Xã hội

Nguyễn Ngô Dật: Tên người thành tên phố hôm nay

Công Kiên 16/08/2024 15:40

Những ngày này, cùng với nhân dân cả nước đang hân hoan hướng đến những ngày lễ lớn của dân tộc, các thế hệ cháu, chắt của liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ngô Dật có thêm niềm vui vì tên của ông, cụ mình được đặt tên cho một con đường ở thành phố Vinh.

nguyenngodat-cover.png

Công Kiên • 16/08/2024

Những ngày này, cùng với nhân dân cả nước đang hân hoan hướng đến những ngày lễ lớn của dân tộc, các thế hệ cháu, chắt của liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ngô Dật có thêm niềm vui vì tên của ông, cụ mình được đặt cho một con đường ở phường Vinh Tân, thành phố Vinh.

lsnguyenngodat-tit1.png

Trong ngôi nhà thờ của liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật ở xóm 2, xã Châu Nhân (Hưng Nguyên), các cháu, chắt dành 1 phòng để làm phòng truyền thống của đại gia đình, bao gồm những tư liệu và hiện vật quý do các thế hệ ông, cha để lại. Trong đó, có bộ sách “Nghệ An – Những tấm gương cộng sản” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An soạn thảo, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành. Bộ sách này có các bài viết về liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật và 2 con trai là ông Nguyễn Xuân Thành và ông Nguyễn Văn Chính. Bài viết về liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật được đăng ở tập 3, giới thiệu về cuộc đời hoạt động cách mạng và sự hy sinh của người chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật (1890 - 1932), hậu duệ dòng họ Nguyễn Đức ở làng Phúc Mỹ, tổng Văn Viên, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên). Ông sinh ra trong một gia đình giàu lòng yêu nước, cha là cụ Nguyễn Đức Điều, người có quan hệ mật thiết với phong trào Văn Thân; người anh cả của ông cũng tham gia phong trào này bị Pháp xử bắn tại núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Thuở nhỏ, Nguyễn Ngô Dật theo học chữ Hán, đỗ đầu xứ nên được mọi người thường gọi là đầu xứ Dật.

Vị trí xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Nguồn: Google maps

Sinh ra trong gia đình và vùng quê giàu truyền thống yêu nước, Nguyễn Ngô Dật sớm được giác ngộ cách mạng. Năm 1927, ông được kết nạp vào đảng Tân Việt, nhận nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở vùng Phúc Mỹ. Để tuyên truyền lý tưởng cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân, ông đã mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho con em trong làng, mua sách, báo tiếng Việt có nội dung tiến bộ để truyền bá tư tưởng cách mạng của thời đại. Sau khi đảng Tân Việt phân rã, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930. Thời gian này, ông đã thành lập tổ ấn loát để in ấn và rải truyền đơn, sao in các tài liệu cách mạng để phổ biến tại các chi bộ. Ông đã tuyên truyền, giác ngộ được một số quần chúng ưu tú và tiến tới thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Phúc Mỹ do ông làm Bí thư, và tổ chức xây dựng các chi bộ ở Phú Vinh, Xuân Nha, Mỹ Dụ. Nhà riêng của gia đình ông trở thành điểm hoạt động bí mật của Ban Tài chính, Xứ ủy Trung Kỳ và tổ ấn loát.

Sau khi hoạt động được 4 tháng, cơ sở bị lộ, ông Nguyễn Ngô Dật cùng con trai trưởng là Nguyễn Xuân Thành phải thoát ly, chuyển địa điểm hoạt động nhằm đảm bảo bí mật và an toàn. Nhà riêng của gia đình ông bị lính khố xanh chiếm đóng, lập đồn, vợ cùng các con nhỏ bị đuổi khỏi nhà, phải đến ở nhờ bà con nội, ngoại.

Xô viết Nghệ Tĩnh: Khẳng định giá trị của tinh thần đại đoàn kết – Báo Nghệ An
Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng.

Đầu năm 1931, thực dân Pháp và tay sai thực hiện chính sách đàn áp dã man phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nên phong trào đấu tranh ở địa phương có phần lắng xuống. Để ổn định lại tinh thần quần chúng và xây dựng lại cơ sở cách mạng, trên cương vị Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên, ông Nguyễn Ngô Dật cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Huyện ủy đã thực hiện củng cố phong trào, tổ chức huấn luyện các đội Tự vệ đỏ để đấu tranh với địch và bảo vệ quần chúng nhân dân. Nhờ đó, ngọn lửa của phong trào đấu tranh cách mạng vẫn được duy trì, chờ cơ hội thuận lợi sẽ bùng cháy và lan tỏa.

Đêm 14/7/1931, trên đường trở về từ cơ sở cách mạng, ông Nguyễn Ngô Dật cùng con trai bị địch vây bắt, nhưng chúng chỉ bắt được con trai của ông là Nguyễn Xuân Thành và đưa về giam tại buồng số 6, Nhà lao Vinh. Ngày 3/8/1931, ông Nguyễn Ngô Dật bị bắt tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và bị đưa về giam tại buồng số 2, Nhà lao Vinh, nghĩa là hai cha con cùng bị giam giữ tại một nhà tù. Sau đó, ông Nguyễn Ngô Dật bị Tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An kết án với 3 bản án (2 bản án tử hình, 1 bản án chung thân), cuối cùng chúng thi hành bản án số 108 với mức án tù khổ sai chung thân, đày ông đi Lao Bảo. Đến ngày 23/4/1932, ông bị chuyển vào Nhà đày Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ngày 28/9/1932, ông đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 42, trọn đời tranh đấu và hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Chân dung Liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật (1890 - 1932)
Chân dung liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật. Ảnh: GĐCC
lsnguyenngodat-tit2.png

Để ghi nhớ công lao của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, ngày 24/11/1961, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật đã hy sinh cho Tổ quốc, vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Tháng 12/1993, sau hơn 60 năm, con cháu đã tìm được phần mộ của ông, gia đình đã phối hợp với Tỉnh ủy Đắk Lắk xây cất nơi thờ cúng tại phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột.

Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật. Ảnh: Công Kiên
Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật. Ảnh: Công Kiên

Ngày 21/01/2013, liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật được Tỉnh ủy Nghệ An công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945. Quá trình hoạt động cách mạng của ông được Tỉnh ủy Nghệ An ghi danh trong cuốn sách “Nghệ An - Những tấm gương cộng sản” (tập 3). Ngôi nhà của gia đình ông được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1306/QĐ- UB ngày 12/4/1997 công nhận là di tích cách mạng do địa phương quản lý.

Nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình, 9 người con của ông Nguyễn Ngô Dật đã tích cực tham gia các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Trong đó, nổi bật là ông Nguyễn Xuân Thành, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, Huy hiệu 75 tuổi Đảng; ông Nguyễn Văn Ý, Huy hiệu 65 tuổi Đảng; ông Nguyễn Văn Chính, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và bà Nguyễn Thị Thanh Mai (con gái út), nguyên Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng (Hà Nội), Huy hiệu 55 tuổi Đảng. Riêng ông Nguyễn Xuân Thành và Nguyễn Văn Chính được ghi danh trong cuốn sách “Nghệ An - Những tấm gương cộng sản” (tập 4 và tập 6).

Ngôi nhà của liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật được UBND tỉnh công nhận là di tích cách mạng. Ảnh: Công Kiên
Ngôi nhà của liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật được UBND tỉnh công nhận là di tích cách mạng. Ảnh: Công Kiên
Các cháu của liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật bên bàn thờ ông nội; Tủ trưng bày hồ sơ, kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật. Ảnh: Công Kiên
Các cháu của liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật bên bàn thờ ông nội; Tủ trưng bày hồ sơ, kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật. Ảnh: Công Kiên

Đến nay, tính cả dâu và rể, đại gia đình liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật có gần 100 cháu và 200 chắt; các thế hệ cháu, chắt đều được học tập, đào tạo cơ bản trong và ngoài nước, có nhiều người giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Trong đó, thế hệ cháu có nhiều người là giáo sư và tiến sĩ, 3 người là sĩ quan cao cấp trong các lực lượng Công an và Quân đội; thế hệ chắt có nhiều người có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ…

Năm 2020, đại gia đình đã di dời mộ của liệt sĩ Nguyễn Ngô Dật từ thành phố Buôn Ma Thuột về quê hương yên nghỉ sau 88 năm xa cách. Thế hệ cháu, chắt càng thêm tự hào, vui sướng khi tên của ông được Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành nghị quyết đặt tên cho một con đường tại thành phố Vinh. Con đường này cách địa điểm ông được kết nạp Đảng và chỉ định làm Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên vài trăm mét. Đây chính là sự ghi nhận và tôn vinh công lao của một chiến sĩ cách mạng đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước.

Tuyến đường mang tên Nguyễn Ngô Dật ở phường Vinh Tân (TP.Vinh). Ảnh: Công Kiên
Tuyến đường mang tên Nguyễn Ngô Dật ở phường Vinh Tân (TP.Vinh). Ảnh: Công Kiên
Mới nhất
x
x
Nguyễn Ngô Dật: Tên người thành tên phố hôm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO