn nhà của bà giờ đây trở nên u ám, không còn tiếng cười nói đùa vui như vốn có. Thay vào đó là tâm lý sợ hãi, lo lắng và tủi hổ.
Tỷ lệ nhiễm HIV tại xã Kim Thượng tăng bất thường. |
“Trước đây, khi làng xóm có cỗ, cưới xin, nếu ông nhà tôi không đi được thì tôi đi. Giờ thì không được nữa rồi, mình không dám ngồi gần, ăn cùng mâm, uống cùng cốc và nói chuyện cùng ai. Tất cả như xa lánh dần với tôi - nghĩ mà càng tủi”, bà G. lau vội dòng nước mắt trên má, vừa khóc vừa kể lại.
Thương cho số phận của mẹ mình, chị Hà Thị P. - con gái bà G. cũng cho biết thêm, từ khi biết tin bệnh, bà G. cũng chủ động ăn riêng và dùng các dụng cụ vệ sinh riêng. Nhưng tôi biết là mẹ buồn nhiều, mọi thứ như đóng sập lại.
“Ngày xưa vui đùa bên các cháu, giờ nào còn dám âu yếm ai”, chị P. nói trong xót xa.
May mắn hơn gia đình bà G., vợ chồng anh H.V.V và chị T.T.T, chị cho biết, sau khi biết tin chị bị bệnh, hàng xóm láng giềng, anh em bạn bè vẫn sang thăm hỏi, động viên thường xuyên và không xa lánh, mặc kệ tiếng đồn ác ý.
“Vốn dĩ mình bị những bệnh bình thường thì không sao, nhưng giờ lại nhiễm HIV, người ta không kỳ thị là tốt lắm rồi. Tuy nhiên, tôi thấy mình vẫn hạnh phúc hơn nhiều người khi có được anh em họ hàng, làng xóm luôn động viên giúp đỡ. Họ vẫn hỏi thăm tôi, không xa lánh như tôi vẫn lo sợ”, chị T. nói.
HIV/AIDS vốn là một căn bệnh thế kỷ, dù y học tiến bộ vượt bậc so với trước nhưng bệnh đến nay vẫn chưa có biện pháp điều trị dứt điểm. Bởi vậy, số phận của những con người nhiễm HIV tại Kim Thượng càng lâm bi đát và khốn khổ hơn bao giờ hết.
Họ, có thể vì vô tình, có thể vì lý do nào đó mà nhiễm phải căn bệnh quái ác này, nhưng với họ, những người quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lo từng bữa cơm, manh áo cho gia đình, thì khi nhận tờ kết quả xét nghiệm trên tay, chẳng khác nào như án tử đã tới với họ. Và có thể thần chết đã chọn họ như là những người phải “ra đi” tiếp theo.
Chẳng biết, tương lai sẽ còn bao nhiêu con người ở cái làng quê nghèo này phải nhận "án tử" từ căn bệnh thế kỷ, nhưng chắc chắn không thể phủ nhận rằng, HIV/AIDS đang “nuốt” những tâm hồn bất hạnh tại xã nghèo.