Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Nguyễn Lợi: Chiến sĩ cách mạng kiên trung và tận tụy

Hoàng Xuân Thường 29/09/2021 15:44

(Baonghean.vn) - Chiến sĩ cách mạng Nguyễn Lợi sinh ngày 23/11/1903, tại xã Hưng Thủy, nay thuộc phường Bến Thủy, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trong một gia đình công nhân.

Ông nội của ông thi đậu cử nhân nhưng không ra làm quan. Cụ đã tham gia phong trào cần vương do Chí sĩ Phan Đình Phùng lãnh đạo, rồi bị thực dân Pháp bắt và giết.

Cha mẹ của Nguyễn Lợi là công nhân. Năm 14 tuổi, sau khi cha mất, cậu thiếu niên Nguyễn Lợi đã vào làm công nhân trong Nhà máy diêm Bến Thủy.

Chân dung nhà cách mạng Nguyễn Lợi. Ảnh tư liệu
Chân dung nhà cách mạng Nguyễn Lợi. Ảnh tư liệu

Cuối năm 1926, đầu năm 1927 anh thanh niên Nguyễn Lợi tham gia Hội Hưng Nam (sau đổi là Tân Việt cách mạng Đảng, gọi tắt là Đảng Tân Việt, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Vào khoảng giữa năm khi đi làm việc tại Quảng Trị theo yêu cầu của chủ xưởng ô tô Bạch Thái Đào, Nguyễn Lợi bị mật thám bắt và bị đưa về Nhà lao Vinh. Kẻ thù tra tấn dã man nhằm buộc ông khai báo về tổ chức Tân Việt nhưng ông đã không hé lời nào. Giữa tháng 11/1929 Tòa án Nam triều Nghệ An kết án Nguyễn Lợi 2 năm án treo.

Vào cuối năm 1929 Nguyễn Lợi được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng.

Ngày 1/5/1930, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh bộ Vinh, trực tiếp là các ông Lê Mao, Hoàng Trọng Trì, Nguyễn Lợi,... tại Vinh-Bến Thủy đã diễn ra cuộc biểu tình lớn của công nhân và nông dân nội, ngoại thành kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Cuộc biểu tình này mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931 trên toàn quốc.

Cuối tháng 5/1930, Nguyễn Lợi bị mật thám thực dân Pháp bắt lần thứ hai. Bị tra tấn dã man, bị dụ dỗ nhưng ông vẫn trung thành với cách mạng, không khai báo thông tin về cơ sở đảng nên gần cuối tháng 8/1930, chúng phải trả tự do.

Vào giai đoạn thoái trào cách mạng, mặc dù địch đánh phá ráo riết nhưng cơ quan Xứ ủy Trung kỳ vẫn tồn tại trên địa bàn phố Đệ Thập (nay thuộc khối 2, phường Bến Thủy). Ông Lê Viết Thuật vẫn kiên trì bám trụ nơi đây để chỉ đạo hoạt động toàn xứ Trung Kỳ. Trong thời kỳ này người cộng sự đắc lực của Bí thư Xứ ủy Lê Viết Thuật là Xứ ủy viên Trung Kỳ Nguyễn Lợi.

Một đường phố ở Vinh thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu
Một đường phố ở Vinh thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu

Tháng 12/1931, do một người liên lạc không chịu nổi đòn tra tấn nên đã khai báo, làm lộ Cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ nên mật thám Vinh đã đưa lính đến vây bắt Bí thư Xứ ủy Lê Viết Thuật.

Đầu năm 1932, Nguyễn Lợi bị mật thám bắt lần thứ ba. Tòa mật thám Vinh tra tấn ông rất dã man nhằm truy tìm cơ quan Xứ ủy Trung kỳ nhưng chúng không thể nào đạt được mục đích. Khi bị bắt vào Nhà lao Vinh, Xứ ủy viên Nguyễn Lợi đã viết thư ngắn cho Bí thư Xứ ủy Lê Viết Thuật có nội dung như sau:

"Tôi đã được vào Nhà lao Vinh. Tôi đang được anh em chăm sóc. Anh cho người lên hỏi anh Nguyễn Xuân Khôi mà bắt mối khu Vinh. Anh ta sẽ đem mối huyện Nam Đàn lại cho mà giới thiệu lại cho tỉnh Nghệ An".

Vào tháng 7/1932, Nguyễn Lợi bị đày lên Nhà đày Lao Bảo, rồi Nhà đày Ban Mê Thuột.

Như vậy, trải qua ba lần bị bắt, bị kết án tử hình rồi hạ xuống chung thân, bị tra tấn thừa sống thiếu chết nhưng Nguyễn Lợi vẫn trung thành với phong trào cách mạng. Đã 13 năm trời ông bị giam ở nhà tù Lao Bảo và nhà tù Buôn Ma Thuột. Có lần ông chuẩn bị kế hoạch vượt ngục, các đồng chí thành công nhưng bản thân ông vẫn không thoát ra được. Trong số các Ủy viên Xứ ủy Trung kỳ thì Nguyễn Lợi đã bị tù nhiều lần và thời gian ở tù cũng thuộc loại lâu nhất. Hễ ra tù, ông lại lao vào công tác, cho dù khó khăn nguy hiểm đến mấy. Trong Cách mạng tháng Tám ông đã tham gia lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện Diên Khánh, Vĩnh Xương, thị xã Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, làm Chính ủy Trung đoàn 210.

Sau năm 1954 Nguyễn Lợi tập kết ra Bắc, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà máy Cơ khí Hà Nội. Đây là nhà máy cơ khí lớn nhất miền Bắc thời bấy giờ, do Liên Xô giúp ta xây dựng. Một thời gian sau ông tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai kiêm Bí thư Đảng ủy khu mỏ Apatit Lào Cai.

Từ năm 1962 đến năm 1970, Nguyễn Lợi được cấp trên phân công làm Bí thư Đảng ủy Trường Công nhân kỹ thuật Vinh (nay là Trường Đại học SPKT Vinh) và Hiệu trưởng Nhà trường từ năm 1967 đến năm 1972.

Vào cuối năm 1964, do Mỹ đánh phá miền Bắc,ông đã cùng các lãnh đạo nhà trường đạp xe đạp từ Vinh đi lên núi rừng Quỳ Hợp để tìm địa điểm sơ tán. Sau đó, Trường chuyển lên vùng rừng núi bãi Tập, thuộc huyện Quỳ Hợp. Để giảm thiệt hại trong trường hợp giặc Mỹ ném bom vào nơi sơ tán (được gọi là khu A), tháng 4 năm 1966, một bộ phận của Trường vượt sông Dinh, qua làng Cốc Mẵm, lập thêm một khu sơ tán mới, được gọi là khu B, cách khu A khoảng 20 km.

Khuôn viên Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh hiện nay. Ảnh tư liệu
Khuôn viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh hiện nay. Ảnh tư liệu

Quá trình di chuyển máy móc thiết bị với hàng trăm tấn vô cùng khó khăn gian khổ, vì phải làm ngày làm đêm bằng sức người bắn, xeo từ xưởng ra để cho lên ô tô bằng cách đào hầm thoai thoải cho ô tô lùi xuống cho sàn xe bằng mặt nền xưởng rồi cho máy lên xe chứ không có xe cẩu như sau này. Nguyễn Lợi đã liên hệ nhờ Quân khu 4 giúp đỡ cho công binh cùng Đoàn thanh niên nhà trường đào hầm đặt máy vào trong núi đá vôi ở Quỳ Hợp. Trong điều kiện vô cùng khó khăn ở nơi sơ tán, phải lên sống với muỗi núi, vắt rừng, khe sâu, nước độc; phải ăn độn sắn khoai, phải lấy lá tàu bay thay cho các loại rau xanh,… nhưng tất thảy đều được vượt qua. Thầy và trò cùng chung tay dựng lên trên 10.000 m2 nhà, tự tay lắp đặt trang thiết bị, đảm bảo tốt hoạt động dạy và học.

Thời kỳ chiến tranh ác liệt Nguyễn Lợi vẫn đạp xe đạp đi từ Quỳ Hợp về Cơ quan UBND tỉnh đóng ở huyện Anh Sơn cách xa khoảng 60 km để báo cáo, liên hệ công việc. Có hôm đi về trường do trời tối, đường sá khó đi lại còn xa, ông đã phải dựng xe dưới gốc cây rừng rồi trèo lên cây ngồi nghỉ để chờ cho trời sáng và để tránh thú dữ. Mọi người từng công tác tại Trường thường nói: “Bác Nguyễn Lợi là một người lãnh đạo sáng suốt, tận tụy, chí công vô tư”.

Phu nhân của Nguyễn Lợi là bà Hồ Thị Nhâm, sinh năm 1918, cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa. Ông bà Nguyễn Lợi có 3 người con: Con gái lớn là bác sĩ, con trai thứ hai là công nhân, con trai thứ ba là giảng viên đại học. Ông bà đã dạy các con tính tự lập trong cuộc sống, học tập, làm việc, không hề dựa vào công lao và uy tín của bố; người con trai lớn sau khi tốt nghiệp phổ thông đã đi bộ đội rồi mới xuất ngũ, bước vào học chuyên nghiệp.

Với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Nguyễn Lợi đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (vào năm 1985), Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đồng chí Nguyễn Lợi đã được Nhà nước tặng thưởngnhiều phần thưởng cao quý.
Nhà cách mạng Nguyễn Lợi được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Ảnh: GĐCC

Chiến sĩ cách mạng Nguyễn Lợi luôn là tấm gương cộng sản kiên cường, dũng cảm, sống đầy trách nhiệm, gương mẫu trong mọi hoạt động xã hội và sống rất tình nghĩa, thủy chung với gia đình, họ hàng và bà con làng xóm. Các đồng chí trong chi bộ đã gọi ông là “ông Lợi rèn” vì ông là công nhân cơ khí và sau này nhiều người quen gọi là “bác Lợi rèn”.

Sau khi về hưu ông cùng gia đình sống ở TP. Vinh mà không chuyển ra Hà Nội như nhiều người vẫn nghĩ. Khi ông đang làm việc hay khi đã nghỉ hưu, bạn bè đang công tác với chức vụ cao vẫn thường ghé thăm ông mỗi lần họ có dịp đi qua TP. Vinh.

Nguyễn Lợi đã từ trần vào ngày 8/7/1988 tại TP. Vinh sau những năm tháng kiên trung và tận tụy trong sự nghiệp hoạt động cách mạng và xây dựng đất nước quê hương.

----------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An: Nghệ An - Những tấm gương cộng sản, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, trang 71÷87.

2. Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Vinh, Lịch sử Đảng bộ thành phố Vinh (1930-2005), Sơ thảo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

3. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An: Nhà lao Vinh, Nxb. Nghệ An, 2005.

Nguyễn Lợi: Chiến sĩ cách mạng kiên trung và tận tụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh