Nghệ An: 'Quả ngọt' khi chính sách dân số đi vào cuộc sống

Mỹ Hà 02/01/2023 08:42

(Baonghean.vn) - Năm 2022 là năm thứ 5 Nghệ An triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Công tác dân số trong tình hình mới”. Đây cũng là dấu mốc quan trọng, cho thấy những chuyển biến tích cực của ngành Dân số sau những nỗ lực, cố gắng “vượt khó”.

Nhìn lại những kết quả trong những năm vừa qua, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh có cuộc trao đổi với Báo Nghệ An.

P.V: Thưa ông, năm 2022 là năm thứ 5 Nghệ An triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW (Nghị quyết số 21) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Công tác dân số trong tình hình mới”. Nghị quyết đã nêu rõ “đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển”; đồng thời, đã đề ra những quan điểm mới, mục tiêu mới đi kèm hệ thống những giải pháp. Vậy tại Nghệ An, sau 5 năm triển khai, việc thực hiện Nghị quyết số 21 đã có những tác động như thế nào đến công tác dân số của tỉnh nhà?

BS.CKII Nguyễn Bá Tân: Đây là nghị quyết hết sức quan trọng đối với ngành Dân số nói riêng và y tế nói chung. Đối với Nghệ An, khi Nghị quyết 21 ra đời, những người làm công tác dân số đều rất vui mừng và xem đây là kim chỉ nam, sợi chỉ đỏ xuyên suốt để triển khai các hoạt động trên toàn tỉnh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Phạm Vũ Hoàng thăm mô hình cung cấp dịch vụ dân số tại huyện Con Cuông. Ảnh: Mỹ Hà

Trong quá trình triển khai, chúng tôi đã kịp thời tham mưu và Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 25 thay cho Chỉ thị số 09, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 21. Đặc biệt, ngày 1/4/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1114 kèm theo kế hoạch rất cụ thể, chi tiết hơn 43 hoạt động triển khai trên địa bàn.

Sau Kế hoạch của UBND tỉnh, chúng tôi căn cứ vào 9 kế hoạch, chương trình, đề án của Bộ Y tế để xây dựng 2 đề án, 6 kế hoạch để triển khai trên địa bàn về công tác dân số trong tình hình mới và đã triển khai đồng bộ trên 21 huyện, thành, thị và 463 xã, thị trấn.

Hơn 4 năm qua, Nghệ An đã thực hiện quyết liệt những nội dung của Nghị quyết 21 và các chương trình, đề án đã thực sự đi vào cuộc sống và gặt hái được nhiều kết quả tích cực và mỗi cán bộ, đảng viên và người dân ở mọi độ tuổi đều thấm nhuần được nghị quyết này.

P.V: Trong chuyến công tác mới đây tại Nghệ An, Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) đánh giá cao sự chủ động của Nghệ An, được thể hiện trong công tác tham mưu, chọn vấn đề cần ưu tiên. Đó có phải là thành công lớn nhất của chúng ta trong việc thực hiện Nghị quyết số 21?

BS.CKII Nguyễn Bá Tân: Như tôi đã nói, sau khi có Nghị quyết số 21, ngành Dân số đã rất chủ động, linh hoạt tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản quan trọng về công tác dân số, đặc biệt là việc thể chế hóa Nghị quyết số 21…

Một tiểu phẩm tham dự cuộc thi "Cán bộ ngành Y tế với công tác dân số". Ảnh: Mỹ Hà

Những chính sách, nghị quyết đưa ra đều là những văn bản quan trọng, xác định hệ thống quan điểm, mục tiêu cần đạt và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của công tác dân số.

Đặc biệt, việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách về công tác dân số và phát triển trong tình hình mới với nhiều chính sách khen thưởng đối với các xã, phường, thị trấn và khối, xóm bản không có người sinh con thứ 3 trở lên và sắp xếp lại hệ thống bộ máy dân số, đều có ý nghĩa hết sức tích cực.

Trước đó, hơn 180 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh không có cộng tác viên dân số kiêm nhân viên y tế, nhưng sau khi Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND ra đời, chúng ta đã “bao phủ” về cơ bản và đây là tiền đề tốt để giúp công tác dân số ở cơ sở hoạt động ngày một hiệu quả.

P.V:Nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 21 là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Nhưng tại Nghệ An, hiện chúng ta vẫn phải thực hiện song song hai nhiệm vụ. Nguyên nhân là vì đâu và ngành Dân số tỉnh nhà đang phải đối diện với những khó khăn nào?

BS.CKII Nguyễn Bá Tân: Nghệ An khác với 9 tỉnh có mức sinh thay thế và có 21 tỉnh có mức sinh thấp. Chính vì vậy, nhiệm vụ của ngành Dân số Nghệ An cũng có những khác biệt, chúng ta phải đi “2 chân” với đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược, đó là vừa làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình để đảm bảo quy mô dân số, giảm sinh, cố gắng đạt mức sinh thay thế vào năm 2030; mặt khác chúng ta vẫn phải nâng cao chất lượng dân số.

Thực tế cho thấy, sau nhiều năm kiên trì, trong hai năm 2021, 2022 mức sinh trên địa bàn tỉnh bắt đầu giảm và đạt chỉ tiêu tỉnh giao. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, so với mặt bằng chung toàn quốc, mức sinh ở Nghệ An vẫn còn cao. Từ thực tế này, đặt ra cho những người làm công tác dân số từ năm 2023 đến năm 2030 phải tiếp tục giảm sinh, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

Thứ hai là phải hạn chế sinh con thứ 3 trở lên. Chúng tôi cũng đang “khoanh vùng” để tập trung vào những khu vực có mức sinh con thứ 3 trở lên đông như những vùng đặc thù, vùng ven biển, vùng nông thôn đông dân... Để cán bộ lãnh đạo, người dân cùng thấu hiểu, chia sẻ việc dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.

Người dân thị xã Thái Hòa hào hứng tham gia cuộc thi "Người cao tuổi sống vui, sống khỏe". Ảnh: Mỹ Hà

P.V:Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21, chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì và điều ấy sẽ tiếp tục được phát huy như thế nào trong giai đoạn tiếp theo, thưa ông?

BS.CKII Nguyễn Bá Tân: Để làm tốt công tác dân số đòi hỏi cả một quá trình và cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền.

Đối với Nghệ An, hiện là một trong số ít tỉnh được Tổng cục Dân số - KHHGĐ đánh giá là triển khai Nghị quyết số 21 có hiệu quả. Bài học lớn nhất, đó là ngay từ đầu phải có sự tham mưu và sự chỉ đạo bằng các văn bản, nghị quyết từ các ban, ngành cấp tỉnh. Sau đó, cần phải có sự hưởng ứng nhiệt tình, chân thực và làm thật của cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở. Trong quá trình triển khai phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá. Những khó khăn vướng mắc, những tồn tại sẽ được xem xét kịp thời để có biện pháp xử lý giúp các địa phương, đơn vị khắc phục những bất cập tồn tại.

Chúng ta đã bước sang năm 2023 với rất nhiều nhiệm vụ nặng nề. Vì thế, tôi mong những người làm công tác dân số trên toàn tỉnh từ cộng tác viên ở thôn, xóm, bản đến viên chức xã, viên chức dân số cấp huyện, cấp tỉnh hãy nỗ lực hết mình vượt qua khó khăn để nối tiếp những thành quả đã đạt được.

Năm 2022, công tác dân số được ngành Y tế đánh giá cao khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây sẽ là động lực để toàn ngành tiếp tục cố gắng hướng tới mục tiêu tỉnh có quy mô dân số phù hợp, chất lượng dân số và nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.

BS.CKII Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Mới nhất

x
Nghệ An: 'Quả ngọt' khi chính sách dân số đi vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO